(HNHN) Có lẽ chẳng nơi nào trên đất Thăng Long lại có lịch sử oai hùng nhưng cũng đầy sóng gió, bi ai như làng Hòa Mục (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Bởi lẽ, ngôi làng ấy vừa là nơi ghi dấu những sự kiện lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc lại vừa chịu cảnh tang thương khi làng bị triệt hạ.
Lập làng từ thời Hùng Vương
Theo thần tích lưu truyền dân gian thì làng được hình thành từ thời Hùng Vương. Vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh giữa quân của Hai Bà Trưng với quân Mã Viện (nhà Hán). Có hai nữ tướng của Hai Bà Trưng hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô.
Những tư liệu lịch sử cũng ghi chép lại rằng, làng Hòa Mục xưa kia có tên là Kẻ Đáy. Trước khi nhà Đường từ Trung Quốc sang đô hộ thì Kẻ Đáy là một ngôi làng chỉ có vài nóc nhà tranh mái lá nằm nép ven bờ Tô giang trầm mặc. Đầu thế kỷ thứ VIII, Mai Hắc Đế dẫn quân từ Nghệ An đánh chiếm Tống Bình (vùng Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên ngày nay). Quân của Mai Hắc Đế đã đánh đuổi giặc Đường ra khỏi bờ cõi. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhà Đường đã cử tướng Quách Sở Khách đem theo 10 vạn binh mã đến chiếm lại Tống Bình khiến cho trận chiến ngày càng trở nên đẫm máu.
Ông Lại Đức Thụ, nguyên là giảng viên Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần giở những trang tư liệu rồi kể lại cho chúng tôi nghe về trận chiến năm xưa của Mai Hắc Đế: Khi nhà Đường đem quân chiếm lại Tống Bình, Mai Hắc Đế đã giao cho vợ là Phạm Thị Uyển, người huyện Thọ Xương cầm quân đánh trả trên sông Tô Lịch. Lúc này, đường thủy là huyết mạch giao thông quan trọng nhất của cả vùng. Quân Đường đã men theo đường thủy, ngược sông Hồng vào khu vực Hồ Tây rồi tiến vào sông Tô Lịch để tấn công quân Mai Hắc Đế ở phía nam thành Tống Bình.
Trước tình thế đó, bà Uyển đã bố trí quân phục kích hai bên bờ sông Tô Lịch nhằm ghìm chân quân địch để cho Mai Hắc Đế hành quân vào rừng ẩn nấp. Quách Sở Khách dẫn quân rơi vào ổ phục kích của ta. Nhưng do lực lượng địch quá đông đã khiến cho cuộc phục kích của bà Uyển thất bại. Bà hy sinh, dân làng Kẻ Đáy vớt được xác bà lên chôn cất rồi lập miếu thờ, sau tu bổ dần thành đền Dục Anh.
Hai người em trai sinh ba của bà là Phạm Miện và Phạm Huy đều là những võ tướng đi theo Phùng Hưng đánh giặc cứu nước. Sau khi mất, dân làng phong cả ba chị em làm thành hoàng, thờ chung trong đền Dục Anh. Đến thời kỳ nhà Lý, Kẻ Đáy được đổi thành Trang Nhân Mục.
Đền Dục Anh - nơi thờ ba chị em võ tướng Phạm Thị Uyển.
Sự linh ứng của ba vị thành hoàng
Cũng theo ông Thụ, ba vị thành hoàng rất linh ứng. "Tương truyền, trước trận đánh quân Minh, Lê Lợi đã đến đền Dục Anh để thắp hương xin tiền nhân che chở, phù hộ. Đêm đó, ông được thần báo mộng sẽ giúp. Quả nhiên, nghĩa quân đánh đến đâu là thắng đến đó.
Khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi vua đã quay trở lại đền Dục Anh để thắp nén hương cảm tạ ân đức của bậc tiền bối và ban ba sắc phong cho ngôi đền.
