Mùa lũ ở miền Tây Nam bộ thường được người dân gọi bằng một cái tên quen thuộc: mùa nước nổi. Mùa này cũng là thời điểm mưu sinh tốt nhất của người dân miền Tây. Mỗi khi nước về, ngoài nguồn tôm cá phong phú thì phù sa từ nước lũ còn giúp cho ruộng đồng, đất đai tươi tốt. Không những thế, những cảnh sắc tuyệt vời của vùng sông nước cũng khiến bao du khách ngẩn ngơ.
Từ TP.HCM, xuôi theo quốc lộ về hướng thị xã Châu Đốc, đi thêm khoảng chừng 20km là đến rừng tràm Trà Sư (tỉnh An Giang) độc đáo và nổi tiếng. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu của miền tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài chim, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Với hệ động thực vật phong phú như thế, rừng tràm Trà Sư đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đến rừng tràm Trà Sư, du khách sẽ ngỡ ngàng và thích thú về sự kỳ diệu của thiên nhiên trong sắc lá và hương tràm ngào ngạt. Với diện tích gần 650ha, đây là nơi trú ngụ của 70 loài chim, trong đó có hai loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam là giang sen và điêng điểng.
Ngoài ra, rừng tràm Trà Sư còn là nơi tụ họp của rất nhiều loài động vật khác như dơi (15 loài), gặm nhấm (4 loài), bò sát (25 loài), ếch (2 bộ), nhái (10 họ), 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài cá chỉ xuất hiện trong mùa lũ. Không chỉ phong phú về động vật, rừng Trà Sư còn là “vườn thực vật” đa dạng của hơn 140 loài thực vật. Chính sự phong phú và đa dạng của tài nguyên, rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng của những nhà nghiên cứu và những du khách đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã.
Từ cổng trạm tiếp đón, du khách có thể thuê xe đạp để tự mình khám phá sự kỳ diệu của khu sinh thái này. Nếu cảm thấy mỏi mệt sau những vòng xe, du khách có thể dùng ghe xuồng nhỏ len lỏi giữa các con rạch nhỏ để tìm hiểu khu rừng. Ngồi trên xuồng, nhè nhẹ đưa những nhịp chèo khua trên dòng nước mát lạnh, nghe hàng chục loài chim hót véo von trên ngọn tràm xanh thẳm, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào xứ sở thần tiên.
Những hàng cây thủy liễu mềm mại uốn mình trong làn nước trong xanh, vài chú cá bơi lội tung tăng và ánh mặt trời không ngừng phản chiếu những sắc màu kỳ lạ trên mặt nước: lúc thì xanh màu rong rêu, khi thì lấp lánh ánh bạc, có lúc lại có màu hổ phách. Xen kẽ vào đó là những bông tràm trắng lấp ló trong những thân cây, rừng sen xanh thẫm với những bông sen đỏ tươi khoe sắc, những khóm bông điên điển vàng dập dờn trong gió, phản chiếu trên mặt nước tựa như những đàn bướm… Vừa ngắm cảnh đẹp, du khách vừa có thể tự tay hái các loại rau muống, điên điển, bông súng… để làm nguyên liệu chế biến những món ăn đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.
Khoảng thời gian sống động nhất của rừng tràm Trà Sư là khi chiều dần buông nắng. Khi những tia nắng nhạt dần, yếu ớt rọi qua những tán cây cũng là lúc từng đàn chim bắt đầu quay về tổ, từ từ xuất hiện dày đặc trong khu rừng, ríu rít những bản nhạc hòa tấu không ngừng nghỉ. Nếu có thể trèo lên ngọn tháp canh bạn có cảm giác những đàn cò tựa như tấm vải trắng khổng lồ phủ trên nền rừng xanh.
Khi hoàng hôn buông xuống, không gian nơi đây như càng trở nên mênh mông hơn. Lúc này, du khách có thể thoải mái thưởng thức những món ăn dân dã tươi ngon đậm chất sông nước Nam bộ như canh chua bông điên điển, cá linh kho, cá lóc nướng, cua đồng… trong không gian mát rượi. Tất cả đều có những hương vị rất riêng mà không nơi nào có được.
