Từ trái sang phải: bà Jeannine Rubin, bà Trần Thu Dung - nhà nghiên cứu văn hóa, ông Claude Vartan (kỹ sư từng tham gia chống chiến tranh VN), ông Daniel Roussel (nhà báo, đạo diễn phim), ông Michel Strachinescu.
|
Tình cờ tham dự buổi chiếu phim tài liệu "Thức khuya mới biết đêm dài" và "Chiến tranh Việt Nam" của Daniel Roussel - cựu phóng viên thường trú tại Việt Nam những năm 1980, tôi ngồi cạnh một người đàn ông và người phụ nữ, giản dị, dễ thương. Tôi cũng không để ý, vì vừa vào phim đã bắt đầu, chỉ thấy một người đàn ông vui vẻ, cười chào lịch sự khi tôi xin phép ngồi bên ghế còn trống. Hóa ra họ chính là những nhân chứng sống động trong hai phim tài liệu trên. Một lái xe và một người phục vụ ăn cho đoàn mặt trận giải phóng Miền Nam (MTGPMN) tại Hội nghị Paris: ông Michel Strachinescu và bà Jeannine Rubin.
Thời đó Việt Nam trong chiến tranh còn rất nghèo. Những cán bộ ra nước ngoài công tác chỉ vài bộ quần áo. Tôi còn nhớ khi Hiệp định Paris vừa kết thúc, tôi được lựa chọn ra nước ngoài đào tạo. Tôi tuy là con cán bộ, sinh ra ở Hà Nội nhưng cũng không có gì ngoài hai bộ quần áo màu xám tối. Hành lý lên đường du học nhà nước phải trang bị hết. Chính phủ đã cấp cho mỗi sinh viên nữ một cái áo dài và hai bộ quần áo. Cái áo sơ mi cổ cánh sen bằng vải mộc trắng. Cái áo dài xanh vải pha ni lông sột soạt cùng chiếc va li bồi giấy đen vuông. Khác với bây giờ sinh viên đi du học với va li đầy ấp quần áo mới. Nhiều sinh viên con nhà khá giả tự túc lãng phí đến nỗi, quần áo mới tinh chưa mặc nhưng thật quê quê vứt ngay ra cửa. Chúng tôi một thế hệ lớn lên trong chiến tranh, vẫn có thói quen tiếp kiệm, tôi dặn các cháu: "những thứ này có thể mang đến Hồng thập tự hay bỏ vào thùng tái chế làm giẻ, khỏi lãng phí và ô nhiễm. Nhiều trẻ em trên thế giới còn cần. Hồng thập tự sẽ giúp chuyển đi, phân cho những người tị nạn. Chiến tranh còn đầy trên thế giới. Những dòng người tị nạn vẫn tràn đầy vào nước Pháp".
Nhìn chiến áo đại cán đơn giản trong ngày lễ đón Tết ở Paris của bà Nguyễn Thị Bình đại diện phái đoàn MTGPMN mặc cũng đủ nói lên sự nghèo túng của người Việt thời đó. Ngày nay, áo dài rồng bay phượng múa đỏ rực khi lễ tân ở Sứ quán Việt Nam tại Paris. Do hoàn cảnh chiến tranh, phái đoàn cán bộ cao cấp Việt Nam không có tiền để thuê khách sạn hay nhà sang giữa Paris tráng lệ hay những thành phố vệ tinh đẹp giàu như Sceaux, Antony. Chiến tranh còn có thể kéo dài, họ phải lựa chọn một phương án tiết kiệm tối đa, an toàn nhưng đủ điều kiện để làm việc. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của đảng cộng sản Pháp thời đó rất mạnh. Nhiều thành phố vệ tinh nghèo xung quanh Paris như Arcueil, Gentilly, Villejuif… nơi nhiều năm đảng cộng sản thắng phiếu đậm trong các cuộc bầu cử và được mệnh danh là vành đai đỏ. Đảng cộng sản Pháp với trụ sở chính đã chọn Choisy le Roi là nơi để phái đoàn nghỉ ngơi và cũng là nơi làm việc.
