Cách đây 46 năm, chế độ VNCH sụp đổ ở miền Nam Việt Nam. Nhà báo người Úc John Pilger nhớ lại cảm giác của mình khi ở giữa tâm điểm của một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của thế kỷ 20.
---
Sài Gòn, tháng 4 năm 1975.
Rạng sáng tôi thức giấc, nằm trên tấm nệm đặt trên sàn, nhìn đăm đăm lên chiếc giường đang dựng tựa vào những khung cửa sổ kiểu Pháp. Chiếc giường nhằm bảo vệ tôi khỏi kính vỡ nhưng nếu khách sạn bị rocket đánh trúng thì chắc chắn nó sẽ đổ ập vào người. Chết vì bị giường rơi trúng: Một điều không hiểu sao nghe có vẻ hợp lý trong bối cảnh này.
Hành trình thống nhất Việt Nam đã bắt đầu ít nhất hơn 20 năm trước, kể từ khi Hiệp định Geneve đặt ra một giới tuyến "tạm thời". Từ đầu năm 1975, liên tiếp nhiều khu vực quan trọng từng nằm dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn đã rơi vào tay quân Giải phóng.
Bức ảnh của United Press chụp cảnh một tay người Mỹ đấm thẳng vào mặt một người "đồng minh" Nam Việt Nam khi người này cố trèo lên chuyến bay cuối cùng của Mỹ từ Nha Trang vào Sài Gòn đã trở thành biểu tượng.
Chuyến bay cuối cùng của Mỹ từ Nha Trang vào Sài Gòn. Ảnh: United Press
Tới giữa tháng 4/1975, kết cục đã ở trong tầm mắt khi trận chiến Xuân Lộc nổ ra cách Sài Gòn 30 dặm về phía Tây Bắc.
Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc đó có lẽ là đội quân giàu kinh nghiệm nhất thế giới, và cùng với các đơn vị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - ND), có vẻ chỉ còn chờ những người Mỹ cuối cùng ra đi.
Trong tháng 4, mỗi ngày có hơn 3.000 người Mỹ thuộc nhóm "không cần thiết" và người phụ thuộc di tản từ Dodge City, mật danh khu chỉ huy cũ của Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Saul, một cựu tướng lĩnh trong quân đội Mỹ rời đi với 22 người phụ thuộc: Vợ ông ta, bố mẹ vợ, ông bà vợ, anh chị em vợ và 3 người chủ nợ. "Tôi tính đưa 6 người đi", Saul nói, "và rồi tất cả những người này xuất hiện".
Một số người Mỹ đã phải hối lộ hàng trăm, hàng nghìn đô-la để có hộ chiếu, giấy xuất cảnh, chứng nhận miễn thuế cho người phụ thuộc. Nhiều thứ không cần thiết. Kể từ khi Tổng thống Ford ra lệnh đưa người Mỹ rời khỏi Việt Nam, họ và những người đi cùng chỉ phải tới Dodge City vào buổi sáng để được "xử lý" và bay đi lúc màn đêm buông xuống. Nhưng khi giao tranh giữa quân đội Sài Gòn và quân Giải phóng lan tới phạm vi sân bay thì thời gian đợi máy bay thực hiện một chuyến khứ hồi tới Philippines và Okinawa trở thành 1 ngày, rồi 2 ngày, 3 ngày.
Có vẻ ai cũng đi được, miễn là anh ta hoặc "thường là" cô ta, được một người Mỹ "tài trợ". Trong đám đông ấy, có nhiều gương mặt của những cô gái làng chơi trên đường Tự Do.
Có một quy trình nhanh chóng hơn, gần như VIP cho một nhóm hành khách khác thuộc diện "nguy cơ cao". Tổng thống Ford gọi những người này là "người Việt bị đe dọa", tất cả đều là những kẻ sát nhân.
Các quan chức xử lý giấy tờ người Mỹ được lệnh không trò chuyện với họ nhưng một trong số đó vẫn cất lời. "Tạm biệt nhé, tạm biệt lực lượng đặc biệt Phượng hoàng", anh ta chua chát nói khi nhìn họ rời đi. Tất cả bọn họ đã làm việc cho Chương trình Phượng hoàng của CIA. Cùng với những người tiền nhiệm, họ đã giết tới 50.000 trưởng ấp, trưởng quận và những người được coi là không hoàn toàn trung thành với chế độ Sài Gòn. Một phần trong số này sẽ tới Niceville, Florida.
