Về Hiên Vân tìm rau muống tiến vua
Đã có thời, người dân Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) tự hào với loại rau muống mà theo truyền thuyết dùng để tiến vua. Loại rau ấy có cuộng dài như dải áo, ít lá, lá nhỏ, trắng xanh, ăn giòn giòn, ngòn ngọt, bán có giá cao gấp 3 - 5 lần so với rau muống thông thường. Thế nhưng, giờ đây, loại rau này chỉ còn trong ký ức, mùi vị cũng thoảng theo gió, trôi xa...
Cụ Nguyễn Đăng Lộ đang kể về “rau muống tiến vua“.
Rau "truyền thuyết"
Về Hiên Vân, hỏi chuyện "rau muống tiến vua", chỉ những người đã ngoại tứ tuần là còn nhớ. Thế nhưng, rau đó cung tiến vua đời nào, không ai biết. Ngay cả các vị cao niên trong làng cũng lắc đầu, xua tay. Chỉ biết rằng, bao lớp người Hiên Vân lớn lên, dù có xa quê thì vẫn mang trong mình niềm tự hào về sản vật quê hương gắn với chữ "tiến vua" này.
Ông Nguyễn Công Hảo ở làng Na, được biết đến là người đã dày công nghiên cứu về lịch sử xã Hiên Vân, về cả loại rau muống đặc biệt này. Ông xác nhận: "Chuyện rau muống Hiên Vân dùng để tiến vua là câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền trong nhân gian, cũng không xác định được đó là đời vua nào".
Lần giở những trang tư liệu đã ố màu thời gian, ông Hảo cho hay: "Theo những gì ghi chép lại thì thời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân sang xâm chiếm nước ta. Khi ấy, quan Bồ Chính tên là Hùng Chạc có hai người con là Hùng Long và Hùng Sơn. Hai vị này được cử đi dẹp giặc, trấn an bờ cõi. Khi đi đến vùng đất này, thấy thế đất địa linh nhân kiệt, có dãy núi hình rồng nằm uốn khúc, xung quanh là rừng bao bọc, hai vị liền cho dựng trang trại, lập thái ấp, chiêu mộ thêm binh sĩ đánh giặc. Giặc Ân thua trận phải rút về, đất nước thái bình, hai vị dạy dân chúng quanh vùng cách trồng lúa, trồng rau. Có thể ngày ấy có cả loại rau muống này rồi".
Trước đây, xã có tên là Hiên Ngang, tên các làng cũng lần lượt là Ngang Kiều, Ngang Nội, Ngang Na. Sau Cách mạng tháng Tám đổi thành Hiên Vân như tên gọi bây giờ. Theo ông Hảo, ngày xưa, rau muống Hiên Ngang được làm rất cầu kỳ. Khi ngọn rau đã bắt đầu vươn, người ta liền đi nhặt vỏ con ốc nhồi, đục thủng để cho ngọn rau xuyên qua hoặc lấy những tay măng để ngọn rau xuyên vào trong đó. Ướm chừng đến lúc thu hoạch, người ta sẽ đập dập vỏ óc, xé tay măng để lấy ngọn rau ra. Khi đó, ngọn rau này cuộn tròn lại theo hình xoắn ốc, trông rất đẹp, màu trắng ngà. Rau đảm bảo sạch sẽ, không lấm bùn đất. "Có thể vì cách trồng cầu kỳ như thế nên đã được đem vào tiến vua", ông Hảo đưa ra giả thiết.
Công phu một kiếp... trồng rau
Trong trí nhớ của cụ Phạm Đăng Lộ, 90 tuổi, thôn Kiều, loại "rau muống tiến vua" ấy đã từng rất phổ biến khi xưa.
Theo cụ Lộ, loại rau này còn có tên là rau dải. "Bởi vì ngọn rau mọc dài như dải áo, nhỏ như chiếc đũa con, rất ít lá. Phía dưới gốc có màu đỏ tía, càng lên ngọn càng trắng và điều đặc biệt là không mọc rễ tua tủa trên thân như rau muống thông thường", cụ giải thích.
Trong trí nhớ của cụ Lộ, chừng hai mươi năm về trước, rau muống dải mọc bạt ngàn ở khắp cả ba làng, nhưng nhiều nhất vẫn là làng Nội. Việc trồng, chăm bón rau cũng đòi hỏi rất công phu.
Cụ cho hay, thông thường, khi chọn được chân ruộng để trồng rau muống dải, người ta sẽ phải đi hái lá cây xanh, chủ yếu là lá xoan về dập xuống ruộng, để chừng một tháng cho "ngấu" (lá cây thối rã, quyện trong bùn). Trong khoảng thời gian ấy, người nông dân lại phải cuốc từ 3 - 4 lần cho lá cây nhanh rã, đến khi lội xuống, bùn ngập ngang đầu gối là được. Lúc này sẽ đánh gốc rau giống sang trồng.
