Nhiếp ảnh gia người Anh - Philip Jones Griffiths đã nổi tiếng với những bộ ảnh tài liệu như “Vietnam Inc.” khắc họa cuộc chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ ác liệt nhất hay bộ ảnh “Nạn nhân chất độc màu da cam - Hậu quả dài lâu tại Việt Nam”. Tên tuổi của ông trong làng nhiếp ảnh thế giới gắn liền với đề tài về Việt Nam.
Một bộ ảnh ít nổi tiếng hơn của ông mang tên “Vietnam at Peace” (Việt Nam thời bình) đã ghi lại hình ảnh đất nước Việt Nam trong thời kỳ hậu chiến. Griffiths là một trong số ít những phóng viên sớm quay trở lại Việt Nam trong thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Từ những ngày đầu tiên khi Việt Nam còn vật lộn trong gian khó, phải đối mặt với những ảnh hưởng ghê ghớm từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, Griffiths đã tới đây và ghi lại hàng trăm bức ảnh về cuộc sống đời thường của người dân trong những năm tháng thiếu thốn đó.
Đây không chỉ đơn thuần là một bộ ảnh tư liệu khắc họa những địa danh từng bị tàn phá trong chiến tranh, nó còn lưu giữ lại những khoảnh khắc gây xúc động, khắc họa niềm hy vọng mới của người dân Việt Nam trong thời bình.
Các em bé tiểu học làm lễ chào cờ đầu tuần.
Hào trú ẩn trong một ngôi trường ở vùng quê vẫn chưa vùi lấp.
Trẻ em ở một lớp mẫu giáo.
Giờ ăn trưa của các em nhỏ.
Một lớp học đơn sơ ở miền quê những ngày đầu sau khi thống nhất đất nước.
Cậu bé lai sống ở tỉnh Bến Tre. Năm 1975, em bị mẹ bỏ rơi, một người lính tìm thấy em và đưa về nhà mình để cha mẹ của anh nhận nuôi cậu bé.
Cậu bé lai háo hức đi xem biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày Giải phóng miền Nam.
Bà cụ đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh. Những đứa cháu của cụ may mắn được sinh ra trong cảnh hòa bình.
Những em bé chạy chơi bên một khu nhà bị bom Mỹ tàn phá trong chiến tranh.
Đổ mực vào ruột bút bi.
Một cửa hàng bán sách cũ trên vỉa hè.
Một cửa hàng bách hóa ở trung tâm Hà Nội.
Một chiếc máy bay quân sự nằm im lìm trên sân bay Tân Sơn Nhất sau khi quân Mỹ rút về nước.
Một chiếc xe bọc thép của quân đội Mỹ trở thành nơi dựng nông cụ của một gia đình ở huyện Củ Chi.
Hai cậu bé ngồi trên xác chiếc trực thăng Mỹ.
Những đứa trẻ chơi đùa trên xác một con tàu quân sự bị bỏ lại tại bãi biển gần thành phố Đà Nẵng.
Vỏ bom được sử dụng làm bậc thềm bước vào nhà.
Trên đường mòn Hồ Chí Minh trước đây có rất nhiều vũng to, vũng nhỏ - dấu vết của những trái bom rơi xuống nhằm chặn đường vận tải của quân Giải phóng.
Xác xe cơ giới ven Quốc lộ 1 trên địa phận miền Bắc - tàn tích còn sót lại của hoạt động đánh phá con đường giao thông vận tải do Mỹ tiến hành.
Anh Mai Chiêm Tiềm, 46 tuổi ở huyện Đông Hà đã mất một bàn tay và bị tổn hại thị giác khi làm việc trên đồng và vô tình cuốc phải một quả mìn.
Trẻ em vây quanh một chú thương binh để nghe kể chuyện.
Một thương binh đã mất đi đôi chân trong cuộc chiến tranh.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng bên một cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam, bị biến chứng thành ung thư gan. Ông là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực giải phẫu gan.
Đáp ứng nhu cầu của những thương binh bước ra từ chiến tranh cũng như nạn nhân của những vụ tai nạn bom mìn còn sót lại, nghề làm chân tay giả ở Việt nam trong thời kỳ hậu chiến khá phổ biến.
Những thân cây trơ trụi ở Tây Ninh – hậu quả của việc quân Mỹ phun chất diệt cỏ.
Một em bé bị nhiễm chất độc màu da cam.
Nghĩa trang Trường Sơn có tới hơn 10 ngàn ngôi mộ và một đài tưởng niệm ghi danh những anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ non sông.
Người dân bắt đầu tới dựng nhà trên đường băng quân sự của lính Mỹ tại căn cứ Khe Sanh.
Những người phụ nữ vào thu nhặt phế liệu tại một nơi từng là căn cứ quân sự của bộ binh Mỹ.
Từ một khu dân cư bị bom Mỹ san phẳng ở Hải Phòng mọc lên những dãy nhà tập thể.
Những người lính háo hức rước ảnh Bác Hồ trong lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam.
Thanh niên Việt Nam và những bài học về Giáo dục Quốc phòng trong trường Đại học.
Hai đứa trẻ đứng nhìn những trái bom được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh.
Bích Ngọc
Theo Magnum Photos