Nói đến Thăng Long - Hà Nội không thể không nhắc tới chùa Một Cột (thời Lý), Cột Cờ lịch sử trong thành Hoàng Diệu, điện Kính Thiên, bến Chương Dương bên sông Hồng, đến vườn hoa Ba Đình lịch sử. Nhưng mọi người dân Việt Nam hay người nước ngoài đến Hà Nội không thể không đến với hồ Gươm và mang theo nó trong ký ức, trong tâm thức thật khó phai mờ.
Nếu Thăng Long- Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm thì Hồ Gươm chính là nơi lắng hồn của Thăng Long - Hà Nội. Hồ có một bề dày lịch sử và huyền thoại song hành với bề dày lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô đất rồng bay. Nhà thơ Hy Lạp Ludemit đã ví: "Hồ Gươm là lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng thành phố".
Mô tả hình ảnh của Hồ Gươm, phân tích vai trò kín đáo nhưng không kém phần quan trọng của nó trong việc tạo lập kiến trúc và bản sắc đô thị của một thành phố đặc thù như Hà Nội là việc hoàn toàn không dễ dàng. Vì đối với một loại hình có hình thái đặc biệt như Hồ Gươm việc phân tích và nhận định về nó không phải là chuyện thường gặp trong lĩnh vực phân tích kiến trúc đô thị. Nó khác hẳn với việc nhận định về một hay nhiều công trình với các hình khối kiến trúc cụ thể. Bởi những gì mà Hồ Gươm đóng góp cho diện mạo của thủ đô về mặt văn hóa và kiến trúc cảnh quan chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Vì ở đây, ngoài những yếu tố vật lý và hình thái kiến trúc thuần túy ta còn phải thống kê được những yếu tố tinh thần, văn hóa và xã hội có liên quan, những hình tượng mang tính huyền thoại, tượng trưng mà chúng tạo ra... Đó là những gì mà người ta hay nói về Hồ Gươm, một huyền thoại vẫn không ngừng được ngợi ca và tôn sùng. nơi được coi là trung tâm của những gì siêu nhiên, của những vẻ đẹp nền tảng, trái tim thân yêu của Hà Nội, một lẵng hoa tuyệt vời giữa lòng thành phố.
Hồ Gươm và Thành Thăng Long xưa
Cùng với tiến trình hình thành Thăng Long – Hà Nội, Hồ Gươm cũng chứa đựng trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử với những nét rất riêng. Nhìn trên bản đồ, so sánh với vị trí ngày nay thì thấy: phía đông có sông Hồng, nước đỏ phù sa. Phía bắc có sông Tô Lịch nối với sông Hồng ở đoạn Chợ Gạo, chảy vòng qua Hàng Lược, Quán Thánh, đến Thụy Khuê - đầu làng Hồ Khẩu, lại nối với Hồ Tây bằng hai cửa lớn, đến đoạn chợ Bưởi, Nghĩa Đô, lại nối với sông Thiên Phù. Sông Thiên Phù thời nay hãy còn rất rộng, chảy từ sông Hồng, ở đoạn Phú Gia, Nhật Tân, theo hướng bắc - nam, đến chợ Bưởi thì nối dòng với sông Tô Lịch cùng xuôi xuống phía nam, hòa với nước sông Nhuệ. Hồ Gươm lúc ấy chưa hình thành, nó là một nhánh cụt của sông Hồng, khởi nguồn từ chỗ Bệnh viện Hữu nghị, chảy ngang đoạn cuối đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, lên đến tận mạn Cầu Gỗ, Hàng Đào. Mặt nước có hình loe thắt không bằng nhau.
Thành Thǎng Long, lúc này đã được xây dựng rất hoàn chỉnh. Thành có hai lớp: vòng Hoàng thành và Cấm thành. Nhìn trên bản đồ, vòng Hoàng thành uốn lượn như một lá cờ bay. Thành có ba cửa: cửa Đông Môn ước đoán quãng phố Cửa Đông. Nam Môn ở quãng gần phố Cao Bá Quát, và cửa Bảo Khánh ở quãng khu triển lãm Giảng Võ - Ngọc Khánh. Bởi nhìn trên bản đồ, vùng Vǎn Miếu lùi sâu hơn so với cửa Bảo Khánh, theo một đường thẳng từ đông sang tây.