Việc chọn gốc rau giống cũng không hề đơn giản. "Vì đặc tính loài rau này không có rễ mọc tua tủa trên thân mà chỉ mọc ở nhánh cuối cùng bám vào thân chính, sát với gốc nên không phải ai cũng biết cách chọn gốc giống, không phải cứ hái bất kể đoạn nào trên ngọn rồi giâm xuống ruộng là được mà phải biết chọn đúng điểm có rễ ấy", cụ Lộ cho hay.
Một phần do giống rau dải phát triển nhanh, một phần vì những chân ruộng được ủ phân xanh nên sau khi cấy được chừng hơn nửa tháng thì rau bắt đầu cho thu hoạch. Từ lứa thứ hai trở đi, các lứa chỉ cách nhau chừng 7 - 8 ngày. Rau dải cho thu hoạch gần như suốt năm. Tuy nhiên, hết một vụ (một năm), người ta lại phải cải tạo ruộng, tiếp tục ủ phân xanh rồi ươm những gốc rau mới.
Cách trồng là thế, cách ăn cũng khá cầu kỳ. "Rau muống Hiên Ngang phải luộc với nước giếng Hiên Ngang", cụ Lộ cười hỉ hả bảo tôi. Theo cụ, thuở trước, ở mỗi làng đều có ít nhất một giếng và cả làng dùng chung. Nước giếng làng không trong suốt mà nhờ nhờ như nước luộc hến. Thế nhưng, điều kỳ lạ là chẳng bao giờ giếng cạn nước. Và dù nước có màu như thế song khi dùng trong sinh hoạt, nấu ăn lại rất ngon, ngọt mát. Những cuộng rau dải nấu với nước giếng làng vẫn giữ nguyên màu sắc, có vị ngọt, giòn giòn, không chát mà "nếu cùng rau đó nhưng nấu ở nơi khác thì sẽ không thể có mùi vị như nấu ở nước làng Ngang".
|
Theo ông Nguyễn Trọng Luận: "Rau muống dải thường trắng, dài, ít lá, lá nhỏ hơn thế này". |
Đau đáu niềm... rau
Dù công phu trong cách trồng, cách ăn là vậy song giống rau muống dải này không năng suất được như những giống rau muống khác. Trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Vĩnh, 68 tuổi, thôn Na thì "đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình tôi cũng vẫn trồng rau dải. Đem bán, giá thường cao hơn rau muống khác từ 3 - 5 lần, tùy vào từng thời điểm và đối tượng khách. Nếu khách ở Hà Nội về mua thì sẽ bán ở mức giá cao hơn. Tuy nhiên, hái rau đem bán nhiều năm nên tôi biết, giống rau này không đẻ nhiều nhánh đâu, mỗi gốc rau thông thường chỉ có hai nhánh, thế nên năng suất không cao. Ví như một miếng đất trồng rau dải chỉ hái được 100 mớ, nhưng khi trồng loại rau muống khác trên cùng diện tích lại hái được gấp đôi, thậm chí gấp ba con số đó. Do vậy mà gia đình tôi chuyển dần sang trồng rau muống khác".
Thôn Nội vốn là "vựa rau dải" của cả xã. Tôi đem nỗi tò mò, háo hức muốn được một lần thưởng thức thứ rau "gia bảo" của cả làng, cả xã này đến gõ nhà ông trưởng thôn Nguyễn Trọng Luận. Thế nhưng, tôi nhận được chỉ là sự đăm chiêu, nuối tiếc của vị trưởng thôn này. Ông nói như phân trần: "Rau muống dải bây giờ gần như đã thất lạc rồi. Những mảnh ruộng trước đây chuyên trồng rau này đã được lấp đi, xây nhà trên đó. Khó lắm! Thi thoảng cũng nghe người ta nói dưới chợ Lim cách đây chừng chưa đấy 5km có bán rau muống dải, nhưng đó không phải là loại rau nguyên bản trước đây nữa rồi".
Hỏi ông có thấy tiếc vì điều đó, ông trầm ngâm: "Bảo tiếc thì cũng có, nhưng đành chịu thôi, vì rau không năng suất thì ai dám trồng nữa. Mà đất trồng rau cũng không còn. Giá mà giữ được giống rau ấy cho con cháu đời sau hiểu mà trân trọng những giá trị của quê hương thì tốt biết bao!".
|
“Rau muống dải phải nấu với nước giếng làng mới ngon”. |
|