Hiện nay, tại Bảo tàng Phòng không – Không quân đang trưng bày bệ phóng tên lửa SAM-2 của tiểu đoàn 59, trung đoàn tên lửa 261.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc bảo tàng Phòng không – Không quân cho biết,bệ phóng tên lửa chính là hiện vật quý nhất ở bảo tàng về 12 ngày đêm lịch sử.
Hiện vật này đã giúp bộ đội tên lửa bắn rơi tan xác tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên vào đêm 18/12/1972 trên bầu trời Hà Nội. Chiếc B-52 đầu tiên bị bắn hạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã rơi xuống cánh đồng Chuôm ở xã Phù Lỗ, Đông Anh (Hà Nội).
|
Bệ phóng tên lửa này do Liên Xô sản xuất.
|
Bộ đội tên lửa là lực lượng chủ yếu bắn rơi máy bay B-52 trong 12 ngày đêm lịch sử năm 1972. Họ đã bắn rơi 29/32 chiếc B-52 trong chiến dịch này. Loại bệ phóng tên lửa do Liên Xô sản xuất này thường được nhiều người biết tới với tên gọi SAM-2.
SAM-2 (tên lửa đất đối không kiểu 2) là tên gọi mà các quốc gia phương Tây đặt cho loại tên lửa S-75 Dvina do Liên Xô (trước đây) chế tạo và viện trợ cho ta.
Đây là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao, được điều khiển bằng hệ thống ra-đa ba tác dụng. Kể từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 1957, nó đã trở thành một trong các loại tên lửa phòng không được triển khai và sử dụng nhiều nhất trong lịch sử.
Đạn tên lửa dùng trong hệ thống SAM-2 là V-750. Đạn V-750 có hai tầng: Động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn; động cơ hành trình sử dụng nhiên liệu tên lửa lỏng để duy trì quỹ đạo bay.
|
Cận cảnh bệ phóng tên lửa SAM-2.
|
Tầm bắn của tên lửa SAM-2 có thể lên đến gần 40km và độ cao bắn lên đến 25km. Độ cao bắn này giúp tên lửa hoàn toàn có khả năng “hạ gục” máy bay B-52. Đầu đạn của SAM-2 là loại tạo mảnh, chứa gần 200kg thuốc nổ và có tốc độ bay đạt Mach 3.
Bán kính tiêu diệt mục tiêu của đạn tên lửa V-750 khoảng 65m (ở độ cao lớn, khí quyển loãng, bán kính tiêu diệt mục tiêu có thể lên đến 250m).
Các đầu nổ của đạn tên lửa đều được lắp hai hệ thống ngòi nổ: Hệ thống ngòi nổ sát thương và hệ thống ngòi nổ tự hủy. Khi cách mục tiêu khoảng 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích hoạt ngòi nổ sát thương gây nổ đạn.
Ngòi nổ tự hủy của đạn tên lửa hoạt động ở chế độ tự động và chỉ được kích hoạt ở độ cao hơn 23km khi ngòi nổ sát thương không hoạt động (trường hợp bắn trượt mục tiêu). Khi đầu đạn được kích nổ sẽ sinh ra nhiệt lượng rất lớn, sóng xung kích mạnh và tạo ra hàng chục nghìn mảnh đạn để tiêu diệt mục tiêu.
Được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô, bộ đội tên lửa Việt Nam nhanh chóng làm chủ vũ khí, khí tài phòng không hiện đại. Tên lửa SAM-2 nhanh chóng được đưa vào chiến đấu đạt hiệu quả cao. Bộ đội tên lửa với vũ khí SAM-2 đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Cải tiến đáng kể nhất của hệ thống S-75 Dvina tại Việt Nam là việc chống nhiễu điện tử, đảm bảo cho bộ khí tài điều khiển tên lửa hoạt động bình thường.
|
Một chiếc F-4 của Không quân Hoa Kỳ bị trúng tên lửa SAM-2 khi đang không kích miền Bắc Việt Nam.
|
Ngoài ra, trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Hoa Kỳ tại miền Bắc Việt Nam từ 1965 đến 1968 và năm 1972, hệ thống radar của S-75 Dvina đã được cải tiến 4 lần với 40 nội dung kỹ thuật để theo kịp cuộc chiến tranh điện tử của không lực Hoa Kỳ, bảo đảm an toàn trong sử dụng và nâng cao độ chính xác khi chiến đấu.
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 1965-1968 và 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh 3.542 trận, trong đó có 588 trận đánh ban đêm; tiêu thụ 5.885 quả đạn; bắn rơi 788 máy bay của không lực Hoa Kỳ, 366 chiếc rơi tại chỗ; trong đó có 43 máy bay B-52; bình quân 7,1 quả đạn diệt được một máy bay.
Trong chiến dịch phòng thủ đuờng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B-52. Tuy nhiên, Hoa Kỳ chỉ thừa nhận mất 25 chiếc B-52 trong toàn bộ cuộc chiến, trong đó có 15 chiếc bị SAM-2 bắn rơi trong Chiến dịch Linebacker II.
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B-52, hạ bệ “thần tượng” của không lực Hoa Kỳ.
SAM-2 vẫn còn được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, với một số mức độ khả năng hoạt động ở 35 quốc gia.
Minh Quân (Theo_VTC)
|