Vòng Hoàng thành bắt đầu từ góc ngã ba sông Tô Lịch và Thiên Phù, chỗ đầu chợ Bưởi sang Cầu Giấy, vòng theo đường La Thành xuống Giảng Võ, ngoặt về phía đông theo đường Giảng Võ đến Kim Mã, uốn nhẹ sang chỗ vườn hoa Lê Trực, rồi theo đường Trần Phú, đến chỗ phố Hà Trung, ngược lên hướng bắc, song song với phố Phùng Hưng, đến chỗ vườn hoa Hàng Đậu, rồi rẽ về phía tây, vòng theo sông Tô Lịch (phố Quán Thánh) Hoàng Hoa Thám, đến chợ Bưởi là hết một vòng Hoàng thành.
Tiếp đến đoạn Cấm thành phía đông, chạy song song sát với Hoàng thành, từ quãng Hàng Đậu, dọc phố Phùng Hưng, rồi rẽ vuông góc về phía nam, chạy dọc bên trong đường Trần Phú, chỗ Cột Cờ, Bảo tàng Quân đội, qua phố Đội Cấn, đến Liễu Giai thì vuông góc với làng Hồ Khẩu. Trong Cấm thành có điện Kính Thiên, điện Vạn Thọ, Thái Miếu, Đông Cung, v.v. Nhìn trên bản đồ mà ước đoán, thì trung tâm Cấm thành là chỗ Quảng trường Lǎng Bác bây giờ...
Vua Lê Lợi lên ngôi 1428, mất nǎm 1433. Sáu mươi ba nǎm sau mới có bản đồ Hồng Đức (1490). Trên bản đồ lúc này Hồ Gươm vẫn chưa hình thành. Ngay cả các tấm bản đồ sau này như: "Trung đô sơn xuyên hình thắng chi đồ" vẽ nǎm Cảnh Hưng 31 (1770), "Trung đô Thǎng Long thành nhất phủ nhị huyện đồ" (thế kỷ thứ 17), "Trung đô nhất phủ nhị huyện chi hình và Thǎng Long thành nhất phủ nhị huyện". Có lời tựa nǎm Gia Long thứ chín (1810) đến tấm bản đồ "Thǎng Long thành Phụng thiên nhất phủ nhị huyện" thì vẫn thấy sông Hồng nối nhánh vào Hồ Gươm.
Đến tấm bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ nǎm Minh Mạng thứ 12 (1831) thì Hồ Gươm đã gần như ngày nay, Hồ hiện diện trên tấm bản đồ được ghi là "Tả Vọng". Như vậy, cǎn cứ vào những bản đồ thời Lê, thời Nguyễn, có thể suy đoán: vào khoảng nǎm 1428, vua Lê Thái Tổ lên ngôi, nhà vua cùng đoàn thuyền ngự đi từ sông Hồng, rẽ vào nhánh, mà đoạn gần cuối là Hồ Gươm bây giờ, lúc ấy các phường nghề, làng xóm, phố xá đã trở nên đông vui nhộn nhịp. Và chính nơi này, nhà vua đã trả gươm cho Rùa thần, rồi trải qua hàng mấy trǎm nǎm "gió mưa biến đổi", và quá trình đô thị hóa, hồ được lấp dần, còn lại như ngày nay.
Cách đây khoảng 6 thế kỷ, hồ Gươm gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.
Huyền thoại và biểu tượng
Là lá phổi của thành phố, Hồ Gươm được xem là nơi hội tụ của huyền thoại và biểu tượng, một không gian phản chiếu những yếu tố tinh thần, tôn giáo, vừa linh thiêng huyền bí, vừa lãng mạn giàu chất thơ.
Truyền thuyết về gươm báu và rùa thần vẫn không ngừng được nhắc đến và ngợi ca và hình ảnh cụ rùa già mỗi lần nổi lên mặt nước vẫn là hình ảnh gây được nhiều cảm xúc nhất đối với người Hà Nội. Được ví như là nghiên mực ẩn dụ, con mắt của một thành phố, nơi vừa được mô tả vừa được dựng xây, vừa được chiêm ngưỡng vừa biết nhìn nhận, tất cả được tạo thành từ “bay xây và ngòi bút”. Hồ Gươm vẫn luôn gợi nên trí tưởng tượng trong mỗi người, đồng thời vừa thực tế hóa vừa thần thánh hóa trí tưởng tượng đó. Nơi đây cũng diễn ra vô vàn các hoạt động xã hội, nơi hội tụ những kết tinh văn hóa, những gắn bó về tinh thần, thể hiện chất nền sâu thẳm của một nền văn hiến Thăng Long đã ngàn năm tuổi. Dù trong hay đục, dù cạn hay sâu, Hồ Gươm đều gắn bó mật thiết với kiến trúc, với lãnh thổ mà nó tạo nên. Đối với chúng ta nó thể hiện được một cách hữu hình những nét tổng hợp đại diện cho nền văn hiến lâu đời của Hà Nội đó là sự đơn giản, tự nhiên, cân bằng và tinh tế.
