Cách mạng Tháng Tám thành công là công sức to lớn của các giai tầng trong xã hội được Đảng ta tích cực chuẩn bị về tư tưởng và tinh thần từ nhiều năm, trong đó có sự góp sức tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi cả về sức người, sức của cũng như sự chuẩn bị về căn cứ địa, điểm tựa để Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.
Lịch sử mãi ghi nhận những đóng góp lớn lao ấy.
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến bù nhìn tay sai, trước khi chưa có Đảng lãnh đạo, phong trào yêu nước đứng lên đấu tranh đòi độc lập dân tộc của nhân dân ta ở thành thị, nông thôn, miền xuôi, miền ngược... tuy có tiếng vang, nhưng cuối cùng cơ bản thất bại.
Từ khi Đảng Cộng sản thành lập, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đi theo Đảng, trở thành những “hạt giống đỏ” để tập hợp tinh thần đoàn kết yêu nước, thổi bùng ngọn lửa cách mạng, đứng lên giành độc lập tự do, mà tiêu biểu là hai đồng chí: Hoàng Đình Dong và Hoàng Văn Thụ.
Năm 1927, hai đồng chí đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong vùng ra đời tại Lạng Sơn vào năm 1929, với 3 đảng viên người dân tộc thiểu số là Hoàng Đình Dong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Như, sau đó phát triển thêm nhiều đảng viên người địa phương.
Năm 1930, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Cao Bằng.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời |
Các tổ chức đảng và đảng viên đã tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, các chủ trương của Đảng ở vùng Đông Bắc.
Công tác tuyên truyền thời kỳ này gắn chặt với phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nên những cuộc tuyên truyền giác ngộ vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy tác dụng, hiệu quả to lớn trong vùng dân tộc thiểu số.
Nhiều gia đình, bản làng ở các vùng dân tộc thiểu số đã trở thành cơ sở cách mạng tin cậy.
Nhiều người dân bình thường trên miền rừng núi, đã bất chấp hiểm nguy, thậm chí hy sinh thân mình để che chở, giúp đỡ cán bộ cách mạng.
Tiêu biểu như anh Lò Văn Giá, người dân tộc Thái ở xã Chiềng An (thị xã Sơn La) đã dũng cảm đưa đường cho một số cán bộ cao cấp của Đảng vượt ngục Sơn La về xuôi an toàn vào năm 1943; khi quay trở về bị sa vào tay giặc, anh đã kiên gan chịu đòn thù tra tấn dã man và bị chúng thủ tiêu.
Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Người Tà-ôi và Bru-Vân Kiều cũng giúp nhiều chiến sĩ cách mạng vượt ngục từ nhà tù Lao Bảo, tránh được những sự truy lùng của địch.
Khắp nơi trong các vùng dân tộc thiểu số đều có những người đối với Đảng, đối với cách mạng một cách nhiệt thành và cao quý như thế.
Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo (ngày 22/12/1944). Ảnh tư liệu. |
Ngày 27/9/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã nổi dậy, xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập đội du kích hơn 200 người.
Các đội Cứu quốc quân vũ trang được thành lập và chính quyền cách mạng ở cơ sở ra đời đã tạo chỗ dựa chính trị vững chắc cho khu du kích Bắc Sơn - Võ Nhai hình thành và phát triển.
Lo sợ trước làn sóng cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số mà khởi đầu là khởi nghĩa Bắc Sơn, giặc Pháp đã phải huy động 4.000 quân, tiến hành khủng bố trắng, nhưng hoạt động du kích vùng chiến khu vẫn được giữ vững.
Các chiến khu Ngọc Trạo, Đông Triều - Quảng Ninh đã hình thành thế liên hoàn của du kích Bắc Sơn, trở thành những căn cứ lớn của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Có thể nói, khởi nghĩa Bắc Sơn và việc ra đời đội vũ trang cách mạng, khu du kích căn cứ cách mạng trong vùng dân tộc thiểu số Đông Bắc là sự thể hiện tấm lòng kiên trung một lòng theo Đảng, theo cách mạng, quyết tâm đánh đổ bọn thực dân, phát xít xâm lược và bọn phong kiến tay sai của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Về sau, du kích Bắc Sơn mà nòng cốt là con, em đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khác nhau đã phát triển thành Cứu quốc quân, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày thành lập thì phần đa là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến “điểm tựa” của cách mạng
Những cơ sở và căn cứ địa cách mạng ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám cũng như trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc sau này.
Trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, hàng loạt căn cứ cách mạng ở Thanh Hóa, Quảng Ninh, Tây Bắc, Việt Bắc, vùng người Chăm ở cực nam Trung Bộ... đã được hình thành.
Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các địa phương trong cả nước |
Song quan trọng và rộng lớn nhất là căn cứ địa Việt Bắc - quê hương của nhiều dân tộc thiểu số: Tày, Nùng. Dao, Mông, Sán Dìu, Lô Lô...
Nơi đây vừa là cái nôi của Lực lượng vũ trang cách mạng, vừa là thủ đô của cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ngay từ sau khởi nghĩa Bắc Sơn, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai đã hình thành.
Sau khi Bác Hồ về nước ở và làm việc tại hang Pác Bó (tháng 2/1941), Người đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cả ở Cao Bằng.
Theo đà tiến triển của phong trào, hai căn cứ địa này ngày càng được mở rộng, hình thành nên khu giải phóng bao gồm 1 triệu người, trên địa bàn 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và một phần các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái, Vĩnh Yên.
Có được các căn cứ địa trên, một phần quan trọng là nhờ ở đồng bào địa phương đã hết lòng vì cách mạng.
Nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng đã hy sinh sức người, sức của trong việc tham gia cách mạng, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ.
Rất nhiều đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông... không quản gian nguy, không tiếc của cải, thậm chí vượt qua cả sự ngăn trở của tập tục dân tộc để giúp Việt Minh.
Cũng nhờ sự chuẩn bị tích cực về lực lượng và căn cứ, nên ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở khu rừng Trần Hưng Đạo.
Trong 34 chiến sĩ đầu tiên, có 29 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Đó là những chiến sĩ ưu tú góp phần xây dựng nên lực lượng vũ trang hùng mạnh của quân đội ta sau này.
Cũng tại khu căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội thành lập Chính phủ lâm thời ra lệnh tổng khởi nghĩa.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã giành được thắng lợi vang dội, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể khẳng định, phong trào yêu nước và hoạt động cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng để Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Như vậy, Cách mạng Tháng Tám thành công có ý nghĩa to lớn, phá tan xích xiềng nô lệ thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên bình đẳng dân tộc, hướng đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ và từng bước làm chủ đất nước.