Nhiệm vụ cao cả, nhọc nhằn
Sau khi chỉ huy các thủy thủ quấn chặt dây thừng vào lan can để cố định xuồng chuyển tải, thượng úy Hoàng Đình Duyến quay lại nói với đoàn: “Mọi người chú ý, sóng đang lớn, chưa xuống xuồng vội!”.
Thượng úy Duyến cho biết: “Sóng êm thì công việc của anh em đưa đón đoàn đỡ nhọc hơn. Còn vào mùa biển nổi sóng hay khi vào bờ gặp nước cạn, mọi người rất căng thẳng và vất vả hơn rất nhiều. Để bảo đảm an toàn cho từng người, các thủy thủ phải cẩn thận từng động tác”.
Thủy thủ Nguyễn Văn Hưng tâm sự: “Nhiều người lần đầu đi Trường Sa, chưa quen biển, quen sóng, quen tàu, quen cách lên xuống đúng kỹ thuật nên chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể gãy chân vì sóng đập vào cầu thang tàu rất mạnh. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải hướng dẫn kỹ càng để mỗi người khi lên xuống xuồng vào đảo, ra tàu an toàn”. Quả thật, trong chuyến hành trình hơn 20 ngày, thăm gần 10 điểm đảo lớn - nhỏ ở Trường Sa, cả đoàn không ai bị bất kỳ sự cố nào.
Vì đồng bào, vì Trường Sa
12 năm kể từ khi đặt chân lên con tàu đầu tiên của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, không nhớ hết đã đến Trường Sa bao nhiêu lần nhưng với thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn, mỗi chuyến đi đều thiêng liêng và ý nghĩa. “Mỗi chuyến tàu ra Trường Sa được an toàn tuyệt đối, đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi vì hơi ấm từ đất liền đã đến với nơi đầu sóng ngọn gió” - anh Đoàn bộc bạch.
Đại úy Đào Trọng Vĩnh, chính trị viên tàu HQ 996, cho rằng mỗi lần ra khơi là một cuộc thử thách thực sự về ý chí, bản lĩnh cũng như sức khỏe của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Mỗi năm, mọi người lênh đênh trên biển hết 7, 8 tháng nên gia đình đã quen với việc các anh vắng nhà.
Không hiếm những chuyến hải trình kéo dài vài ba chục ngày trong điều kiện thời tiết phức tạp, khi bão lớn, lúc áp thấp nhiệt đới nhưng chính trong những thời điểm khó khăn đó, mọi người lại đoàn kết, gắn bó hơn và cùng gác lại chuyện riêng tư để vượt qua gian khổ, bão tố để hoàn thành nhiệm vụ.
Thủy thủ Trần Văn Quân tâm sự: “Gần 10 năm gắn bó với tàu HQ 996 để “nối nhịp” đất liền với Trường Sa, tôi hiểu thế nào là cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Được cống hiến sức mình cho Trường Sa thân yêu, phục vụ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đó là sự may mắn”. Riêng đối với những người lính đảo, tàu HQ 996 cùng đoàn thủy thủ thực sự là những người bạn thân thiết của quần đảo Trường Sa.
Đảo trưởng đảo Song Tử Tây Nguyễn Mạnh Hùng xúc động: “Mỗi khi nhìn thấy tàu HQ 996 là chúng tôi như thấy gia đình, người thân của mình. Chính các anh đã làm cho khoảng cách từ đất liền đến Trường Sa gần hơn bao giờ hết. Trên những chuyến tàu ra biển cả không định trước ngày trở về, các anh đã sống vì đồng bào, vì Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đêm chia tay những người lính hải quân để trở về đất liền, tôi lặng người xúc động khi nghe bài hát HQ 996 vươn tới biển khơi như những lời từ biệt: “Khi những con tàu vào khu neo tránh bão thì tàu tôi vươn ra biển khơi/ Có chuyến đi nào vất vả hơn thế… 996 ơi vươn tới biển khơi, đưa bao con người vươn ra hải đảo, dựng xây Trường Sa cùng đất nước/ Đảo là nhà, biển cả là quê hương… Sóng biển vẫn ầm ầm, có chúng tôi đến với Trường Sa”.
Trễ cưới vợ vì đi tàu Để gắn bó với những chuyến tàu ra Trường Sa, không ít cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Dù đã xảy ra 1 năm nhưng ai cũng nhớ chuyện trung úy Đỗ Duy Bình vì đi tàu mà lỡ chuyện cưới vợ. “Đó là chuyến đi giữa năm 2011. Theo kế hoạch, tàu sẽ kết thúc hành trình trước ngày tôi cưới vợ nhưng do thời tiết xấu, hành trình phải kéo thêm nhiều ngày. Lúc đó, tôi vừa sốt ruột vừa buồn nhưng không thể vì chuyện riêng mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ” - trung úy Đỗ Duy Bình kể. |
Kỳ tới: Ngọc sáng nơi đảo xa