Cách đây 45 năm, quân dân ta đã đoàn kết một lòng và đã giành chiến thắng vang dội trong chiến dịch đường 9, phá vỡ tuyến hàng rào điện tử của địch ở Tà Cơn - một căn cứ quân sự trọng yếu, góp phần đập tan âm mưu mở rộng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy. Những địa danh như đường 9 – Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, căn cứ Làng Vây…đã đi vào lịch sử như một khúc tráng ca chói lọi.
Treo cờ hoa, băng rôn nhân kỷ niệm giải phóng Khe Sanh
Vùng đất “chết” hồi sinh
Từ đường 9, chúng tôi rẽ theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 3 km để đến Sân bay Tà Cơn. Trong chiến tranh, nơi đây từng là căn cứ điểm quân sự trọng yếu của Mỹ - Ngụy ở Khe Sanh. Ấy vậy, cũng chính nơi này quân ta đã đập tan âm mưu leo thang chiến tranh của Mỹ - Ngụy, phá vỡ tuyến phòng ngự được xây dựng kiên cố, hiện đại bậc nhất miền Trung, được ví như “Điện Biên Phủ thứ 2” ở Việt Nam để buộc địch phải rút quân, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn.
Đến Tà Cơn, Khe Sanh, người ta như sống lại một thời kỳ oanh liệt, hào hùng, nơi được ví như là “mảnh đất chết” ở phía Tây Quảng Trị. Sau chiến tranh, người dân Khe Sanh, Hướng Hóa đã bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Mỗi tấc đất, mỗi gốc cây là biết bao xương máu của những người con đất Việt đã ngã xuống vì nghĩa lớn. Trải qua biết bao sự hy sinh và chết chóc, Khe Sanh bây giờ là một vùng đất đai trù phú, bạt ngàn cà phê.
Ông Lê Xuân Huấn, một người dân từ mảnh đất Quảng Bình xa xôi lên đây lập nghiệp nói: “Hồi nớ tôi cùng vợ, con lên đây khai khẩn đất đai làm ăn, mảnh đất này vẫn còn là nơi hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, mỗi tấc đất là biết bao bom, đạn của của kẻ thù rải xuống vẫn còn nguyên ngòi nổ. Qua một thời gian dài cải tạo, ban đầu thì trồng màu để vừa ổn định cuộc sống, vừa có lương thực để chăn nuôi, nâng cao thu nhập, nhưng quần quật mãi cũng không đủ ăn. Về sau thực hiện chủ trương trồng cây cà phê, hiệu quả mang lại cao hơn hẳn. Nhờ có cây cà phê mà vợ chồng tôi đã xây được nhà, sắm được xe để có phương tiện đi lại và phục vụ sản xuất”. Không riêng gì ông Huấn mà biết bao người dân Hướng Hóa, Quảng Trị cũng đã có cuộc sống khấm khá nhờ cây cà phê.
Ngày nay, mảnh đất này đã thực sự “thay da, đổi thịt”, có rừng cà phê xanh ngút ngàn, nhà cao tầng mọc lên san sát. Đặc biệt, huyện Hướng Hóa có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nơi giao lưu thương mại tiềm năng của cả miền Trung, cửa ngõ quan trọng thông thương với các nước bạn Lào, Thái Lan. Tuyến đường 9 xưa kia là nơi vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược…phục vụ chiến tranh thì nay lại trở thành con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa của hành lang kinh tế Đông – Tây.
Hướng Hóa cũng là huyện lỵ duy nhất của tỉnh Quảng Trị có 2 thị trấn: Lao Bảo và Khe Sanh. Với bàn tay tác động của con người, trong tương lai gần vùng đất này sẽ trở nên giàu có.
Sống lại quá khứ hào hùng
Những ngày này, người dân huyện Hướng Hóa đang sục sôi kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa. Nhiều hoạt động kỷ niệm đã được Ban tổ chức chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Trong số đó, chương trình “Khe Sanh 1968 – Sức mạnh Việt Nam” đang được ê kíp của Đài truyền hình Việt Nam dàn dựng khá công phu và sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào tối 7/7, nhằm tái hiện lại một thời kỳ oanh liệt.
Nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại Mỹ - Ngụy sử dụng vào chiến dịch
Cùng hệ thống hầm hào, công sự
Bên cạnh đó, hàng vạn Cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Khe Sanh, Hướng Hóa hiện đang sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước cũng trở về đây dâng những nén nhang tưởng nhớ đến đồng đội của mình đã ngã xuống.
Bảo tàng chiến thắng đường 9 – Khe Sanh tại Sân bay Tà Cơn, nơi sẽ diễn ra lễ kỷ niệm trọng đại này cũng đang được các nghệ nhân hoàn tất khâu cuối cùng của việc tôn tạo để khách đến dự lễ có cơ hội tham quan, tìm hiểu về quá khứ.
Quân giải phóng liên tục phản công (Ảnh Tư liệu)
Quân Mỹ tháo chạy sau thất bại (Ảnh Tư liệu)
Nhắc đến Khe Sanh, người ta không thể quên được chiến tích 170 ngày đêm vây lấn Khe Sanh, Quân đội Việt Nam đã đánh thắng Quân đoàn III TQLC và Sư đoàn Không Kỵ số 1 Mỹ, diệt 11.900 quân Mĩ và Việt Nam Cộng hòa (trong đó có hơn 10 ngàn lính Mỹ), phá hủy 197 máy bay, 78 xe tăng, xe thiết giáp, 46 khẩu pháo, 50 kho đạn, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự thép.
Đăng Đức