Người ta đồn đại và tin rằng những kho báu của vua Chàm từng một thời ẩn sâu trong lòng đất, được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để bảo vệ bảo vật của vua.
Trong một thời gian dài, chuyện về những kho báu của vua Chàm được người đời thêu dệt thành những huyền thoại. Người ta đồn đại và tin rằng những kho báu ấy từng một thời ẩn sâu trong lòng đất, được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để bảo vệ bảo vật của vua. Và cũng có lời đồn, những kho bảo vật ấy đã biến mất theo dấu vết của thời gian, chiến tranh và những cuộc tàn phá, cướp bóc thuở lịch sử nhuốm đầy "mùi" binh đao, khói lửa.
Lễ hội Kate của đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận (Ảnh: Ninh Thuận)
|
Bao đời qua, chuyện về các vị vua Chàm cùng những kho báu đồ sộ với những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng vàng, bạc, ngọc ngà... luôn kích thích sự hiếu kỳ của người đời cũng như thu hút sự quan tâm của xã hội.
Người ta không thể không quan tâm, không thể không hiếu kỳ khi thi thoảng lại nở rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng... tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó.
Ông Hồ Khải, sống tại khu phố chuyên buôn đồ giả cổ Lê Công Kiều (quận 1, TP HCM) là người rất quan tâm đến thông tin về những kho báu Chàm. Hơn 50 năm sưu tầm, góp nhặt, trao đổi và mua bán, ông Khải đang nắm trong tay khối lượng cổ vật khổng lồ với hàng ngàn món.
Giữa la liệt kiếm cổ, ấn triện của các vương triều (chủ yếu triều Tây Sơn và triều Nguyễn), tượng cổ, đồ sành sứ trăm năm, các bảng sắc phong, các bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng... được ông Khải nâng niu, còn có những cổ vật liên quan đến các triều đại vua Chàm.
"Vương triều Chàm là một vương triều huyền bí, tài hoa trong việc chế tác những vật dụng sinh hoạt, trang sức tinh tế", ông Khải không ngớt lời khen các món "cổ vật Chàm" mình đang sở hữu.
Sau khi khoe nhiều bức tượng cổ, hộp trang sức bằng bạc của phụ nữ Chàm, cây kiếm lưỡi lượn sóng chuôi đồng thân thép xám lạnh huyền bí, ông tâm sự: "Điều đáng tiếc là tôi chỉ có được những món đồ dùng trong tùy táng, thờ cúng thần linh mà thôi. Tôi rất mong ước kiếm được những món đồ là vật báu của các triều vua Chàm để lại, khổ nỗi vì chưa có duyên nên chưa tuyển được món nào".
Phần lớn cổ vật Chàm mà ông Khải sưu tập được có nguồn gốc ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và đặc biệt tại Ninh Thuận, nơi mà theo ông "từng là giang sơn cuối cùng của các vua chúa Chiêm Thành".
Hàng trăm lần đi đi về về tuyến TP HCM - Ninh Thuận và ngược lại để săn tìm "cổ vật Chiêm Thành" mà dân gian vẫn quen gọi "Chàm", đi nhiều, ăn dầm nằm dề nơi núi rừng để lần theo những nguồn thông tin về các kho báu Chàm cũng như những người tìm được cổ vật Chàm để hỏi mua, bán chác, trao đổi... nên nói ông Khải là "tự điển sống" về cổ vật Chàm, cũng không quá lời.
Do ham đọc, học hỏi, tìm hiểu thực tế mà ông Khải có khẳng định hoàn toàn trái ngược với những gì thiên hạ đồn đoán về những kho báu Chàm được lưu giữ kỹ lưỡng những báu vật trong kho báu truyền đời từ các vua chúa, và chỉ đưa ra cúng quẩy vào lễ hội lớn rồi lại cất giấu rất kỹ, không cho bất kỳ ai xem.
Theo ông Khải những đồn đại đó vừa đúng lại vừa sai. "Đúng là chỉ khi tiến hành lễ Katê người ta mới được dịp chiêm ngưỡng những báu vật của vua chúa Chàm. Nhưng những báu vật này không phải do người Chàm lưu giữ mà là do người Raglai ở huyện miền núi Ninh Sơn, bảo quản. Khi có lễ hội họ mang xuống dâng cúng và kết thúc lễ thì lại mang báu vật về núi".
