Nét đẹp làng cổ
Đông Ngạc xưa có tên Nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ. Mái đình làng kẻ Vẽ đã tồn tại 500 năm. Về đây, người ta có thể tạm quên không khí của Hà Nội náo nhiệt với nhịp cầu Thăng Long vươn dài qua những khu đô thị mới sầm uất. Đình Đông Ngạc vẫn giữ được không gian kiến trúc hoàn chỉnh dựa trên thế rồng. Thôn Đông Ngạc hiện nay gồm 12 xóm, trong đó có 6 xóm được thiết kế theo kiến trúc cổ. Tại đây còn lưu giữ 35 ngôi nhà cổ. Theo gia phả của các dòng họ lớn như họ Phạm, họ Đỗ… những ngôi nhà cổ này được xây dựng từ những năm 1739-1740. Tất cả đều có một điểm chung là làm toàn bằng gỗ lim và lợp ngói mũi hài. Đường các xóm 1, 3, 4… đều được lát bằng gạch nghiêng.
|
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng thôn Đông Ngạc, người nắm rất rõ lịch sử làng Đông Ngạc cho biết: Theo tục xưa, mỗi khi đi lấy chồng, người con gái phải bỏ tiền ra mua 300 viên gạch về lát một đoạn đường. Các cụ gọi đó là "nộp cheo". Cứ thế, nhiều năm sau, đường làng chỗ nào cũng lát gạch nghiêng. Ngoài nhà cổ, làng Đông Ngạc còn lưu giữ được nhiều nhà thờ họ, đình chùa… Cổ kính và đáng kể nhất phải kể đến là nhà thờ họ Đỗ (thờ cụ Đỗ Thế Giai), ngôi nhà thờ họ Phạm cũng không kém phần cổ kính. Đây là nơi thờ cụ tổ của dòng họ là Phạm Công Dung, người được dân tôn kính như một vị thành hoàng làng. Qua chiếc cổng làng vừa được sơn mới, con đường làng lát gạch nghiêng đã mòn đang được thay thế bằng những lớp gạch mới sạch sẽ, thoáng mát, biểu hiện một nếp sống bình yên, giản dị mà tao nhã, thanh lịch. Nơi đây vẫn còn giữ những chiếc cổng làng, cổng ngõ có hai ngọn bút tháp vươn cao thể hiện truyền thống hiếu học, đỗ đạt của làng; những mái nhà cổ xưa im lìm thấp thoáng sau những khu vườn nhắc nhở thế hệ mai sau giữ gìn, kiến tạo.
Xây dựng NTM gắn với giữ gìn làng cổ
Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc Nguyễn Văn Chiến cho biết: Xây dựng nông thôn mới sẽ làm cho làng quê "lột xác", nhưng làm thế nào để không mất đi nét đẹp vốn có của các làng cổ, từ đó nâng cao chất lượng cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân là vấn đề quan trọng. Xác định rõ điều đó nên ngoài nguồn lực của Nhà nước, xã Đông Ngạc đã tập trung huy động sức dân tham gia đóng góp xây dựng địa phương thông qua hoạt động xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, văn hóa, văn nghệ, TDTT, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Hưởng ứng sự vận động của chính quyền, nhân dân thôn Đông Ngạc đã tham gia ủng hộ trên 400 triệu đồng để cải tạo cổng làng tổ dân phố số 7, cải tạo các bãi rác thành sân chơi. Một số khu dân cư khác đã xây dựng tổ liên gia, đóng góp mua bóng đèn chiếu sáng ở các tuyến đường và khu công cộng…
Về Đông Ngạc đã thấy hình ảnh NTM của một vùng đất ven đô đang dần rõ nét. Vui nhất là sự cổ kính, trầm mặc của làng quê không bị phá vỡ trong quá trình kiến thiết bởi việc quy hoạch đã song hành với trùng tu tôn tạo. Hiện nay, toàn thôn còn 35 ngôi nhà cổ và nhiều nhà thờ của các dòng họ nổi tiếng được trùng tu tôn tạo, vẫn giữ được vẻ cổ kính, kiến trúc thời hậu Lê. Nhiều hộ đã xây nhà mới cạnh đó để tiện cho sinh hoạt, còn nhà cổ được tôn tạo để kéo dài tuổi thọ. Để tiện cho hệ thống tiêu thoát nước, khớp nối hạ tầng, các ngõ xóm đều được nâng cấp, cải tạo mới nhưng nhân dân không đổ bê tông mà vẫn lát gạch nghiêng như trước đây để giữ nét đẹp bình dị của làng. Toàn thôn có 3 ao đã và đang được kè bờ, dựng ghế đá, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng. Các hồ trong khuôn viên đình Vẽ cũng được kè, tôn tạo đã tạo nên một bức tranh sinh động của làng quê.
Anh Lê Quang Thọ, Chủ nhiệm CLB chim Đình Vẽ cho rằng: Đời sống nhân dân ngày một khấm khá, lớp trung niên trong thôn có điều kiện tham gia các thú chơi vừa tao nhã, vừa làm đẹp làng quê. CLB đến nay đã có tới 35 thành viên sinh hoạt thường xuyên, tạo nên một nét văn hóa mới ở làng cổ giàu truyền thống. Đông Ngạc hôm nay đang dần đẹp hơn bởi người dân nơi đây ngày càng hiểu được giá trị quý báu của làng quê mình, dốc tâm gìn giữ nó.
Bạch Thanh (HNM)