Theo thần tích lưu truyền dân gian thì làng được hình thành từ thời Hùng Vương (Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vào khoảng từ 2879 TCN đến 258 TCN). Vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh giữa quân của Hai Bà Trưng với quân Mã Viện (nhà Hàn).
Hát quan họ trên hồ bán nguyệt trước đình làng Hòa Mục (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
|
Có hai nữ tướng của Hai Bà Trưng hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô. Hiện trong miếu vẫn còn bia có niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) ghi việc trùng tu miếu. Đến thế kỷ thứ 5, làng có tên gọi là Trang Nhân Mục, thuộc tổng Dịch Vọng.
Đến thế kỷ thứ VIII, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh bất khuất chống giặc ngoại xâm của người cháu gái Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là hoàng hậu Phạm Thị Uyên. Theo gương chị gái của mình, hai người em trai là Phạm Miễn và Phạm Huy đã gia nhập đạo quân của cậu ruột là Phùng Hưng đánh giặc.
Khi đất nước thanh bình, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trở về chiến trường xưa và nhận thấy nơi đây là mảnh đất lành, ông ra lệnh xây dựng hành cung và đền thờ cho những đứa cháu và hướng dẫn dân làng cách làm ăn. Đình làng hiện nay là nơi dân làng Hòa Mục đã bao đời nay phong Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là thành hoàng làng để tưởng nhớ công ơn trời biển của ông.
Đến đời nhà Lê (Thế kỷ XV), đây là trận địa vững chắc để mở ra những hướng quan trọng đánh tan giặc Minh. Đến cuối thế kỷ XIX, vua Quang Trung khi tiến quân từ Đàng Trong ra cũng chọn mảnh đất của làng vào mục đích quân sự.
Làng Hòa Mục hiện nay cũng được xem là làng còn giữ gìn khá đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất mà cơn sóng đô thị hóa vẫn không phủ mờ được. Có sáu di tích các loại như đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ, cổng làng; trong đó có di tích đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia như đình ngoài, đình trong (chính là hành cung thờ ba chị em họ Phạm đã có công giúp nước đánh ngoại xâm) và đền thờ Dục Anh.
Cùng các di tích gắn với đời sống tín ngưỡng của cư dân nơi đây, làng còn lưu giữ được những căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi của các dòng họ lớn như Lai, Nguyễn, Phùng…
Cụ Lai Khắc Mô (82 tuổi), hậu duệ của một dòng họ lớn và lâu đời ở đây cho biết: “Những ngôi nhà cổ được xây dựng rất tinh tế, nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ. Hệ thống vì, kèo kết nối toàn bằng chốt, mộng gỗ tháo lắp dễ dàng và được chạm trổ tinh xảo không thua kém các kiến trúc gỗ ở trong hoàng cung triều Nguyễn. Đã từng có nhà bảo tàng học đến đây nghiên cứu rồi nói rằng có thể biến làng cổ Hòa Mục thành một bảo tàng dân tộc ngoài trời”.
Với những giá trị ấy, có thể thấy rằng, làng cổ Hòa Mục là một làng truyền thống tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam./.
Hữu Tuấn (Báo ảnh Việt Nam)