Theo tục lệ cổ truyền, đến dịp lễ Katê của người Chăm thì các làng Raglai (huyện Ninh Sơn, Ninh Phước) cử người rời núi cao mang theo các báu vật mà vua chúa Chàm ngày trước gửi gắm xuống các tháp để cùng dự lễ rồi mang trở về núi cất giữ. Báu vật mà họ mang theo gồm áo giáp, áo bằng vàng, mão bằng vàng, bảo kiếm, sắc phong của các triều vua Nguyễn cho vua Chàm, và các đồ ngự dụng của vua Chàm...
Những tư liệu nghiên cứu ghi rằng, theo thời gian, sau năm 1975, vì nhiều lý do mà các báu vật kể trên không còn nữa nhưng người Raglai vẫn theo lệ xưa mang những gì còn sót lại mà người Chàm xưa gửi gắm như ly chén, sắc phong, áo vải đã cũ mục... xuống các đền tháp trao cho các chức sắc Chăm hành lễ ở đền Pô Inư Nưgăr, tháp Pô Rômé, tháp Pô Klong Garai.
Ngoài những báu vật còn sót lại, người Raglai khi xuống núi cũng mang theo báu vật của chính mình, đó là những dàn mã la (nhạc cụ bằng đồng giống cồng chiêng Tây Nguyên nhưng không có núm) hàng trăm năm tuổi và tấu lên những âm thanh huyền bí để ngày hội Katê thêm phần long trọng.
Hơn 170 năm trước, các bảo vật Chàm vẫn do các thế hệ con cháu vua Chàm giữ. Số phận lưu lạc của các bảo vật Chàm bắt đầu năm 1831, khi Lê Văn Khôi (con nuôi của Tổng trấn Lê Văn Duyệt) nổi loạn ở thành Phiên An (Gia Định), chống lại triều đình nhà Nguyễn, chiếm 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.
Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, biết được số đông con cháu vua Chàm tích cực hợp tác với quân nổi loạn, vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp. Để tránh họa, một bộ phận người Chàm di cư sang Campuchia, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Churu và Raglai. Đến đời Vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dầu vậy con cháu của vua Chàm không mang di vật cha ông xuống núi mà gửi lại cho những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn.
Số báu vật mà con cháu của vua Chàm gửi cho người Churu (tỉnh Lâm Đồng) và người Raglai rất nhiều, với cả ngàn bảo vật, di vật cung đình. Nhưng do chiến tranh, loạn lạc và nạn săn lùng cổ vật mà người Churu hầu như không còn lưu giữ được bao nhiêu bảo vật.
Số phận của hàng trăm món bảo vật của vua chúa Chàm (kho đựng đồ bạc, y phục của vua và hoàng hậu, mâm thờ bằng bạc, vương miện bằng vàng... được gửi người Churu khép lại vào giai đoạn 1968 - 1969 khi 3 ngôi đền Sóp, Krayo và Sópmadronhay người Churu xây dựng để thờ các vua chúa Chàm và lưu giữ kho báu đã bị máy bay Mỹ ném sập rồi đến lượt các toán quân Mỹ ùa vào hôi của.
Sau gần 200 năm, những kho báu mà người Chàm trao gửi cho người Raglai nay chỉ là con số khiêm tốn và được người Raglai lưu giữ qua nhiều thế hệ. Từ đây, hình thành mỹ tục cứ đến lễ hội Katê hằng năm, trước khi diễn ra ngày lễ chính (1/7 lịch Chăm), các làng Raglai giữ báu vật của vua Chàm gửi gắm lại cử người đến trao báu vật cho các chức sắc Chăm hành lễ, sau đó lại giữ nghiêm ngặt.
Khi di chuyển xuống đồng bằng để hành lễ với người Chăm, đoàn người Raglai tập kết ở 3 địa điểm có tháp cổ linh thiêng được quy định sẵn gồm tháp Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgăr và tháp Pô Klong Garai.
Đến nay người Raglai vẫn cất công lưu giữ các báu vật mà vua chúa Chàm ngày trước gửi lại, và người Chàm cũng không có ý định thu hồi là vì giữa người Raglai và người Chàm có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh với em.
Chính vì sự gần gũi ấy mà khi gặp nạn, vua chúa Chàm đã tin cậy lên núi cao sống với "người anh em" của mình. Và với bản chất thật thà lại được sự gửi gắm kỳ vọng, bao năm qua người Raglai vẫn thủy chung, cố tâm gìn giữ những báu vật, không có ý định chiếm hữu làm của riêng.
(Công an Nhân dân)