Đến nay, ba sắc phong này của Lê Lợi vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Thời Tây Sơn, trước trận đánh Sầm Nghi Đống ở Gò Đống Đa, Nguyễn Huệ cũng đã vào thắp hương ngôi đền này. Trận đánh thắng lợi, người ta tin rằng có sự giúp sức của ba vị thành hoàng làng Hòa Mục", ông Thụ kể.
Cuộc thảm sát đẫm máu
Trang Nhân Mục chứng kiến những sự kiện lớn trong lịch sử song cũng ghi dấu những đau thương, ai oán mà có lẽ, lịch sử làng chẳng bao giờ muốn lưu lại.
Giọng chậm rãi, ông Thụ ôn lại tích xưa: "Thời Trần có bà Trịnh Thị Tùng là con một viên quan trong triều, sống ở Nhân Mục Môn (làng Quan Nhân). Lớn lên, bà được tuyển vào cung, làm vợ vua Lê Uy Mục (1505 - 1509). Lúc lên ngôi, Lê Uy Mục giết hại tông thất, giam cầm Lê Oánh là anh em con chú con bác của mình. Sau, Lê Oánh trốn thoát, chiêu tập lực lượng ở Tây Đô (Thanh Hóa) rồi tiến về thành Đông Kinh (Hà Nội), bắt vua Lê Uy Mục rồi ép vua phải chết. Bà Trịnh Thị Tùng sợ quá, trốn về Hồng Mai rồi thắt cổ tự tử.
Lê Oánh cho quân về Nhân Mục Môn tìm bà để sát hại nhưng người làng đó lại chỉ sang hướng Trang Nhân Mục. Không tìm thấy bà, chúng điên cuồng thảm sát dân làng, chỉ có mấy người chạy thoát phải bỏ đi biệt tích. Làng cũng đổi tên thành Nhân Mục Tàn để ghi dấu tích của vụ thảm sát này. Sau này, vua minh oan cho làng bằng cách cắt 16 mẫu đất của Nhân Mục Môn sang cho làng. Những người chạy thoát lại quay trở về sinh sống trên mảnh đất của ông cha, trong đó có cụ tổ lục đại của chi họ ông Lại Đức Thụ. Hiện nay, ngôi mộ cụ Tổ này vẫn còn trong làng.
Về sau, nhằm giảm sự tang thương, Nhân Mục Tàn được đổi thành Hòa Mục như tên gọi hiện nay. Người làng Hòa Mục chỉ sống bằng nghề nông, ngoài ra không có nghề phụ gì khác".
Bây giờ, Hòa Mục đã thành phố, đông đúc. Dấu tích xưa của một làng bị triệt hạ chỉ còn lưu lại trong sử sách và trong cả cuốn gia phả của chi họ ông Thụ. Điều đặc biệt là dấu tích của một làng thuần nông vẫn còn trong dáng dấp của ngót chục ngôi nhà có tuổi đời trên dưới 100 năm, mang đậm kiến trúc nhà ở của đồng bằng Bắc Bộ thuở trước.
Những ngôi nhà cổ này đang góp phần níu chút hồn cho làng cổ Hòa Mục.
Nhà rộng 5 gian (làm theo kiểu 3 gian, hai chái), có bình phong cùng vườn cây trước cửa, lợp ngói, bộ khung hoàn toàn bằng gỗ với những bức hoành phi, câu đối. Những ngôi nhà cổ ấy, theo cách nói của ông Thụ, chúng như sợi dây vắt mình nối ký ức với hiện tại, để dù có đô thị hóa thì Hòa Mục vẫn giữ lại trong mình chút hồn của một ngôi làng cổ. Điều đó - có lẽ tự hào thôi chưa đủ mà cần có sự quan tâm từ phía các cấp chính quyền sở tại.
Theo ông Lại Đức Thụ: Hòa Mục có 2 ngôi đình, 3 đền, 1 chùa là những di sản văn hóa - tâm linh của làng. Trước đây, làng có ba dòng họ chính là các họ Nguyễn, Lại, Phùng. Mỗi họ chỉ chênh lệch chừng 3 - 4 người, không bao giờ vượt hơn. Sau này, làng có thêm nhiều họ khác đến ngụ cư, sống chủ yếu bằng nghề nông.
Thanh Dương/khampha.vn
|