Thứ mà người ở những nơi như Niceville thực sự muốn là trẻ em. Nhu cầu về "trẻ mồ cô do chiến tranh" Việt Nam ở Mỹ và châu Âu được thúc đẩy bởi những người nổi tiếng, các tổ chức Công giáo và Nhà Trắng. Operation Babylift (Chiến dịch Không vận Trẻ em) có sự bảo trợ của Tổng thống Hoa Kỳ, người nói sẽ đích thân chào đón "trẻ mồ côi đầu tiên" được "giải cứu".
Từ đầu tháng 3, Tổng thống Ford đã gặp khó trong việc thuyết phục Quốc hội khôi phục viện trợ cho chế độ đang sụp đổ ở Sài Gòn. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Phó Thủ tướng VNCH Phan Quang Đán viết trong một lá thư: "Sự ra đi của lượng lớn trẻ mồ côi sẽ tạo xúc cảm sâu sắc trên thế giới… theo hướng có lợi cho Nam Việt Nam. Đại sứ Mỹ sẽ hỗ trợ tôi đảm bảo trẻ em rời đi với số lượng lớn".
Frank Snepp, chuyên viên phân tích CIA làm việc tại đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn lúc đó, không hề nghi ngờ gì về mục đích của Chiến dịch Babylift. Trong cuốn sách Decent Interval của mình, ông mô tả Chiến dịch Babylift là "một âm mưu" được thiết kế để "đánh thức thương cảm cho chế độ miền Nam Việt Nam … Ngay từ đầu nó đã là một màn lừa gạt".
Trong tuần cuối tháng 3, khi Phan Quang Đán viết bức thư, những nhân viên viện trợ nước ngoài ở Sài Gòn trở nên lo ngại về khoảng 4.000 trẻ em được sơ tán từ Tây Nguyên tới Sài Gòn. Hầu hết không phải là trẻ mồ côi và được đặt dưới sự chăm sóc của Bộ Phúc lợi Xã hội thuộc quyền điều hành của Phan Quang Đán.
Trong khi đó, nước Anh cũng có một phiên bản riêng của Chiến dịch Babylift do Daily Mail tổ chức. Tờ báo này công bố tiến hành "Chiến dịch Mercylift" và điều một chiếc Boeing 707 tới "giải cứu" 100 trẻ.
Daily Mail nhờ tổ chức từ thiện Project Vietnam Orphans (POV) hỗ trợ để nhanh chóng tìm lấy và chuyển đi 100 trẻ em. Nhưng khó mà tìm được số trẻ mồ côi có giấy tờ, hợp pháp rời khỏi đất nước nên chiến dịch giải cứu của Daily Mail được tiến hành khi chưa có đủ số trẻ để "lấp đầy" chiếc Boeing 707. Một trong số những người cung cấp trẻ cho Daily Mail là Victor Srinivasin, người điều hành 2 ngôi nhà ở Sài Gòn "Hy vọng 1" và "Hy vọng 2". Tôi biết rõ ông ta và các cơ sở ấy. Trẻ em ở nhà của Srinivasin đa phần có mẹ làm nghề mại dâm hoặc những hình thức kiếm sống chật vật khác. Có những đứa trẻ thường xuyên được mẹ và người thân tới thăm. Chỉ một số rất ít là trẻ mồ côi thực sự.
Helen Jacobus, một nhân viên cứu trợ làm việc cho Ockenden Venture (trung tâm hỗ trợ tái định cư ở Anh), viết cho New Statesman:
"POV lúc ấy biết rằng một số trẻ vẫn còn mẹ. Roy Clarke, người điều hành Christian Outrach (tiền thân là POV) cho biết, ông vẫn còn nhớ ‘một cảnh tượng đẫm nước mắt’ ở sân bay khi mẹ của một đứa trẻ vẫy tay chào tạm biệt".
