“Trước giờ Tổng khởi nghĩa”: Cuộc biểu tình đảo chiều “Trước giờ Tổng khởi nghĩa”: Cuộc biểu tình đảo chiều , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
75 năm sau Cách mạng tháng Tám, cuốn sách đầu tiên của cố nhà báo Trần Lâm “Trước giờ Tổng khởi nghĩa” vẫn tươi nguyên khí thế cách mạng...
“Trước giờ tấn công”
Ngày 16/8/1945 Lâm cùng Thịnh, đồng chí trong Tiểu tổ xung phong đến nhà in ở Hàng Cót in truyền đơn hô hào quốc dân chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Công việc không hoàn hoàn bí mật mà bán công khai. Ba tiếng “Tổng khởi nghĩa” thành tiếng nói chung của đồng bào, như một sức mạnh tuyệt đối.
Lâm và Thinh không mang theo tự vệ, không mang theo súng đi thẳng vào nhà in. “Chàng và Thinh đã sùi bọt mép, khi ngọt, khi xẵng với chủ nhà in một tiếng đồng hồ” mà chủ nhà vẫn chưa nghe ra, còn do dự. Lâm tinh quái nghĩ ra một kế “tay đút túi quần, bành ngón tay cái ra cho có vẻ là một khẩu súng ngắn”. Chủ nhà in đành đồng ý, và hôm đó in xong truyền đơn.
Trước cuộc mít tinh chiều 17/8, không khí Hà Nội lạ thường, vừa yên lặng chờ đợi một điều gì đó to lớn lắm sắp diễn ra, vừa bàn luận sôi nổi trong các tụ điểm đông người về lực lượng Việt Minh và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim về hiến binh Nhật có ra tay quyết liệt hay không.
Tác giả thuật lại “Có người nơm nớp đoán có sự gì sắp xảy ra nguy hiểm, nhưng vì tinh thần đã được kích thích nhiều, vì tò mò, cũng có người đi để ủng hộ Việt Minh, không mấy người chịu ở nhà chiều 17/8.
Suốt buổi sáng (17/8) Lâm bận tíu tít, cũng như Thành và các đồng chí trong tiểu tổ. Chị Kính ngồi riêng một góc buồng, trầm ngâm. Ai nhìn thì chỉ mỉm cười. Chị không bồng bột, sung sướng như khi mới được hân hạnh chọn làm diễn giả. Giờ phút nghiêm trọng gần đến làm chị bồn chồn, tuy chị đã quen vào sinh ra tử. Vì vậy chị cố sức làm ra vẻ bình tĩnh. Chị nhẩm đi nhẩm lại bài diễn văn sắp đọc trước máy truyền thanh… Lâm ghé qua nhà anh Ch trao cho bài diễn văn mới chữa lại cho hợp tình thế và dặn dò giờ họp buổi chiều.
… Mọi người thấp thỏm, nóng ruột… song chàng đi mua dây thừng, dây gai để luồn vào mép cờ, buộc vào thành bao lơn trước cửa Nhà hát lớn. Cờ may xong, căng thử ra sàn nhà mới thấy rộng và dài quá chừng, tưởng như phủ được kín một bên Nhà hát lớn… Lâm gói ghém cờ vào một bọc kín, to bằng chiếc vali nhỏ, cất một nơi rồi đi thăm địa điểm”.
“TRƯỚC GIỜ TẤN CÔNG” Lâm đi dò đường. Tác giả dành hai trang sách miêu tả tỉ mỉ con đường đến Nhà hát lớn. Có cái gì đó đánh vào tâm não, lo lắng, nghi ngờ đến cảnh giác pha chút băn khoăn đến bức bách như không khí trước cơn giông. Phải có 3 người mới thả được cờ, nhưng Lâm mới kiếm được 2 phù hiệu bảo vệ. Chàng đi kiểm tra hết các cửa tầng hai, đánh dấu từng địa chỉ cần thiết trên bản đồ, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo sợ bị lộ. Nếu bị lộ thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
“Lâm định chợp mắt, nhưng không sao ngủ được. Chàng bồn chồn nghĩ đến lát nữa… Lâm nghĩ đến người thiếu nữ hiền hậu mà chàng yêu tha thiết. Không biết lúc này nàng có biết là chồng chưa cưới sắp xung phong trong một cuộc biểu tình nguy hiểm không?
