QĐND - Đầu tháng 4-1975, sau gần một tháng Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng 16 tỉnh và 5 thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự thuộc miền Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng giải phóng được mở rộng, âm mưu co cụm chiến lược của địch ở các tỉnh duyên hải miền Trung bị phá sản.
Trước thời cơ hết sức thuận lợi, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt. Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của ta đã áp đảo mạnh quân địch. Quân đội Sài Gòn đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ đã bất lực, dù có can thiệp cũng không thể cứu vãn nổi đội quân tay sai. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”.
|
Quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975. Ảnh tư liệu. |
Đó là một phương châm chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xét toàn bộ cuộc chiến tranh, trên cơ sở đánh lâu dài, đánh địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, Đảng ta đã sáng tạo và nắm vững thời cơ, tranh thủ thời gian giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đảng ta, các tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch luôn theo sát tình hình, giải quyết tài tình vấn đề chỉ đạo chiến lược, chọn đúng phương hướng tiến công, xác định đúng hình thức tác chiến và cách đánh linh hoạt, phát hiện thời cơ sau mỗi chiến dịch, để đôn đốc thực hiện việc tổ chức chiến đấu, giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để. Khi thời cơ xuất hiện thì yêu cầu thần tốc trở thành một nội dung quan trọng mang tính cấp thiết trong phương châm chỉ đạo chiến lược, cũng như trong hành động quân sự của các lực lượng vũ trang.
Thần tốc và táo bạo luôn gây cho địch những bất ngờ lớn, đồng thời đánh bất ngờ thường đem lại thắng lợi mau lẹ. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, dân tộc ta thường phải chiến đấu với những kẻ thù xâm lược mạnh hơn, đông quân và tàn bạo thì việc vận dụng lối đánh bất ngờ là hết sức cần thiết.
Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, điều kiện tương quan lực lượng đã khác trước. Thế và lực quân ta vượt hẳn quân địch. Tập đoàn phòng ngự lớn bảo vệ Sài Gòn - Gia Định cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long của địch, tuy số lượng còn đông, nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã sút kém hẳn, đặc biệt tinh thần thất bại lan rộng ra cả binh lính và sĩ quan. Bộ chỉ huy đầu sỏ của địch dao động đến cực độ, mất lòng tin vào khả năng chống giữ của binh sĩ và thất vọng vì bị Mỹ “bỏ rơi”. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, thuận lợi đến đâu, thì bất ngờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi trong chiến tranh. Đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột là một bất ngờ lớn đối với địch dẫn tới sự tan rã dây chuyền nhanh chóng của chúng. Đòn thần tốc đánh chiếm căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta để ta đẩy mạnh cuộc Tổng tiến công chiến lược, tập trung lực lượng áp đảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một bất ngờ nữa mà địch tuy đã lường định, nhưng vẫn không phán đoán được. Chúng không thể ngờ rằng, ta đã sử dụng 5 quân đoàn và các đơn vị binh chủng kỹ thuật tiến theo 5 hướng khác nhau, trong đó có những mũi thọc sâu bằng các binh đoàn cơ giới. Chúng không ngờ ta đã huy động hơn 400 xe tăng, xe bọc thép làm lực lượng đột kích, cùng gần 500 khẩu pháo lớn và hơn nửa triệu tấn vật chất kỹ thuật tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Phương châm tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng không chỉ là bài học sâu sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định, mà còn chứng tỏ tài năng quân sự độc đáo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, của các Bộ tư lệnh chiến dịch và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại tá Trần Tiến Hoạt
|