Cách bãi tắm Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) chừng 3-4 km đường chim bay là "thành phố nổi” sáng rực ánh đèn trong đêm. Nơi đó ngư dân đang thả câu mực ống, loài hải sản được đánh giá là giòn và đậm đà hơn tất cả các vùng.
Anh Nguyễn Văn Nhiêm vác cột đèn cao áp (đồ nghề không thể thiếu của người câu mực) ra bè, chuẩn bị khởi hành chuyến câu đêm. Ảnh: báo Quảng Ninh
Mùa mực ống ở Trà Cổ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Đây là thời gian mực vào gần bờ để sinh sản, hết tháng 6, đàn mực lại kéo ra khơi. Ba tháng ấy, ngư dân Trà Cổ chỉ cần chi phí khoảng 100.000 đồng tiền dầu, nổ máy phóng ra biển vài hải lý và thắp đèn cao áp dụ mực là đã có thể câu được cả chục cân (giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg) mỗi đêm.
Mực Quảng Ninh vẫn được những miệng ăn khó tính đánh giá là ngon nhất. Có nhiều loại, như Cô Tô, Vân Đồn nổi tiếng với mực mai, mực lá thân to, thường đem phơi để thành món mực khô đặc sản. Vùng biển Quảng Yên lại có món mực sim, thân tròn đen mọng như quả sim chín, tuy nhỏ nhưng vị ngon ngọt của nó thì khó có loại mực ở đâu so bì được...
Còn Trà Cổ thì nổi tiếng với mực ống. Loại này có ở khắp nơi, nhưng ở Trà Cổ, thịt giòn và ngọt đậm hơn cả. Mực ống con to cũng có thể đem phơi để thành món mực khô ngon, nhưng nhiều nhất vẫn là những con nhỏ, thường bằng 2 ngón tay, hợp để làm món luộc hay món xào…
Sau bữa cơm chiều sớm, đến 18h cha con ông Nguyễn Văn Thêm ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, bắt đầu chuyến câu mực đêm. "Đừng mặc quần dài, vì phải lội nước một đoạn mới lên được bè đấy!”, Nguyễn Văn Nhiêm (con trai út ông Thêm) vừa dặn dò vừa ném cho khách chiếc quần soóc. Mới 21 tuổi nhưng với thân hình cao lớn, nước da đen bóng, trông anh ra dáng ngư dân dày dạn kinh nghiệm. Nhiêm kể: “Em đi biển từ hơn chục năm rồi, nhưng gọi là dân chuyên nghiệp thì chỉ từ 3 năm nay, sau khi tốt nghiệp cấp 3. Nói thật, cứ đi nhiều, làm nhiều rồi kinh nghiệm nó ngấm vào mình ngày một nhiều lên thôi…!”.
Gỡ mực. Ảnh: báo Quảng Ninh. |
Nhiêm vác cột đèn, còn Thanh và Phòng (anh rể Nhiêm) đẩy bè ra vùng nước lớn để nổ máy. 18h30, Thanh nổ máy cho bè chạy gần hết tốc lực. Dân Trà Cổ có khoảng 70 chiếc bè. Bè được đóng bằng gỗ, nhưng bên dưới đáy đệm thêm một lớp xốp dày, vì sóng gió ở đây thường lớn hơn những vùng biển khác, dù bè có lật cũng không thể chìm. Chi phí cho việc sắm mới một chiếc bè khoảng 30 triệu đồng, nhưng để lắp máy và mua sắm đồ nghề cũng phải ngót trăm triệu.
Mỗi chiếc bè đều có gắn 1-2 máy, đồ nghề là lưới, vợt, câu. Đây là phương tiện cơ động để ngư dân Trà Cổ hành nghề quanh năm. Mùa nào thức ấy, từ tháng chạp đến tháng ba là mùa vớt sứa, từ tháng ba đến hết tháng sáu là mùa câu mực kết hợp đánh lưới cá đục, sang tháng bảy lại là mùa lưới ghẹ... Cứ thế, chiếc bè gỗ đệm phao xoay vần quanh vùng biển Trà Cổ, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Hòn Ngọc... làm kế sinh nhai cho biết bao gia đình ngư dân lam lũ.
19h, bè ông Thêm dừng lại ở một điểm vắng vẻ, ít bè câu mực. Nhiêm cắm cây cột đèn, nổ máy thắp đèn cao áp. Ánh sáng loá và tiếng máy nổ đã phá tan sự tĩnh lặng của cả một vùng biển đêm. 4 gã đàn ông, mỗi người một góc, bắt đầu thả những lưỡi câu đầu tiên xuống biển. “Câu mực ống là dễ nhất trong nghề đi biển đấy!", Thanh nói vọng từ mũi bè. Vừa câu vừa hút thuốc lá, nói chuyện, chốc chốc Thanh lại kéo lên một con mực.
Tới 22h đêm, sàn bè đã trải đầy những thân mực trắng. Ảnh: báo Quảng Ninh. |
Lưỡi câu mực là lưỡi chùm, có nhiều mũi câu xếp thành vòng tròn nhỏ. Bên dưới mũi câu là miếng nhựa hình con cá, có gắn dạ quang để dụ mực. Giống mực ưa ánh sáng và ham mồi. Cứ thấy ánh sáng là kéo tới và khi đã nhìn thấy mồi là không bao giờ chịu bỏ. Ngư dân chỉ cần thả câu xuống, thỉnh thoảng giật cước để lưỡi câu lên xuống, như hình con cá đang bơi. Mực dính câu là phun ngay lớp mực đen ngòm - thứ vũ khí khi gặp kẻ thù - nên khi kéo lưỡi câu lên để gỡ mực, nếu không cẩn thận sẽ bị mực phun thứ chất lỏng đó vào mặt…
Đêm càng khuya, mực kéo tới càng nhiều. Thanh, Phòng và Nhiêm giật lưỡi câu liên tục. Tới 22h tối thì sàn bè đã trải đầy những thân mực trắng, ước chừng 7-8 kg. “Sao không cho mực vào thùng rồi đổ nước biển để chúng sống?”, nghe khách thắc mắc, Phòng giải thích: “Có làm như vậy thì chỉ một tiếng sau là mực cũng chết thôi vì không đủ ôxy, với lại để đến hôm sau thì mực vẫn còn tươi, không lo bị ế!”.
Trong lúc Thanh cầm lái hướng về bờ, Phòng kể chuyện về những người làm nghề biển ở Trà Cổ. Phòng là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề chài lưới. Cả đời ông bà, đến bố mẹ Phòng đều gắn với cái nghề quanh năm lênh đênh trên biển. Mùa nào thức ấy, đến mùa mực thì rủ nhau đi câu mực, hết mùa thì lại chuyển sang đánh cá, lưới ghẹ, bắt tôm. Từ xưa đến nay vẫn vậy, chỉ khác là bây giờ có thuyền gắn máy, lưới không phải tự đan...