Có lúc chàng tưởng tượng một dãy liên thanh miệng đen ngòm chĩa vào cửa Nhà hát lớn. Có lúc chàng rùng mình nghĩ đến một cảnh tượng thảm thương: súng Nhật lia quét đám dân chúng thủ đô đông nghịt ở công trường. Nhưng chàng thấy ngay ý tưởng đó là vô lý hết sức, chỉ do đầu óc hoảng hốt tạo ra. Sự thật nếu có nguy hiểm thì chỉ có những đồng chí của chàng và chàng có lẽ sẽ bị Nhật bắn hay bắt mà thôi. Nghĩ vậy chàng hơi yên tâm”.
Lá quốc kỳ thả từ nóc Nhà hát lớn
Thiêng liêng, xúc động và rắn rỏi nhất là giây phút được lệnh tấn công. Tác giả viết “Giọng Thành sang sảng như tiếng chuông, rắn rỏi như những nhát búa đập xuống đe:
- Đồng chí Lâm treo cờ, hai đồng chí Ba, Thịnh tự vệ. Địa điểm và phương pháp đồng chí Lâm đã rõ, tùy cơ ứng biến. Đồng chí Lâm sẵn sàng chưa?
Thực hiện chủ trương biến cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng quần chúng cách mạng của Mặt trận Việt Minh thật không dễ dàng chút nào.
Giờ khởi sự quan trọng nhất đã đến. Lâm cùng đồng chí trong tiểu tổ Dân chủ Đảng len lỏi vào Nhà hát. Lâm ôm lá cờ lớn gói kỹ, ngoài phủ áo mưa nên không ai để ý.
Theo kế hoạch, sau khi diễn giả nói lời kết thúc thì Lâm tung cờ từ sảnh hai xuống. Lúc này, trước Nhà hát, một bên là đoàn Hướng đạo, một bên là đoàn âm nhạc. Quan sát không thấy sát khí, Lâm cũng hơi yên tâm.
“Bỗng chàng giật mình đánh thót:
- Để kết luận… chúng tôi…
Diễn giả báo trước giờ khởi sự đã đến. Chàng lùi lại, đưa mắt nhìn hai tự vệ. Nhanh như cắt, hai bạn đứng vào thế thủ, Lâm biến vào phòng sau, rồi lùi ra cầm bọc cờ. Diễn giả vẫn chưa dứt. Lâm lại phải giấu tạm bọc cờ vào bức tường phía trong. Rồi tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Diễn giả vừa ngừng. Lâm vội lôi nhanh lá cở ra. Mười người đứng trong bao lơn nhìn thấy. Ba rút súng dọa : “Im”. Giọng đanh thép, mắt sáng quắc, môi mím chặt:
- Không ai động đậy.
Diễn giả ngừng. Tiếng reo hò vẫn nổi dậy cuồn cuộn như nước tràn qua đê vỡ xen lẫn tiếng vỗ tay. Tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh” từ trong rừng người phát ra ầm ầm. Tất cả hơn mười vạn đôi mắt đều dán chặt vào lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn vừa tung ra, từ bao lơn Nhà hát lớn che kín một khoảng cửa trung tâm. Màu đỏ chói sao vàng tươi thắm làm ngay ngất lòng người thủ đô”.
Lâm nhớ mãi ba phút im lặng gần như đứng tim. “Nghe Ch. nói không người nào không bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của chàng, lòng hăng hái lộ ra tiếng nói. Lâm chăm chú nghe như bất cứ một thính giả nào khác. Bỗng tiếng nói im bặt, rồi tiếng lục bục, rồi từ rừng người ồn ào, hỗn độn đưa lên. Lâm chột dạ “biến cố gì chăng?”. Lâm vẫn nghe tiếng Ch. Thét thất thanh “Im, im”. Vô hiệu quả. Tiếng Ch. không vào máy nữa. Linh tính báo cho biết có chuyện không hay xảy đến. Lâm lùi lại sau. Ba và anh bạn tự vệ vẫn lăm lăm hai khẩu súng trong tay. Một cái đưa mắt hiểu nhau, ba chàng lui vào phòng kính, xuống thang gác… Thoáng nhìn, Lâm hiểu ngay tình thế. Vì Ch. vừa nói vừa làm nhiều điệu bộ, dậm chân khoa tay mạnh quá chạm phải máy truyền thanh, nên máy hỏng. Mấy anh chuyên môn đang loay hoay chữa. Ba bốn nòng súng đen ngòm chĩa vào ngang đầu… Ba phút sao mà dài thế…”. Lâm thở hắt như trút gánh nặng trên vai khi tiếng nói phát ra từ hai ống phóng thanh:
“Đồng bào Việt Nam!
