Ông Trần Thắng (một Việt kiều Mỹ), đã dày công sưu tập hàng trăm bản đồ, tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong số này gồm sách atlas Trung Hoa Bưu Chính Dư Ðồ 1919 do Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc phát hành tại Nam Kinh. Đây là sách atlas đầu tiên do nhà nước Trung Hoa phát hành với số lượng nhỏ. Sách thể hiện điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Với 150 bản đồ, gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản, gồm 80 bản đồ do phương Tây in từ năm 1626 đến năm 1980 xác nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. 3 tập Atlas xuất bản năm 1908, 1919 và 1933.
Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, theo suốt dòng lịch sử, từ tấm bản đồ xuất hiện từ đời nhà Thanh, cho đến Trung Hoa Dân quốc và gần đây nhất, bản đồ đánh giá (trữ lượng) nhiên liệu và năng lượng do chính cơ quan có chức năng của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố, xuất bản (1980) cũng không hề thể hiện rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc. Trên tấm bản đồ này, biên giới chủ quyền trên biển của Trung Quốc đã được xác định rất rõ: chỉ đến đảo Hải Nam.
Theo ông Trần Thắng, tổng chi phí cho việc mua 3 sách atlas và 150 bản đồ khoảng 13.000 USD, trong đó UBND huyện Hoàng Sa đóng góp 3.000 USD, những Việt kiều tại Mỹ đóng góp 5.000 USD, số còn lại là do ông tự nguyện đóng góp.