Ngày 20/4, QĐNDVN giành được Xuân Lộc. Trong dòng người tị nạn có cả những binh lính bất mãn của VNCH. Lúc này Tổng thống, Tổng tư lệnh quân đội VNCH – Tướng Thiệu – đã thừa nhận bại trận, mang vàng bỏ trốn sang Đài Loan.
Ngày 27/4, Tướng Dương Văn Minh (Big Minh) được bầu lên làm Tổng thống để tìm cách đi đến hòa bình.
Trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, Đại sứ Mỹ Graham Martin xuất hiện trên truyền hình và cam kết Mỹ sẽ không rời khỏi Nam Việt Nam. Ông ta nói: "Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không bỏ trốn trong đêm. Cứ qua nhà tôi mà nhìn tận mắt, tôi vẫn chưa hề gói ghém đồ đạc… Cứ tin ở tôi".
Martin là một người kín đáo, cứng cỏi và nóng tính. Ông ta nom ốm yếu; da chảy xệ và xám xịt vì viêm phổi hàng tháng trời; Martin hút thuốc liên tục và cuộc trò chuyện với ông ta thường bị ngắt quãng bởi những tràng ho kéo dài.
Dùng từ diều hâu để mô tả Graham Martin là không công bằng với loại chim này, khiến nó phải gánh những đặc tính tàn ác mà nó không sở hữu. Suốt nhiều tuần, Martin nói với Washington rằng Nam Việt Nam có thể tồn tại nhờ một "vòng tròn sắt" quanh Sài Gòn với B-52 bay luân phiên. Nhưng Martin không thể phớt lờ tất cả những gì ông ta thấy; ông ta biết đó là việc của mình, chỉ một mình ông ta. Đó là chủ trì quá trình rút lui của một đế chế từng giành lấy 2/3 Đông Dương, mà vì chuyện đó con trai của chính ông ta qua đời - 9 năm trước.
Trong Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn có một cái cây. Đây là một trong những cây me cổ thụ do người Pháp trồng cả trăm năm trước. Nó phủ bóng xuống bãi cỏ và khu vườn bên ngoài tiền sảnh chính. Không gian khác đủ lớn cho trực thăng đáp xuống lại đặt hồ bơi ở giữa, còn bãi đáp trực thăng trên nóc sứ quán thì được thiết kế dành riêng cho những chiếc trực thăng Huey nhỏ.
Nếu "Phương án 4" (sơ tán bằng trực thăng) được chỉ định thì chỉ có trực thăng Chinook và Jolly Green Giant của thủy quân lục chiến mới có thể đảm đương việc đưa lượng lớn người tới Hạm đội 7, thả neo ngoài khơi cách 30 dặm, trong vòng 1 ngày.
Cây me là phòng tuyến cuối cùng của Graham Martin. Ông ta từng nói với nhân viên rằng, cây me mà đổ thì thanh thế của nước Mỹ cũng tàn theo và ông ta sẽ không chấp nhận cả hai chuyện đó.
Tom Polgar là chỉ huy nhóm tình báo CIA. Khác với nhiều người tiền nhiệm, ông ta đặc biệt nắm nhiều thông tin và không che giấu nỗi thất vọng về sự cứng đầu của đại sứ. Khi Thiệu tự giam mình trong boong-ke dưới dinh tổng thống suốt 3 ngày rưỡi, không chịu từ chức hay nghe điện thoại, chính Polgar cùng với Đại sứ Pháp Jean-Marie Merrillon đã thuyết phục Graham Martin can thiệp.
Đối với Martin, sự thất thế của Thiệu giống như cái cây trong đại sứ quán bị đổ: đó là vấn đề của lòng tự tôn và "thể diện", cho cả ông ta và nước Mỹ. Chính phủ Mỹ đã cam kết bản thân với Thiệu và chính thể miền Nam mà họ bảo trợ; Martin thường nói rằng con trai của ông ta đã bỏ mạng để "miền Nam Việt Nam" của Thiệu có thể duy trì "tự do".