Trong tình thế nghiêm trọng, chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn bất lực, lại yêu cầu yên lặng chờ đợi lệnh của những viên thủ lĩnh lừng khừng, nhu nhược.”
Hơn mười vạn đôi mắt dán chặt vào diễn giả, như nuốt từng lời. Ch. nói như thét: Giờ này, đồng bào hãy cùng chúng tôi hô to “Việt Nam độc lập”, “Việt Minh vạn tuế”. Tiếng hô “Độc lập”, “Vạn tuế”, “Ủng hộ Việt Minh” vang trời.
Diễn giả Ch. đi xuống thì lập tức chị Kính mạnh mẽ bước lên trong tiếng vỗ tay không ngớt. Chị nói rành rẽ: “Hỡi các chị em Việt Nam. Mọi nỗi thắc mắc về tình thế nước nhà chị em đã vừa nghe anh bạn giải thích; nguy khó vẫn nhiều, nhưng biết cương quyết chiến đấu thì sự toàn thắng sẽ về phần ta, Tổ quốc của ta sẽ mở mặt với toàn cầu. Cách mạng Việt Nam thành công. Phụ nữ Việt Nam giải phóng!”.
Nhiều chị, nhiều anh nữa lên diễn đàn.
“Một thanh niên nhảy lên bục diễn đàn giới thiệu bài TIẾN QUÂN CA kể qua lịch sử oai hùng của nó và chính tác giả cao giọng ca vang "Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới…". Lần đầu tiên TIẾN QUÂN CA chính thức ra mắt quốc dân. Rồi bài Diệt phát xít, Chiến sỹ Việt Nam lần lượt được tung ra làm vang một góc thủ đô.
Sau đó một đại biểu công chức đứng trước máy lúng túng xin lỗi thính giả và khán giả không theo đúng được chương trình, vì xảy ra “những việc bất ngờ”. Mấy bài diễn văn của các giới bị gác lại. Vị đại biểu công chức yêu cầu giải tán thì bỗng một chiến sỹ cách mạng hô anh em giữa nguyên hàng ngũ đi biểu tình, tuần hành. Tất cả mọi người hưởng ứng. Rừng người từ từ chuyển động. Từ hai ống loa vẫn tung ra những bản hùng ca. Cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, các đoàn thể với biểu ngữ theo sau, thứ tự đi qua các phố. Lâm chạy ra đón đầu đoàn biểu tình ở một góc phố rồi nhanh chóng leo lên vài ba bậc cột điện, một tay bám chặt, một tay bắc loa vào miệng hô: “Ủng hộ” thật to, tức thì tiếng đáp lại “Việt Minh” Mỗi đoàn thể đi qua trước mặt Lâm đều hô ba lần như thế. Đến vườn hoa Hàng Đậu, trời đổ mưa to, nhưng đoàn người vẫn đông thêm, vẫn rầm rập đi trong mưa…”.
Đối chiếu nhiều sách, báo nói về cuộc biểu tình có một không hai chiều 17/8/1945 với "TRƯỚC GIỜ TỔNG KHỞI NGHĨA" mới thấy nhà báo lão thành Trần Lâm viết thật, nói thật, rất sống động. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định không có cuộc biểu tình đảo chiều ngày 17/8 thì không có sự kiện lịch sử ngày 19/8/1945.
Trần Quảng Vận - Trần Lâm là một nhân vật trong sự kiện và cũng là người góp phần nhỏ bé của mình làm nên sự kiện lịch sử của Dân tộc. Một cuốn bút ký nóng hổi đi cùng sự kiện lớn lao như thể tác giả không thể quên. Tôi đọc gần hết những tác phẩm của Trần Lâm, đối chiếu với tác phẩm này ngộ ra một điều giản dị, chỉ có "TRƯỚC GIỜ TỔNG KHỞI NGHĨA", chiến sĩ Đảng Dân chủ trí thức trong đội quân xung phong thành Hoàng Diệu mới nói về tâm trạng cá nhân trước việc lớn, mới nói đến tình yêu tha thiết với người mình yêu say đắm, mới trải lòng chân thành với bạn hữu nhiều đến thế.