Hồ Gươm được mang khá nhiều tên: hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân... Tương truyền vào thế kỷ 15 hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng, ghi lại thắng lợi của cuộc chiến đấu 10 năm của nhân dân Việt Nam chống lại quân Minh (1417-1427) dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá) có mò được một lưỡi gươm, sau đó lại nhặt được một cái chuôi ở ruộng cày, ghép lại thành thanh gươm, đặt tên là Thuận Thiên. Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Lê Thái Tổ rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm, lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm.
Ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này chính là, trong lòng đất nước ta luôn có một thanh gươm thần diệt giặc, không có kẻ thù nào xâm phạm bờ cõi, xâm lược nước ta lại không bị đánh bại bởi thanh gươm báu đó. Thanh gươm báu này chính là lòng yêu nước, là tinh thần đoàn kết, là tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tổng kết. Sự thật ấy đã được chứng minh qua nhiều thời kỳ lịch sử, đã được khẳng định ngay từ mười thế kỷ trước bởi Lý Thường Kiệt và tinh thần Ðại Việt:
Bên thanh kiếm báu, Hồ Gươm còn một ngọn bút viết thơ lên trời xanh, biểu tượng của một dân tộc văn hiến và yêu chuộng hòa bình. Tháp Bút này được xây dựng bởi một người Hà Nội, một sĩ phu Bắc Hà, Phương Ðình Nguyễn Văn Siêu (1795- 1872). Vốn trên đảo núi Ngọc Sơn có một ngôi chùa cổ, vào năm Tự Ðức thứ 18 (1865) cụ Nguyễn Văn Siêu chủ trì tu sửa, tôn tạo lại to đẹp, đàng hoàng hơn. Lại cho dựng Ðài Nghiên (nghiên mực), Tháp Bút và bắc cầu Thê Húc (cầu đậu ánh nắng mai).
Hồ Gươm là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất và lòng người. Ngày Tết và những dịp lễ trọng của Hà Nội, của đất nước; nhân dân bốn phương đều về Hồ Gươm để chào đón năm mới, tham gia các sự kiện lịch sử. Du khách nước ngoài đến Việt Nam, không ai không đến Hồ Gươm. Các thi nhân nhiều người có thơ về Hồ Gươm.
Hồ Gươm: Không gian văn hóa đặc sắc
Quả thực ít có địa danh nào ở Hà Nội lại có sự đan chồng của nhiều tầng, nhiều nét văn hoá như Hồ Gươm. Có tầng văn hóa phong kiến còn chút tàn dư và ngày càng nhỏ bé trong vô vàn các kiểu dáng kiến trúc hiện đại. Có tầng văn hóa thời Pháp thuộc với phong cách kiến trúc thuộc địa. Cái tên thì không hay nhưng kiến trúc thì rất đẹp. Và mới hơn là tầng văn hóa hiện tại với những kiến trúc hình hộp, đang cố gắng vươn mình để thể hiện một sức sống mới nhưng lại có cái gì đó chưa thật định hình.
Con người Hà Nội hôm nay sống tại các khu vực quanh hồ cũng đã thay đổi nhiều, chẳng còn bao nhiêu nguồn gốc xưa cũ. Nhưng một số thói quen cũ bên hồ của người Hà Nội xưa thì vẫn còn lưu giữ được, chẳng hạn như những buổi hẹn hò của lớp thanh niên, học sinh, hay những buổi đàm đạo văn chương, và thú chơi cờ tướng hàng ngày của giới trí thức cao tuổi bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hồ Gươm là điểm hẹn, nơi gặp gỡ và trao đổi của họ. Nơi tối ưu để cho ta học cách cảm nhận về cuộc sống bởi các hoạt động đa dạng diễn ra xung quanh với hình ảnh, tiếng ồn, kết cấu và mùi vị phức tạp của nó được phản ánh rất khác biệt trong cả 24 giờ của ngày. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi thực sự thành phố không có nhiều các không gian đa năng như vậy. Nó đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi đã chứng kiến và tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây. Chính từ đây mà Hồ Gươm đã hình thành và tổ chức nên những tập quán sinh hoạt rất riêng, những tập quán đã trực tiếp ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội.
