Đã 67 năm trôi qua nhưng mỗi độ thu về, nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung lại nhớ về lời hát “Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”. Sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến không chỉ có ý nghĩa vào thời điểm ấy mà còn mang ý nghĩa giáo dục cách mạng, giáo dục lòng yêu nước cho đến tận hôm nay và mãi mãi mai sau…
Ngay sau khi đất nước tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã có hành động xâm lược nước ta ở miền Nam. Trước tình hình đó, vào rạng sáng 23-9-1945, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã ra lời hiệu triệu đồng bào Nam bộ kháng chiến. Qua hệ thống đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm (…) Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “Thà chết tự do hơn sống nô lệ” ( …) Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.
Những lời kêu gọi ấy như chạm vào lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo thành động lực để nhân dân Nam bộ quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm. Với tinh thần yêu nước và quyết tâm giữ nước, mỗi người dân là một chiến sỹ, góc phố nào, căn nhà nào cũng trở thành pháo đài. Họ nhanh chóng gia nhập các đội cảm tử quân và với vũ khí đơn giản như súng săn, chai xăng, dao găm, họ đã hòa trong rừng tầm vông xông lên làm nên sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến oanh liệt, khắc dấu son mở đầu cho trang sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai của nhân dân ta.
|
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu chống Pháp năm 1945
|
Những trang sử dân tộc đau thương hơn mà cũng hào hùng hơn bởi sự hy sinh của bao nhiêu người con anh dũng vì mục tiêu “làm cho thế giới biết rằng nhân dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của Pháp thêm một lần nữa”. Lịch sử ghi lại, ngay từ sáng 23-9, tại Sài Gòn, các đội tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, công đoàn xung phong đã chống trả quyết liệt quân địch tại Dinh Đốc lý, đường Vécđun, đường Nôrôđôm và đặc biệt là cuộc chiến đấu ác liệt ở Cột cờ Thủ Ngữ. Tại đây, một tiểu đội tự vệ chiến đấu của ta vốn được trang bị mỗi một khẩu súng săn, dao găm, lựu đạn tự chế đã ngoan cường chống trả một đại đội của giặc được trang bị vũ khí hiện đại.
Với lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ nên trước hỏa lực mạnh của kẻ thù từng chiến sĩ của tiểu đội đã lần lượt ngã xuống, anh dũng hy sinh dưới chân Cột cờ Thủ Ngữ… Mặc dù chịu nhiều hy sinh mất mát nhưng nhân dân Nam bộ đã làm thất bại kế hoạch bình định Nam Bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp và khởi nguồn cho các cuộc đấu tranh ngoan cường của nhân dân ta về sau nhằm đánh đuổi giặc Pháp.
Từ trong cuộc chiến đấu ngoan cường ấy, đã xuất hiện những cái tên như ngọc sáng ngời mà em bé đuốc sống Lê Văn Tám tẩm xăng chạy vào phá kho dầu ở Thị Nghè đã trở thành ngọn đuốc thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước khắp nơi, trở thành một tấm gương sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cùng với hành động của Lê Văn Tám, những tin tức đầu tiên về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã nhanh chóng lan truyền và làm rung động cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc. Phong trào Nam tiến xuất hiện khắp nơi. Các chi đội giải phóng quân được thành lập, ra đi với quyết tâm cứu nước, khí thế bừng bừng. Ngay cả người nước ngoài ở Sài Gòn lúc ấy cũng tham gia, ủng hộ đồng bào Nam bộ chống Pháp.
Ngày nay những góc phố, con đường, những ngôi làng đẫm máu năm xưa đã mang tên gọi mới, ở đó những bông hoa hòa bình đã nở, cờ Tổ quốc đã tung bay kiêu hãnh trong nắng mai hồng. Và mỗi độ thu về, phía Thành đồng Tổ quốc lại vang lên hào sảng khí thế của ngày Nam bộ kháng chiến, để ý chí không chịu làm nô lệ, quyết tâm giữ nước của nhân dân Việt Nam mãi mãi soi đường cho thế hệ cháu con trong trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, vươn lên những tầm cao mới cùng bạn bè năm châu.
PHONG LINH
theo hàtĩnhonline
|