PGS Nguyễn Thạch Giang (giữa) đến thăm nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng (7/1/1992)
|
PGS Nguyễn Thạch Giang đã được nhiều lần tiếp kiến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để trao đổi trình bày với cố Thủ tướng về Kinh dịch, Văn học Hán Nôm, Từ ngữ văn Nôm, tiếng Việt trong Thư tịch cổ Việt Nam… Ông đã viết trên 70 đầu sách, riêng Truyện Kiều và chú giải đã tái bản 33 lần với tổng cộng 200.000 cuốn. Truyện Kiều do ông biên soạn và chú giải đã được lưu trữ tại Thư viện Hạ Nghị viện Hoa Kỳ.
Bình luận về 4 tập “Lời quê chắp nhặt” của Nguyễn Thạch Giang, GS Nguyễn Kim Đính – nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp viết: “Chữ tiếp chữ, dòng tiếp dòng, trang tiếp trang… tâm trí tôi bị cuốn hút vào dòng “nghiên tinh đàn tứ” của anh vừa nghiêm cẩn, thận trọng, vừa chứa chan cảm xúc đối với lời ăn tiếng nói của ông cha, đối với những tác gia, tác phẩm kinh điển của nền văn chương dân tộc”.
PGS Nguyễn Thạch Giang đã từng trao đổi về Phật học, về quan hệ giữa Phật học với Nho giáo cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Thích Thanh Từ, Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt. Họ đều tâm đắc với những lập luận của PGS Thạch Giang.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã viết về ông như sau: “Ông và tôi luôn quyến luyến và trao đổi mãi cũng dường như chỉ mới ở khúc dạo đầu của nhiều ý tưởng, những nét khám phá trong tư duy của ông”.
Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu đã viết: Bát ngát tâm tình mây ngự thạch/Dạt dào thi tứ nước Hương giang.
Nhà giáo Nguyễn Thạch Giang đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 14/3 ở tuổi 90, thế là đời mất một tấm gương lao động miệt mài, cần cù trong nghiên cứu học tập và giảng dạy. Chúng ta mất một người bạn tốt, tuy đã ngoài 65 tuổi Đảng mà trong mọi quan hệ, cách xử thế của ông luôn in đậm nét nhân văn. Xin thương tiếc vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Thạch Giang, mong hương linh ông tiêu diêu nơi Phật cảnh.
PGS Nguyễn Thạch Giang sinh ngày 3/12/1928 tại Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị trong một gia đình danh gia, có truyền thống huấn học lâu đời.
Thuở trẻ, ông nhận được một nền giáo dục vừa theo truyền thống danh gia, vừa cập nhật Tây học. Ông đã sớm tham gia cách mạng và góp phần vào cuộc kháng chiến cứu nước trường kì của dân tộc.
Từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, ông tham gia công tác bình dân học vụ, công tác tự vệ tại Huế, Quảng Trị.
Từ tháng 8/1946 đến tháng 9/1949, ông nhập ngũ, là chiến sĩ trung đoàn 95 tại Quảng Trị.
Từ tháng 10/1949 đến tháng 12/1951, ông công tác tại ty giáo dục Quảng Trị.
Từ tháng 12/1951 đến tháng 5/1955, ông công tác tại Khu học xá Trung ương, Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
Từ 1956 đến 1992, ông công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Trần Tam Giáp
Nguyên Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nho-thuong-pgs-nguyen-thach-giang--nha-nghien-cuu-han-nom-xuat-sac-20170324150634582.htm