(HNHN)Hà Nội là nơi có mật độ di tích, di sản văn hóa dày đặc và quý giá nhất cả nước. Quý giá, thân thuộc và có tính biểu trưng cao nhất chính là Hồ Gươm.
Hồ Gươm với mầu nước xanh biếc bốn mùa, với các huyền thoại, với các cụm di tích như Tháp Rùa, Ðền Ngọc Sơn, Ðài Nghiên, Tháp Bút, Tháp Hòa Phong, với những hàng cây, đường phố đẹp nhất Thủ đô, từng được ví là lẵng hoa giữa lòng thành phố, là con mắt, là tấm gương phản chiếu tâm hồn người Hà Nội...
Hồ Gươm xưa từng có tên là Tả Vọng, Lục Thủy. Ngày Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, thấy có hòn đảo hình tròn nổi giữa lòng hồ, đặt tên là núi Ngọc Tượng. Thời Trần gọi là Ngọc Sơn, chính là chỗ Ðền Ngọc Sơn hiện nay.
Chắc hẳn không người Việt Nam nào lại không biết ít nhiều về sự tích Hồ Hoàn Kiếm với câu chuyện Lê Lợi được trời đất trao gươm báu để đánh quân Minh. Ðến ngày chiến thắng, gươm báu được rùa thần đòi lại, cất giữ sâu trong lòng hồ. Ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này chính là, trong lòng đất nước ta luôn có một thanh gươm thần diệt giặc, không có kẻ thù nào xâm phạm bờ cõi, xâm lược nước ta lại không bị đánh bại bởi thanh gươm báu đó. Thanh gươm báu này chính là lòng yêu nước, là tinh thần đoàn kết, là tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tổng kết. Sự thật ấy đã được chứng minh qua nhiều thời kỳ lịch sử, đã được khẳng định ngay từ mười thế kỷ trước bởi Lý Thường Kiệt và tinh thần Ðại Việt:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Ghi lại sự tích này, khẳng định chân lý này, một câu đối ở Ðền Ngọc Sơn ghi rõ:
Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ
(Bảo kiếm ngàn vàng tàng thu thủy
Lòng trung một khối tại ngọc hồ)
Bên thanh kiếm báu, Hồ Gươm còn một ngọn bút viết thơ lên trời xanh, biểu tượng của một dân tộc văn hiến và yêu chuộng hòa bình.
Tháp Bút này được xây dựng bởi một người Hà Nội, một sĩ phu Bắc Hà, Phương Ðình Nguyễn Văn Siêu (1795- 1872). Vốn trên đảo núi Ngọc Sơn có một ngôi chùa cổ, vào năm Tự Ðức thứ 18 (1865) cụ Nguyễn Văn Siêu chủ trì tu sửa, tôn tạo lại to đẹp, đàng hoàng hơn. Lại cho dựng Ðài Nghiên (nghiên mực), Tháp Bút và bắc cầu Thê Húc (cầu đậu ánh nắng mai) như một cầu vồng dẫn vào đền. Thật là một cảnh đẹp vô song như đôi câu đối miêu tả:
Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn;
Lâu đương minh nguyệt tọa hồ tâm
(Cầu dẫn ánh hồng bờ đảo ngọc
Lầu soi trăng sáng giữa hồ trong)
Cũng như các đền chùa khác ở Việt Nam, Ðền Ngọc Sơn cũng có tính chất "hợp tự" là thờ thần, Phật, thờ các vị anh hùng dân tộc, mà tiêu biểu là Trần Hưng Ðạo. Trong đền có câu đối Nôm:
Vũ lược luyện hùng binh, Lục thủy nghìn thu ghi sử Việt
Văn tài mưu thượng tướng, Bạch Ðằng một trận phá quân Nguyên
Hồ Gươm là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất và lòng người. Ngày Tết và những dịp lễ trọng của Hà Nội, của đất nước, nhân dân bốn phương đều về Hồ Gươm để chào đón năm mới, tham gia các sự kiện lịch sử. Du khách nước ngoài đến Việt Nam, không ai không đến Hồ Gươm. Các thi nhân nhiều người có thơ về Hồ Gươm.
Có người từng nói: Ai được sống, làm việc ở đây, được ngày ngày nhìn thấy Hồ Gươm, đó là người hạnh phúc. Quả vậy. Khi lòng ta lo buồn, đến trước hồ xanh được bình tâm trở lại. Hồ xanh liễu biếc luôn khơi gợi lòng yêu đời, yêu người. Hồ Gươm, một tờ thơ mở, một trang sử thâm nghiêm. Nếu Thăng Long- Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm thì Hồ Gươm chính là nơi lắng hồn của Thăng Long - Hà Nội.
Hồ Gươm thiêng liêng. Hồ Gươm là nơi mỗi lòng dân Việt trân trọng, giữ gìn...
Nguồn: website báo Nhân dân
|