Ngày 28/4, quân Giải phóng cắm cờ trên cầu Tân Cảng, cách trung tâm thành phố 3 dặm. Mùa mưa tới sớm và Sài Gòn giờ nằm dưới tầng mây xám xịt; phía sau sân bay sấm chớp đì đùng khi Dương Văn Minh chuẩn bị đối mặt với những gì còn lại của "nước cộng hòa". Ông ta đứng ở cuối hội trường lớn trong dinh Tổng thống lộng lẫy với đèn treo, gấm vàng và nói nhát gừng, như thể đang phát ra một lời nguyện cầu vô vọng.
Minh nói về "những binh lính của chúng ta đang chiến đấu dữ dội", và kêu gọi ngừng bắn, đàm phán như thể một ý nghĩ nảy ra khi đã muộn. Khi Minh kết thúc bài nói, một tràng sấm nuốt mất những lời cuối của ông ta; cuộc chiến đi tới hồi kết một cách đầy kịch tính.
Tôi bước nhanh dọc Tự Do, con lộ chính của thành phố, khi chớp lóe dội về phía khu trung tâm. Nhiều cửa hàng đã đóng từ hôm trước, chủ tiệm sơ tán tới khu giải trí và thể thao ở Dodge City, tại đó họ chi bạo để kiếm một chỗ xếp hàng. Tay thợ may người Ấn ở số 24 Tự Do "Quần áo đẹp của Austin" rầu rĩ đếm những đồng đô-la và chửi rủa chiếc đài của ông ta vì không bắt được sóng BBC tin tức. Tôi quen biết tay này đã lâu và mối quan hệ của chúng tôi luôn là thì thầm và vụng trộm, nhét một tờ giấy bạc xanh và nhận lại một bọc đầy tiền Việt (Lúc đó thứ mà Anh "xuất khẩu" nhiều nhất sang miền Nam Việt Nam là tiền giấy).
Sấm ì ầm khi tay thợ may đếm tiền; anh ta có ít nhất 5.000 USD trong ngăn kéo, doanh thu hôm qua và hôm nay, quyển hộ chiếu Ấn Độ thò ra từ túi áo. Tay thợ may cho rằng Sài Gòn sẽ không thất thủ ít nhất trong vòng 1 tháng - điều đó khiến tay thợ phụ người Việt đang đạp vù vù máy khâu phía sau rèm phải bật cười.
Tiếng sấm có âm thanh mới, khô khốc. Không phải sấm – đó là tiếng đạn. Có vẻ hàng loạt vũ khí đủ loại; vũ khí cầm tay, súng cối, các hệ thống phòng không đã nổ ra khắp thành phố. "Tôi nghĩ chúng ta đang bị đánh bom", tay thợ may nói, dừng tay đếm tiền chỉ để vặn lớn âm lượng chiếc đài đang bắt sóng một chương trình ca nhạc của VOA.
Suốt nửa tiếng sau đó, cửa hàng như thể là mục tiêu. Thế nhưng tay thợ may vẫn yên vị đếm tiền trong khi VOA phát bài "Cherry Pink and Apple Blossom White", tiếng nhạc gần như bị át bởi tiếng đạn. Đó là một bài hát ngớ ngẩn nhưng tôi vẫn hát cùng với tay thợ may và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên nổi ca từ. Ở một góc đằng xa, như một con chim bị thương, một bà già người Việt bám lấy bức tường, vừa khóc vừa cầu nguyện. Trước mặt bà là bó nhang và hộp diêm, nhưng bà không thể quẹt nổi diêm bởi toàn thân đang run rẩy sợ hãi. Sau vài lần thử, tôi châm được lửa, tới lúc đó tôi mới nhận ra nỗi sợ của chính mình.
Những âm thanh ồn ã, kể cả tiếng sấm, ngừng bặt và giờ chỉ còn tiếng của vũ khí cầm tay. Tay thợ may mở cửa chớp, ngó ra ngoài rồi nói, "Được rồi… chạy thôi!"
