Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Tuy không phải là ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng việc chinh phục được nóc nhà Đông Bắc dường như khó khăn hơn nhiều lần so với đỉnh Fansipan cao vời vợi. Bởi lẽ, đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh rất xa xôi, cách trở, lại chưa được định hình thành tuyến như cung đường chinh phục nóc nhà Đông Dương, vốn xuất phát ngay gần thị trấn du lịch Sapa.
Theo kinh nghiệm từ những người đi trước, bạn có thể bắt đầu từ cửa khẩu Thanh Thủy ở huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang hơn 20 km về phía Tây Bắc, đến ngã ba Xín Chải rồi hỏi đường người dân địa phương để lên được đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể xuất phát từ huyện Hoàng Su Phì với cung đường qua Tùng Sán – Trúng Phúng và từ đây lên nóc nhà Đông Dương.
Dù chọn cung đường nào thì bạn cũng phải đối mặt với những con đường khi thì rậm rạp cỏ cây, chạy zíc zắc xuyên thẳng giữa rừng, lúc lại cheo leo giữa một bên là dốc đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Càng lên cao, cửa nhà càng thưa thớt, những con đường nhựa ban đầu cũng nhanh chóng thay bằng đường đất bụi mù ngày nắng và lầy lội lúc trời mưa. Trước khi đến với đỉnh 2.427 m trên dãy Tây Côn Lĩnh, bạn có thể khám phá nhiều điểm dừng chân thú vị.
Đồi chè cổ thụ
Tây Côn Lĩnh nổi tiếng với loại chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Sau khi vượt qua cổng trời Hoàng Su Phì, bạn sẽ thấy nhiều cây chè cổ thụ cao quá đầu người. Càng lên cao, mật độ càng dày và trải dài đến mênh mông, ẩn hiện trong sương sớm, khiến ai ngang qua đều có cảm giác như lạc về miền cổ tích.
Bạn có thể dừng chân ở rừng chè cổ thụ của xã Hồ Thầu, nằm trên độ cao 1.500 m, để ngắm bạt ngàn chè cao chót vót, cành lá sum suê. Trong những phút nghỉ chân dưới tán mát của chè, bạn sẽ thấy dâng tràn nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những khuôn hình mang đậm dấu ấn của Tây Côn Lĩnh.
Nghĩa địa Tây
Nghĩa địa Tây nằm ở thôn Trúng Phúng, cách trung tâm xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, khoảng 7 km. Đây là nơi chôn cất 24 lính Tây trong vụ tai nạn máy bay quân sự kinh hoàng năm 1947 trên dãy Tây Côn Lĩnh, ở độ cao 2.000 m.
Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi đến đây bạn không hề thấy sự trống trải, hoang tàn của một khu mả Tây xa lạ giữa cuộc sống vùng cao, mà thay vào đó là một khu nghĩa địa sạch sẽ với 24 ngôi mộ chia thành hai dãy gọn gàng.
Nghĩa địa vốn là khu đất bằng rộng rãi, hiếm hoi trên đỉnh núi cao, nhưng người dân địa phương không hề tận dụng trồng cây canh tác. Họ dành khu đất để những người xấu số yên nghỉ như cách họ tôn trọng cuộc sống bên kia của những người thân. Nằm ở độ cao khá gần với đỉnh Tây Côn Lĩnh, khu mả Tây này gió lùa qua thông thống, sương mịt mù bao phủ. Khi đứng ở đây, bạn sẽ hình dung phần nào sự khắc nghiệt nếu ở trên đỉnh cao hơn 400 m nữa.
Cá hồi
Nếu đi từ huyện Vị Xuyên, khu nuôi cá hồi xứ lạnh trên đỉnh Xà Phìn, xã Phương Tiến là điểm rất đáng để dừng chân sau nhiều đoạn đèo dốc ngược và những khúc cua tử thần. Cũng ở độ cao trên 2.000 m, quanh năm mây phủ, đây là nơi khởi nguồn cho những dòng nước lạnh giá, chảy len lỏi theo từng khe suối, xuyên qua các bản làng và là môi trường lý tưởng cho cá hồi Bắc Âu sinh sống.
Khu nuôi cá nằm ngay vệ đường, giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên dòng thác ào ào đổ xuống vực sâu. Bạn sẽ ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng hàng nghìn chú cá hồi nhởn nhơ bơi lội trên đỉnh Xà Phìn.
Tiếp tục hành trình chinh phục nóc nhà Đông Bắc, cảm xúc sẽ vỡ òa khi bạn đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đây là nơi có cột mốc ghi “Khu vực biên giới”. Đứng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh sừng sững giữa mây trời, bạn sẽ thấy tự hào không kém bước chân lên nóc nhà của Đông Dương.
(theo vnexpress)