(TT&VH Online) - Trong quá trình tôn tạo, phục dựng di tích đàn tế Nam Giao thành nhà Hồ núi Đốn Sơn, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), các nhà khảo cổ học đã phát hiện một bộ xương động vật còn khá nguyên vẹn.
Trao đổi với Thể Thao Văn Hóa, Tiến sĩ Vũ Thế Long ở Viện Khảo cổ học Việt Nam - người đang trực tiếp khai quật, nghiên cứu về bộ xương động vật nói trên cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng, trong quá trình tôn tạo và phục dựng khu đàn tế Nam Giao, chúng tôi đã phát hiện ra bộ xương này.
Bộ xương nằm trong một huyệt được xây dựng bằng đá dưới lòng tường lớn nhất của đàn tế Nam Giao, đây là bức tường bảo vệ đàn tế. Tuy nhiên, ban đầu chưa xác định được là xương thuộc loài nào. Sau khi nghiên cứu giám định, bộ xương được xác định là xương của một con trâu, nhưng thuộc loại nghé (tức trâu còn nhỏ)”.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thế Long, đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật được mẫu xương động vật là vật tế thần tại di tích đàn tế. Từ đó, có thể nhận định khi xây dựng đàn tế Nam Giao vào năm 1402, vua Hồ Quý Ly đã dùng trâu để cúng tế thần linh, trời đất, sau đó chôn cất con trâu này xuống lòng tường đàn tế. Ngoài ra, con trâu nói trên có thể còn được dùng để làm vật trấn yểm cho đàn tế.
Hiện mẫu xương trâu nói trên đã được các nhà khảo cổ học thu lượm để phục vụ nghiên cứu khoa học, sau đó có thể cho phục dựng bộ xương để phục vụ du khách tham quan di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Trước đó, di tích đàn tế Nam Giao nhà Hồ cũng đã được khai quật vào các năm 2004, 2007, 2008, 2009 và 2011. Trong các lần khai quật này, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện được nhiều hiện vật cổ có giá trị và ý nghĩa lịch sử. Những phát hiện này góp phần làm sáng tỏ những điều còn là bí ẩn về vương triều Hồ (1400 – 1407).
Hoàng Sơn