Sài Gòn giờ đang "sụp đổ" trước mắt chúng tôi: một Sài Gòn do Mỹ tạo ra, vỗ béo và nuôi nấng; sau đó nhận bệnh án giai đoạn cuối; thủ phủ của xã hội tiêu dùng duy nhất trên thế giới mà không hề sản xuất bất cứ thứ gì; trụ sở của lực lượng quân đội được cho là lớn mạnh thứ tư thế giới - Quân đội VNCH - lực lượng mà giờ binh lính đào ngũ ở mức 1.000 người một ngày; và trung tâm của một đế chế - khác với đế chế của người Pháp trước đó - không kỳ vọng gì ở dân chúng, không cao su, không gạo, không của cải, chỉ nhận về "lợi ích chiến lược" của mình và lòng biết ơn nhờ mang tới châu Á Coca Cola và bom napalm.
Lúc 1 giờ sáng, Graham Martin triệu tập một cuộc họp gồm những quan chức hàng đầu của đại sứ quán để thông báo chuyện ông ta trao đổi với Henry Kissinger. Kissinger nói rằng Đại sứ Liên Xô tại Washington Anatoly Dobrynin đã hứa sẽ chuyển lời của ông ta cho Hà Nội, đề nghị một thỏa thuận với chính phủ Dương Văn Minh. Theo lời Martin, Kissinger hy vọng người Nga có thể sắp xếp được chuyện này. Martin nói ông ta muốn công tác sơ tán bằng máy bay cánh cố định được duy trì lâu nhất có thể, có lẽ suốt 24 giờ đồng hồ.
Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong một cuộc họp bàn về tình hình ở Sài Gòn 4/1975. Ảnh: David Hume Kennerly
Chỉ mới hơn 4 giờ sáng, hàng loạt rocket rơi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó là hàng rào pháo hạng nặng. Thời gian chờ đợi đã hết; trận chiến Sài Gòn đã bắt đầu. Vầng dương ló rạng như một chiếc phông đỏ cho những viên đạn vạch đường. Một chiếc trực thăng tấn công nổ tung và từ từ rơi xuống, vẫn còn nhấp nháy đèn. Ở ngoại ô phía Đông có tiếng đạn cối, nghĩa là quân Giải phóng đã tới Sài Gòn và đang di chuyển thẳng về phía đại sứ quán.
Cuộc họp lúc 6h sáng giữa Martin và các quan chức hàng đầu của ông ta là một thảm họa. Tất cả bọn họ, ngoại trừ Martin, đều nhất trí là nên sơ tán ngay lập tức. Martin nói không, ông ta sẽ không "chạy trốn", và tuyên bố trước sự kinh hãi của họ rằng ông ta sẽ lái xe tới Tân Sơn Nhất để tự đánh giá tình hình. Các nhân viên sứ quán ngờ rằng viên chỉ huy cuối cùng của đế chế có lẽ - chỉ là có lẽ thôi - định cháy cùng thành Rome. Khi cuộc họp kết thúc trong sự bối rối, Polgar ra lệnh chặt cây me cổ thụ.
Lúc 7h30 sáng 29/4, Graham Martin rời tư dinh tới Tân Sơn Nhất trong chiếc xe chống đạn Cadillac. Chiếc xe đã phục vụ 2 đời đại sứ tiền nhiệm. Tuổi đời và vẻ ngoài của nó khiến Graham Martin thi thoảng phải bận lòng. Ông ta là một người để tâm tới chuyện "phẩm giá", cả trong hành động lẫn ngoại hình. Năm 1974, Martin đã gửi một thông điệp đầy giận dữ cho Washington về vấn đề xe cộ và được tin là một chiếc Cadillac mới toanh đang được chuyển tới.
Khi Tây Nguyên, Đà Nẵng và Huế thất thủ, chiếc Cadillac đáng lẽ sẽ là xe mới của Graham Martin được chuyển sang Israel, nơi nhu cầu an ninh của Đại sứ Mỹ, chỉ huy khu vực Trung Đông, cấp thiết hơn.
Graham Martin tự ái. Với ông ta, chuyện hủy cấp xe mới là một tín hiệu khác cho thấy Washington đang chuẩn bị chạy khỏi Việt Nam mà không tham vấn với mình. Ông ta gửi thêm nhiều yêu cầu thay xe nhưng tất cả đều bị khước từ.
Chiếc Cadillac, cũng giống như cây me cổ thụ, đã trở thành biểu tượng cho sự tín nhiệm của Martin, cũng như nước Mỹ - thứ mà ông ta coi là thanh thế.
(Còn tiếp)