Ông Michel mặc áo vàng đứng bên cạnh bà Nguyễn Thị Bình
|
Choisy Le Roi cái tên nếu dịch loáng thoáng ra tiếng Việt nghe rất đỗi sang trọng (Chọn vua). Năm 1739, vua Louis V đã mua một lâu đài ở đây, và đặt tên làng thành Choisy Le Roi (Choisy Vua). Chữ Choisy theo nghĩa latin là tên gốc xưa Socius… Nhưng nếu chỉ nghe âm đọc thì có thể hiểu nhầm là chọn vua, vì chữ choisy đồng âm chữ choisir (chọn lựa). Thực ra đây là thành phố ngoại ô nghèo nằm cách Paris 15 cây số. Một thành phố nằm trên sông Seine gần đây mới được phát triển. Thành phố này có trụ sở chính của Đảng Cộng Sản khu vực Val de Marne (bao gồm nhiều thành phố). Thời đó có trường đào tạo cán bộ của đảng, nên ngôi trường biến thành trụ sở tạm thời của đoàn.
Ông Michel Strachinescu được chọn làm lái xe cho đoàn mặt trận miền Nam Việt Nam. Một công việc tưởng đơn giản như một lái xe bình thường, nhưng thực ra không phải hoàn toàn. Họ phải chọn một người tin tưởng, kín đáo, thận trọng. Làm việc cho đoàn cán bộ cao cấp nhưng nghèo, lương rất thấp, được trả khoảng 160 Francs tức là bằng 1/3 lương tối thiểu thời đó theo luật quy định là 600 francs. Đã thế lái xe với trách nhiệm cao, bí mật không giờ giấc quy định. Nhiều khi có việc gấp cũng phải đi.
Ông Michel, sinh ra ở Pháp trong một gia đình di cư nghèo gốc Rumani di cư sang Pháp từ đại chiến thế giới lần thứ 2. Chính vì thế ông hiểu một phần tâm trạng của những người sống xa xứ. Đặc biệt khi người ta nghèo, con người rất thương nhau. Trong chiến tranh ác liệt ở miền Bắc Việt Nam, một phần nghèo hầu như các nhà mở cửa, nhất là các nhà tầng trệt, để hàng xóm vào tránh bom, đạn khi báo động. Trẻ em vào nhà nhau chơi dễ dàng. Trò chơi cũng chỉ cái dây, vài viên sỏi. Điện thoại "di động" là hai ống bơ rỉ toét thủng lỗ chỗ nối cái dây dài chừng 2 mét, nói thì thào cho vui. Ống bơ còn tốt dùng để đong gạo, cất thực phẩm khô không được chơi.
Thành phần của phái đoàn của MTGPMN và Miền Bắc VN, cũng là những người cũng lớn lên trong chiến tranh. Lê Đức Thọ từng nằm trong nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Thị Bình một nữ sinh từng bị bắt giam và ngồi bên máy khâu may áo kiếm sống. Họ quen chịu đựng gian khổ. Cái nghèo túng thiếu ở Paris thời đó không thấm gì những năm tháng nghèo mà họ phải chịu đựng trong tù và chiến tranh. Họ rất dân dã và thân mật, không phân biệt giai cấp. Những người làm việc cùng đều như những đồng chí đều chia sẻ khó khăn cùng nhau. Nửa đêm nhiều cán bộ phải làm việc vì trái giờ với giờ Hà Nội. Những người phục vụ cũng phải làm việc đêm ngày như vậy. Cán bộ vào ăn đêm bất kỳ lúc nào. Để bảo đảm sức khỏe cán bộ, bếp mở cửa cả đêm. Đầu bếp phải ngủ ngay dưới sàn bếp.