Hồ Gươm trong lòng bạn bè thế giới
Một văn sĩ người Ba Lan bay trên bầu trời Hà Nội, khi về nước đã viết thư cho nhà văn lão thành Nguyễn Tuân: "... tôi muốn đánh ghen với tạo vật, cái thứ tạo vật biệt nhỡn với những con người Hà Nội, không thế sao Thủ đô các anh lại có được một cái hồ xinh nhường ấy! Tôi mệnh danh hồ Hoàn Kiếm của anh, của các anh là viên ngọc Ermos. Thật vậy, khi tàu bay tôi nghiêng cánh mấy lần để chào thành phố Hà Nội anh dũng và duyên dáng, nơi đầu cánh tàu bay tôi lấp lánh một viên ngọc, nó xanh như màu xanh của ước mơ vô tận. Với các anh, tạo vật nhiều lúc khắt khe, nhưng có lúc đã là thợ kim hoàn rất ý nhị. Hồ của các anh nằm giữa thủ đô như một viên ngọc Ermos, nằm giữa cái nền hộp nữ trang bọc nhung xanh, hồng, kẻ đường con cò...".
Một nhà báo nước ngoài có tên là Anian Xơn lại có một cái nhìn rất thực tiễn cuộc sống và cũng rất hình tượng: "Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội - Việt Nam như một chiếc đèn kéo quân khổng lồ. Người và xe lướt theo nhau vội vã, hối hả bằng một lực đẩy cuộc sống vô hình. Hồ Gươm - chiếc đèn kéo quân ấy cứ quay mãi, quay mãi theo dòng chảy thời gian vô cùng tận..."
Còn nhà điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Roman Karmen lại có cái nhìn rất lịch sử và giàu ngôn ngữ tạo hình: "...trung tâm Hà Nội và tháp cổ giữa hồ là kỷ vật lịch sử quý báu của nhân dân Việt Nam. Đường quanh hồ với những hàng cây cao chạy quanh và tháp Rùa đã tạo nên một cảnh quan rất đẹp; thậm chí cả trong màn mưa dày hạt, cảnh quan hồ Gươm vẫn rất đẹp!".
Mới năm 1998, kiến trúc sư trưởng của một thành phố ở tận phía tây Australia đến Hà Nội lại có một cái nhìn khác: "... hồ Hoàn Kiếm là chiếc máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên vô giá, nếu ta biết giữ gìn. Hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội, là lá phổi khổng lồ lọc cho không khí thủ đô trong lành. Tôi đã đến nhiều nước nhưng không có nhiều thành phố trên thế giới có diễm phúc đến như vậy!".
Còn nữ văn sĩ Cộng hòa Liên bang Đức Annaliese Wulf đã dành cả trang sách để tả về hồ Gươm, ca ngợi hồ Gươm hết lời, còn có một lời khuyên những ai đến Hà Nội - Việt Nam rằng: "Ai chưa một lần tới hồ, dạo quanh hồ, ngắm phong cảnh hồ, chưa nghe huyền thoại về rùa, coi như chưa đến Hà Nội, chưa đến Việt Nam".
Sự ngự trị về tinh thần của Hồ Gươm vẫn không ngừng được khắc sâu vào lịch sử của người Hà Nội.. Nó vừa có ý nghĩa vật chất, vừa có ý nghĩa tinh thần, không ngừng góp phần sản sinh, tạo nguồn cảm hứng cho những chiêm ngưỡng và khám phá. Được xem là một trong những điểm tựa tinh thần hiếm hoi của người dân thành phố. Hồ Gươm là nơi mà người ta vừa sống một cuộc sống hiện tại, vừa có thể nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai. Rất linh hoạt và tinh tế nó cũng đã điểm xuyết một cách rất tuyệt vời cho thành phố, góp phần tạo nên một cấu trúc chặt chẽ, một bộ khung đô thị được che giấu kín đáo và tế nhị. Là tấm gương phản chiếu tinh tế, Hồ Gươm luôn là nơi con người có thể thâm nhập được một cách hữu cơ. Chúng cũng linh hoạt, trơn tru và sẵn sàng đón nhận những hoạt động sinh hoạt mới, rất thích hợp với những đổi thay từng ngày của cuộc sống.
Huyền thoại Hồ Gươm là một bằng chứng cho lòng yêu hòa bình thiết tha của người Việt Nam, của Thǎng Long - Hà Nội. Đất nước bao giờ cũng muốn hòa bình để dựng xây, nhưng nếu có xâm lược, thì gươm của Thần linh nước Nam, lại được trao cho một dân tộc anh hùng bất khuất để bảo vệ vẹn toàn đất nước mà các vua Hùng đã có công tạo dựng từ 4.000 nǎm trước. Hồ Gươm thiêng liêng. Hồ Gươm là nơi mỗi lòng dân Việt trân trọng, giữ gìn...
Theo Hoinguoihanoi.ru
|