Thực ra, những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội đã có hơn 100 con phố sầm uất, đến nay có lẽ có cả ngàn chứ không chỉ là 36. Còn nếu xem phường như một đơn vị hành chính cơ sở thì chỉ có Hà Nội thời kinh thành Thăng Long triều Lê (thế kỷ XV) mới gồm 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận (mỗi huyện có 18 phường) có tổng cộng 36 phường.
Đến thời Minh Mạng triều Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XIX), tỉnh Hà Nội có đến 239 phường, thôn, trại. Hà Nội thời vua Tự Đức (nửa cuối thế kỷ XIX) được sáp nhập thành 153 phường, thôn, trại. Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho chỉnh trang lại khu phố cổ Hà Nội với hơn trăm con phố.
Thế nhưng, cách gọi ước lệ 36 phố phường với những cái tên mộc mạc như Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối… đại diện cho những ngành nghề của người Hà Nội sinh sống ở đây, những mặt hàng được buôn bán nơi đây vẫn cứ đi vào lòng người Việt như là một hình ảnh đại diện cho Hà Nội xưa rêu phong và cổ kính.
Dân trí xin giới thiệu hình ảnh 36 phố phường mộc mạc ấy của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX trích từ tập ảnh “Hà Nội xưa” do tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng chủ biên.
Phố Sinh Từ chuyên kinh doanh dao kéo từ cuối thế kỷ XIX, nay là phố Nguyễn Khuyến.
Phố Hàng Điếu, xưa chuyên bán các loại điếu hút thuốc lào.
Nhưng đến đầu thế kỷ XX chỉ còn lại vài ba nhà bán điếu, còn lại chuyển sang nghề làm và bán giày dép da.
Phố Hàng Mắm, xưa chỉ là một khu bến sông có nhiều nhà bán các loại mắm.
Đến thời Pháp thuộc mới quy hoạch thành phố, gọi là phố Nước Mắm. Tên Hàng Mắm mới có chính thức từ sau năm 1945.
Phố Hàng Đường đã có từ lâu, chuyên bán các loại đường, mứt; đến đầu thế kỷ XX thì có thêm bánh kẹo.
Phố Hàng Bạc nhìn từ phố Hàng Ngang.
Phố Hàng Đào chuyên bán tơ lụa.
Phố Hàng Bè, xưa là khu bán bè, gần cửa ô Mỹ Lộc, giáp sông Hồng.
Đến thời Pháp thuộc mới lập thành phố và gọi là phố Hàng Bè.
Phố Hàng Bông cũng là một con phố có tên từ thời Pháp thuộc.
Phố Hàng Ngang. Thế kỷ 19, phố này mang tên phố Việt Đông vì tập trung nhiều Hoa kiều người Quảng Đông.
Hai đầu phố có hai cánh cổng ngăn con phố lại, có lẽ vì vậy mà gọi là Hàng Ngang và sau này thành tên phố.
Phố Hàng Gà. Xưa tên phố này thay đổi nhiều lần nhưng người dân vẫn quen gọi là Hàng Gà vì chuyên bán gà, vịt.
Mãi đến năm 1945 mới chính thức có tên Hàng Gà.
Phố Hàng Đồng chuyên bán các vật dụng làm bằng đồng. Đây là phố cổ hiếm hoi còn giữ lại nét đặc trưng này.
Phố Hàng Mã là con phố mà người làng Tân Khai xưa đến mở cửa hàng bán giấy và hàng mã nhỏ.
Hàng bán ô dù ở phố Hàng Vải.
Phố Hàng Than xưa chuyên buôn bán các loại than nhưng đến thế kỷ XX lại nổi tiếng bởi các cửa hàng bán cốm.