Ông Michel trong phim tài liệu thường đồng hành cùng họ không chỉ trong xe ô tô khi thi hành nhiệm vụ, mà cả trong các buổi sinh hoạt hàng ngày. Ông phải ngủ lại nơi làm việc, chỉ một tuần mới được gặp vợ, thỉnh thoảng về thăm vợ vào ba bốn giờ đêm. Vợ ông rất khó chịu. Michel là người lái xe trẻ nhất và là phụ trách đội lái xe. Michel thực sự là một người đảng viên cộng sản chân chính hy sinh quyền lợi vì công việc cộng sản quốc tế giao. Một vài lái xe dù là đảng viên cộng sản cũng không chịu đựng nổi sự cực khổ và lương thấp đã bỏ cuộc, vì họ tưởng hội nghị chỉ kéo dài vài tuần nhưng không ngờ hội nghị kéo dài bốn năm và không biết bao giờ chấm dứt. Michel đã làm việc cùng phái đoàn trong bốn năm cho đến tận ngày chiến thắng. Chính vì sự hy sinh quyền lợi và tình cảm cá nhân cao quý, Michel đã được chính bà Nguyễn Thị Bình ký tặng huân chương ngay khi hiệp định thành công (27/01/1973) và kỷ niệm chương do Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên ký năm 2003.
Giấy khen và Huy chương tham gia hội nghị Paris của Michel
do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình ký
|
Hội nghị Paris thành công tốt đẹp. Nhưng mùi khét và tiếng rên rỉ trong đống đổ nát của B52 ở phố Khâm Thiên mãi mãi không quên trong trí óc tôi lúc đó đang học năm cuối cùng trung học. Tôi đã đi qua đó ngay sau hiệp định với lý do phố Bà Triệu bị ném bom –con phố nơi tôi sinh ra và lớn lên, và cha mẹ tôi đang sống không biết làm sao (thông tin liên lạc thời đó rất khó khăn). Thầy giáo cho phép tôi về. Con người lúc đó thật sự thương yêu nhau. Một đứa con gái 16 tuổi, lớ ngớ ra đầu đê Hưng Yên vẫy xe đi nhờ về Hà Nội. Các cô chú dân quân đi xe đạp đều sẵn sàng giúp đỡ cho đi nhờ từng chặng về đến Hà Nội lúc nửa đêm.
Ngay sau hiệp định, chàng thanh niên Michel đã được mời đến thăm Việt Nam cùng lúc với phái đoàn vinh quang trở về. Ông đã đi xem nơi bị tàn phá của bom đạn. Ông rất tự hào không phải được chính phủ Việt Nam quan tâm cám ơn đặc biệt mà chính là ông đã góp phần nhỏ bé vào việc chấm dứt ném bom ở miền Bắc và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Thắng hay thua đều mất mát đau thương. Điều quan trọng là khói bom chấm dứt. Những đứa trẻ tự do tung tăng trở lại trường và trở về với gia đình trong đó có tôi. Ngay sau đó không lâu, tôi lại được lựa chọn đi đào tạo ở Rumanie nơi quê tổ của Michel. Khi tôi xin chụp ảnh và hứa sẽ gửi ảnh cho Michel, ông nói một câu tiếng Ru "multumesc - cám ơn". Năm 2015, ông vinh dự được chính phủ Việt Nam mời lần thứ hai khi kỷ niệm 40 năm hòa bình tái lập ở Việt Nam để xem sự chuyển mình của một đất nước hồi sinh sau chiến tranh. Tôi hỏi ông cảm xúc hai lần đến Việt Nam. Ông đùa nói: "năm 1973 tôi thấy toàn xe đạp và năm 2015 trở lại tôi thấy Hà Nội chật đường toàn mô tô, ô tô cũng đủ thấy sự thay đổi rồi". Bây giờ mà phân Michel lái xe ở T.P Hồ Chí Minh hay Hà Nội cho phái đoàn, Michel cũng chịu không dám nhận.
Chiến tranh kết thúc là công sức không chỉ của toàn dân Việt Nam, mà chính một phần công lao thầm lặng trên mọi lĩnh vực của những người không có dòng máu Việt như Michel, Jeannine mà có chung một tình yêu, một khát vọng duy nhất: Hòa bình.
Trần Thu Dung (từ Pháp)
* Ảnh do ông Michel cung cấp
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/gap-nguoi-lai-xe-tai-hoi-nghi-paris-20170227103234294.htm