Trải qua gần 1 ngàn năm lịch sử, gốm Bát Tràng đã gắn liền với quá trình phát triển của Thăng Long Tứ Trấn. Hiện nay, những người thợ, nghệ nhân gốm trong làng đang từng ngày gìn giữ những bí quyết làm gốm lâu đời và cùng với đó là sự cải tiến để hòa mình, phát triển cùng cơ chế thị trường.
Nghệ nhân Vũ Đức Thắng, Ủy viên ban chấp hành Hội gốm sứ, tổng thư ký Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi về làng gốm Bát Tràng cho biết: "Theo gia phả các dòng họ trong xã còn lưu lại, Bát Tràng xuất phát từ quê gốc ở Yên Mô, Ninh Bình, gốc phường Bạch Bát (Bạch Thổ, Ninh Bình). Trong gia phả các dòng họ còn lưu truyền một câu thơ "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần" (Đem nghề từ làng Bồ ra để xây dựng đình miếu, lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần) nói về gốc tích của nghề gốm Bát Tràng. Từ đó đến nay, làng Bát Tràng đã hình thành và phát triển qua 20 thế hệ".
|
Bát Tràng là tên gọi cũ của làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội từ trước năm 1945. Cách đây gần 1 ngàn năm, người dân thôn Bát Tràng di cư từ làng Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đến vùng đất bồi trên bờ sông Hồng, lập phường làm nghề gốm (gạch xây dựng).
Lúc đầu, thôn Bát Tràng được gọi là Bạch Thổ Phường, xã Bát Tràng (tức làng Bát Tràng ngày nay) thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh) sinh sống chủ yếu bằng nghề làm gốm sứ và buôn bán và làm quan.
Thời nhà Hậu Lê, xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Sang thời nhà Nguyễn, năm 1822 trấn Kinh Bắc đổi làm trấn Bắc Ninh, năm 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh, lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An. Đến năm 1862 chia về phủ Thuận Thành và năm 1912 chia về phủ Từ Sơn. Từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1949, huyện Gia Lâm thuộc về tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1961 đến nay, huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 1948, xã Bát Tràng nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan lập thành xã Quang Minh. Từ năm 1964, xã Bát Tràng được thành lập gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.
Trải qua nhiều cuộc dâu bể của đời sống xã hội, làng gốm Bát Tràng vẫn giữ được nghề của cha ông và đưa thương hiệu gốm Bát Tràng thành một trong các sản phẩm được ưa chuộng, với màu men nâu, men lam, màu xanh ngọc, men da lươn..., hoa văn tinh tế.
Nghệ nhân Vũ Đức Thắng cho biết: "Hiện nay, các mặt hàng gốm sản xuất tại làng tùy vào sự phân cấp của thị trường. Người dân có nhu cầu chủ yếu là ở các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt như các loại bát, ấm chén. Ngày nay, với tầng lớp trung lưu, khá giả, nhu cầu về đồ gốm để trưng bày, trang trí khá nhiều. Tùy vào phân khúc thị trường mà những người làm gốm Bát Tràng sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị hiếu".
Theo ông Thắng, thời điểm cực thịnh của làng gốm Bát Tràng là giai đoạn đầu năm 2000. Khi đó có nhiều khoảng trống trong xuất nhập khẩu và đời sống dân sinh, các lò gốm Bát Tràng luôn đỏ lửa. Thời điểm này, nhiều hợp đồng kinh tế trả nợ cho các nước Đông Âu, một phần lấy bằng sản phẩm gốm xứ mỹ nghệ, giai đoạn này cuộc sống và thu nhập của người làm gốm có những bước khởi sắc và đổi thay rõ rệt.
Thị trường xuất khẩu gốm khá đa dạng ở hầu hết các nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... Tuy nhiên, sau cuộc suy thoái kinh tế, chi tiêu thắt chặt, xuất khẩu gặp khó khăn, các thị trường hầu như đóng băng. Người làm gốm tại làng tự phát nhiều dịch vụ và chiêu thức để duy trì cuộc sống như nặn, vuốt vẽ gốm ở các hộ gia đình.
Với nghệ nhân Thắng và những người yêu gốm Bát Tràng, ngoài giá trị công năng, gốm còn là bản nhạc, là bức tranh với sự sự sáng tạo, cảm xúc của người thợ làm gốm. Người dùng và chơi gốm cũng cần một sự "rung cảm", đồng điệu với người thợ gốm.
Đỗ Thơm (nguoiduatin.vn)