Thăm làng hoa Sa Đéc
Trồng hoa kiểng, cây kiểng là nghề truyền thống có từ hơn 100 năm nay ở Sa Đéc. Sự tài hoa của những người dân nơi đây kết hợp với thời tiết, khí hậu khiến cho hoa càng thêm thắm sắc.
Đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách cũng được ngắm nhìn thế giới loài hoa đua sắc, từ hồng, cúc, thược dược, cho đến mai chiếu thủy, cau vua… Bên cạnh những loài hoa quen thuộc, sự góp mặt của những giống loài từ nước ngoài như tùng Nhật, vạn thọ Pháp, hồng trắng Marseille khiến bức tranh làng hoa thêm quyến rũ. Hoa ở đây không được trồng theo luống thẳng tắp như những nơi khác mà được trồng trên giàn cao, phía dưới là dòng nước từ những con rạch nhỏ chảy vào.
Người trồng hoa phải chèo thuyền để chăm sóc và thu hoạch hoa thay vì đi trên những luống đất như những vùng trồng hoa khác. Những chiếc ghe xuồng nhỏ len lỏi giữa những con rạch nhỏ, hai bên là những giàn hoa khoe sắc tạo nên một bức tranh độc đáo và nên thơ về làng hoa Sa Đéc. Không chỉ mãn nhãn với những thảm hoa rực rỡ, du khách còn cảm nhận được bầu không khí thanh tao, thoảng hương dìu dịu của muôn vàn loài hoa thơm ngát.
Ở đây, bên cạnh những loại hoa kiểng thông thường, du khách còn có thể bắt gặp những loài cây quý, cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm. Có những loại cây rất quen thuộc, bình thường nhưng khi qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, chúng bỗng trở nên độc đáo, quý hiếm với hình thù đẹp, lạ. Làng hoa Sa Đéc giờ đã trở thành địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi về đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc sản mùa nước nổi
Với những người dân miệt Đồng Tháp Mười, mỗi năm đến mùa nước nỗi, người ta chờ nước về trong tâm trạng háo hức như được mùa vì nước về “đem” theo bao món ngon, vật lạ.
Về miền Tây mùa này, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn được chế biến từ những nguyên liệu chỉ có được trong mùa nước nổi. Đó là món cá linh kho và canh chua bông điên điển.
Cá linh non kho là món ăn dân dã, dễ làm nhưng khi thưởng thức thì thật khó quên. Những chú cá còn tươi roi rói sau khi làm sạch được đem kho riu riu cùng với nước dừa tươi, nước mắm ngon cùng ít tóp mỡ để thêm vị béo ngậy cho món ăn. Cá chín mềm, chỉ cần rắc thêm chút hành lá, tiêu, ớt là có thể ăn ngay với cơm nóng hổi.
Món rau ăn kèm khoái khẩu thường là bông súng, bắp chuối bào trộn bông lục bình chần bóp giấm, chanh, đường hoặc có thể ăn với rau lang, rau trai luộc, đọt lá vông non, đọt nhãn lồng, rau thuốc giòi, đọt lá cách… Ngoài ra, cá linh còn được đem đi làm mắm. Loại mắm này dùng để nấu lẩu mắm, làm món mắm kho, mắm chưng. Những ngày mưa rả rích, ăn những món này quả không gì có thể diễn tả được.
Nhắc đến cá linh người ta cũng không thể không nhắc đến loại hoa cũng gắn liền với mùa nước nổi - điên điển, loài hoa nở vàng khoe sắc khắp cả mé sông, đầm lầy, ruộng nước. Hoa cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang “hương đồng cỏ nội”.
Loài bông hoang dại này góp mặt trong nhiều món ăn vùng sông nước, trong đó không thiếu sự kết hợp với cá linh để cho ra món canh chua ngon lành. Ngoài ra, điên điển còn có thể dùng để bóp xổi chấm kèm cá, mắm kho cũng rất ngon. Vị nhân nhẩn của điên điển là thứ vị tạo cảm giác dễ ghiền, vô cùng lạ lẫm.
Về miền Tây mùa nước nổi với phong cảnh làng quê thanh bình, thưởng thức những món ăn dân dã, dung dị chắc chắn sẽ khiến cho du khách cảm thấy thêm yêu cuộc sống, hiểu thêm về những nét văn hóa trong sinh hoạt hằng ngày của người dân miền sông nước mênh mông này.
Thực hiện Đỗ Quyên (Dân Việt)