QĐND Online - Về Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến chiếc giếng cạn huyền thoại, còn gọi là giếng Nhà Nhì, nơi xảy ra trận đánh nổi tiếng của dũng sĩ Điện Ngọc 50 năm trước. Câu chuyện của đội trưởng Lê Tấn Viễn (tức Hiền), AHLLVTND khi ông còn sống hiện lên như mới hôm qua.
|
Giếng Nhà Nhì ở Điện Ngọc. |
Năm 1962, ngụy quyền ra sức đàn áp nhân dân, Đại đội đặc công Quảng Nam-Đà Nẵng được giao nhiệm vụ tổ chức một trung đội thọc sâu về vùng cát Điện Nam- Điện Ngọc phá thế kìm kẹp của địch. Đội có 7 người, trong đó Hiền là đội trưởng, Võ Như Hưng là đội phó và các đội viên gồm Đặng Thật, Nguyễn Riu, Nguyễn Sỹ, Trần Thọ, Trần Đại Nghĩa cùng 3 cán bộ của huyện Điện Bàn là Thường vụ Huyện ủy Võ Tiến (tức Thụ), Lê Tựu và Đặng Bảo Chí. Đêm 25-4-1962, đơn vị vượt sông Tứ Câu về Điện Ngọc nhưng cơ sở đã bị lộ. Địch tập trung lực lượng lớn gồm một đại đội biệt kích từ Non Nước vào, tổng đoàn, công an dân vệ cùng một đại đội biệt kích ở Hội An kéo lên. Tính ra lúc này có khoảng 2000 tên với đầy đủ vũ khí đạn dược. Trước lực lượng địch quá đông đảo, toàn đội đã triển khai chiến đấu và đánh lùi 5 đợt xung phong của địch. Lúc này đồng chí Sỹ và Thọ đã hy sinh. Những người còn lại rút lui về cố thủ trong lòng một giếng cạn có đường kính khoảng 3m, chung quanh là những bụi dứa cao quá đầu người, rậm rạp. Với súng tuyn, tôm-xông và khoảng 40 kg thuốc nổ TNT, đội đã cầm cự đánh lui cả 6 đợt tiến công của địch bao vây từ các phía, khiến chúng không thể nào vào sâu bên trong. Hết đạn, các anh dùng lựu đạn của kẻ thù ném lại chúng, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên. Cuộc chiến đấu không cân sức bên giếng cạn đã diễn ra suốt 4 tiếng đồng hồ cho đến khi trời tối không thấy được vị trí lựu đạn rơi. Đồng chí Nghĩa, Tựu hy sinh tại chỗ, Hưng Thụ, Hiền, Rìu đều bị thương nặng, lúc này các anh mới bí mật dìu nhau thoát khỏi vòng vây của địch. Trong chiến tranh, tình đồng chí thuỷ chung càng thêm ngời sáng. Dẫu cả thân mình đầy vết đạn, nhưng đội phó Võ Như Hưng (sau này là AHLLVTND) vẫn lấy hết sức lực dìu Nguyễn Rìu vượt qua vòng vây, bó chõng tre làm bè đẩy bạn qua sông, nhiều lần bè trôi dạt vẫn cố bám cho đến khi vào được bờ an toàn.
Ông Nguyễn Thông, thôn Ngân Giang, năm nay 75 tuổi, chủ nhân của chiếc giếng cạn bồi hồi kể về trận đánh năm ấy: “Nhà tôi chỉ cách giếng 100m nên thấy rõ lắm. Cả ngàn tên lính mà phải thua 7 dũng sĩ. Tức tối, chúng đem xác các đồng chí hy sinh phơi nắng trên đường cái. Hàng chục năm nay, cứ đến ngày xảy ra trận đánh gia đình tôi đều thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Sau trận giếng cạn, địch hoang mang dao động, nhân dân thêm tin tưởng động viên con em thoát ly tham gia cách mạng, góp phần giải phóng quê hương”.
Chiến công to lớn của đội công tác đã được Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Trung Trung Bộ phong tặng danh hiệu Bảy dũng sĩ Điện Ngọc và tặng Huân chương giải phóng hạng Nhất. Chiếc giếng cạn đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử. Năm 1991, chính quyền xã đã xây bia chiến công bên giếng này. Hàng năm vào ngày 26-4 và tết Nguyên đán giếng lại được tu sửa, quét vôi, làm nơi giáo dục truyền thống của địa phương. Cựu chiến binh Nguyễn Rìu, người duy nhất còn sống hiện ở số nhà 61 phố Hà Huy Giáp (TP Đà Nẵng) khi còn khoẻ vẫn về nói chuyện với các thế hệ trẻ địa phương.
Tượng đài chiến thắng Điện Ngọc được xây dựng năm 2007 càng làm rạng rỡ thêm vùng đất lịch sử. Kỷ niệm 50 năm trận đánh bên giếng cạn, UBND huyện Điện Bàn có kế hoạch tổ chức lễ trang trọng vào tối 25-4 với hàng trăm đại biểu từ khắp nơi về dự. Các đoàn thể quần chúng của huyện cũng về đây cắm trại, giao lưu. Trong tâm tưởng của các thế hệ Điện Bàn, chiến thắng bên giếng cạn vẫn mãi là khúc tráng ca bất diệt.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN
|