Giữa không khí sôi động hòa nhập vào thị trường văn minh hiện đại của cuộc sống no đủ thì Hà Nội vẫn còn một con phố gần như vẫn mang bóng dáng "phố nghề" giống thuở nào. Đó là phố Hàng Thiếc - một con phố nhỏ hình thành từ thời nhà Lê thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiên Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phố Hàng Thiếc bắt đầu từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Nón dài vẻn vẹn 136m. Dân trong phố là những người làng Đan Hội (Đan Phượng, Khương Trung, Khương Hạ (Thanh Xuân), Nguyên Bì (Thường Tín), Phú Thứ, Canh Diễn (Từ Liêm) đến đây lập nghiệp bằng nghề đúc thiếc. Sản phẩm của họ là những cây đèn thắp bằng dầu lạc, cây nến, lư hương, khay đựng chén, bình đựng chè, chóp nón ... được đúc bằng thiếc thật gọn gàng, xinh xắn, chắc chắn không bị vỡ khi va đập, đánh rơi như những đồ sứ.
Phố Hàng Thiếc xưa
|
Con phố nhỏ mang tên nghề thủ công: Phố Hàng Thiếc bắt đầu từ đó. Ông tổ của phố nghề này là người họ Đỗ quê Đan Hội (Đan Phượng) - ông từng sang Trung Quốc học nghề đúc thiếc. Về nước ông tiếp tục làm nghề và dạy dân trong phố. Nhớ ơn ông người dân Yên Nội lập đình thờ ông ở số nhà 2 phố Hàng Nón tên gọi: Đình Đông Thổ (đất ở phía Đông của làng) Hàng Nón và Hàng Thiếc trước kia cùng một làng Yên Nội.
Khoảng những năm 40 của thế kỷ XX dầu hỏa bắt đầu được người Pháp nhập vào Việt Nam, những chiếc thùng sắt tây sau khi dùng hết dầu hỏa, người thợ phố Hàng Thiếc bằng sự khéo léo nhạy bén, tinh xảo đã biến những chiếc thùng sắt tây "phế thải" thành những chiếc đèn dầu thắp sáng bằng sợi bấc nhúng trong dầu hỏa, có bóng đèn bằng thủy tinh che gió. Họ đúc những thỏi thiếc dài như chiếc đũa dùng mỏ hàn đồng nung trong lò than dí vào thỏi thiếc làm nóng chảy để hàn nên những chỗ ghép của sắt. Sản phẩm thêm chắc bền không bị rò gỉ nước. Rồi trước những nhu cầu của cuộc sống hàng ngày phố Hàng Thiếc cho ra đời hàng loạt những đồ gia dụng thiết yếu: chậu giặt, thùng đựng nước, xô, thùng gánh nước, gầu múc nước, ống máng thoát nước mưa, hộp đựng tiền xinh xinh, thùng đựng quần áo....
Khi thị trường xuất hiện những tấm tôn, tấm kẽm bền và lâu gỉ hơn sắt tây, người phố Hàng Thiếc nhanh chóng đón nhận và chuyển thành những sản phẩm của "phố nghề" thêm bền đẹp, chắc chắn. Con phố nhỏ cần cù, chăm chỉ, thông minh sáng tạo ấy trở thành địa điểm tin cậy của dân Hà thành và nhiều tỉnh trong cả nước. Mặt hàng làm không kịp đáp ứng đơn đặt hàng của thị trường. Vì vậy phố Hàng Thiếc suốt ngày âm vang tiếng búa gò tôn, đập thùng, căng sắt, máy cắt tôn xoèn xoẹt, tiếng quạt thổi lò than phù phù. Một không khí làm việc khẩn trương, rộn ràng, nhộn nhịp suốt dọc con phố. Niềm vui trong lao động, niềm vui xây đắp cuộc đời no đủ, dư dật trở thành niềm tự hào của người thợ phố Hàng Thiếc.
Những mảnh nguyên liệu nho nhỏ thừa ra, người thợ phố Hàng Thiếc với tay nghề tinh xảo cùng với sự sáng tạo đầy chất lãng mạn đã biến chúng thành những chú thỏ ngồi đánh trống thật sinh động. Những con bướm sắc mầu sặc sỡ biết vỗ cánh bay bay. Những chiếc đèn quả đào hồng tươi ẩn chứa cô tiên dịu dàng, xinh xắn, cùng những chiếc tàu bay, xe lửa, ô tô. Chiếc tàu thủy có thể chạy vòng quanh chậu nước bằng sức nóng của một ít dầu hỏa.
|
Cuộc sống ngày càng phát triển, đồ nhựa xuất hiện với sức bành trướng thật dữ dội khiến thị phần phố Hàng Thiếc bị co hẹp, những thùng gánh nước, thùng chứa nước, xô, chậu, đồ chơi trẻ em cùng nhiều mặt hàng truyền thống của Hàng Thiếc bị sức cạnh tranh mạnh mẽ của nền công nghiệp hiện đại lấn át. Những người thợ phố Hàng Thiếc không chịu khoanh tay ngồi nhìn sự phá sản của "phố nghề". Họ lao vào tìm kiếm thị trường mới, tiếp cận trực tiếp với khách hàng tạo những sản phẩm thích hợp với điều kiện, yêu cầu của "thượng đế". Những bồn chứa nước, những cửa cuốn, những ống hút khói, khử mùi, những thiết bị nhà bếp... được ra đời và luôn thay đổi mẫu mã phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.
(Theo Nguoihanoi)