17 năm “trồng người” trên xã đảo
Thầy Đoàn Văn Kiều (SN 1979) sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải - Thái Bình trong một gia đình có 4 người con. Đam mê nghề dạy học nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Kiều đã muốn được phục vụ trong ngành giáo dục.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chàng trai trẻ Đoàn Văn Kiều thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, chuyên ngành Sinh, Hóa.
Sau khi ra trường 1999, thầy Kiều được Sở GD&ĐT Kiên Giang phân công giảng dạy ở trường PTCS Sơn Hải (thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).
Từ đó đến nay, mỗi lần ra đảo dạy, thầy Kiều vượt quãng đường bộ và đường biển hơn 50km nhưng thầy vẫn kiên trì, vượt khó để gắn bó với xã đảo Sơn Hải hơn 17 năm qua.
Thầy Đoàn Văn Kiều (ở giữa)- người thầy 17 năm dạy học nơi đảo xa và 4 lần về thăm cha mẹ (Ảnh: Thùy Linh) |
Trong suốt quãng thời gian ấy, thầy mới về thăm gia đình được vẻn vẹn 4 lần mà lần nào cũng chỉ chớp nhoáng rồi lại đi. Xa nhà, nhớ bố mẹ nhưng thầy chỉ có thể gọi điện hỏi thăm.
Nhiều khi mẹ bệnh nặng khỏi rồi, con mới biết tin. Nghĩ đến chữ hiếu và phận làm con, thầy Kiều không khỏi xót xa, nhưng nhìn các học trò ngoài đảo người thầy lại quyết tâm ở lại gieo chữ cho các học trò nơi đây,
Hơn nữa, Sơn Hải là xã đảo thuộc quần đảo Bà Lụa cách đất liền 15 km, do đặc thù là xã đảo nên điều kiện kinh tế, đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều em chủ yếu theo cha mẹ đi làm kinh tế, đi học thất thường, hay bỏ học hoặc không có điều kiện đi học.
Thầy Kiều kể: “Học sinh xã đảo đa phần là con em ngư phủ, do vậy các em thường thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Các em thường ở với ông bà, cuộc sống phải tự lực là chính…
Do vậy, mỗi đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường cũng như các thầy cô trong trường nỗ lực đến từng gia đình để vận động họ cho con em đến lớp… Lần đầu họ không đồng ý, mình phải kiên trì đi lần 2, lần thứ 3…”.
Tự tay làm thiết bị dạy học sinh
Càng gắn bó với nghề và học trò trên xã đảo, thầy Kiều càng day dứt hơn khi nhiều trò bỏ lớp để đi biển từ rất sớm. Tuy nhiên, việc vận động các em ra lớp đã khó, giữ các em ở lại lớp còn khó hơn.
Bởi thời gian này điều kiện dạy học, như sách vở, dụng cụ dạy học, tư liệu tham khảo cho giáo viên cũng như học sinh hầu như không có.
Thầy giáo trẻ xung phong ra Trường Sa gieo chữ(GDVN) - “Thật sự, tôi muốn gắn bó lâu dài ở Trường Sa, rất muốn nghe những đứa trẻ ở đây đọc chữ, đánh vần trong sóng biển”, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ tâm sự. |
Do vậy, để nâng cao hiệu quả giảng dạy thầy Kiều đã luôn suy nghĩ làm thế nào để tiết dạy của mình thu hút học sinh.
Từ sự trăn trở này, thầy Kiều một mặt đầu tư cho giáo án luôn có những kiến thức mới và thầy tự tay làm ra các đồ dùng dạy học bằng mút xốp như: những mô hình về động vật, hệ thần kinh, các lớp xương sống.
Những sáng kiến này vừa giúp nhà trường tiết kiệm chi phí mà còn giúp tiết dạy sinh động và học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn.
Không những vậy, thầy Kiều còn “đỡ đầu” cho nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học và tham dự các kỳ Hội khỏe Phù Đổng hàng năm.
Riêng năm 2015 - 2016, thầy Kiều hướng dẫn một học sinh lớp 8 nghiên cứu và hoàn thiện máy cắt, tách đa năng và đã đạt giải Nhì cấp huyện, giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia với sản phẩm này.
Tính đến thời điểm hiện tại, trường PTCS Sơn Hải đã có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, một em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thuộc bộ môn Sinh học do thầy Kiều trực tiếp giảng dạy.
Khi được hỏi điều gì khiến thầy Kiều gắn bó với những đứa trẻ ngoài đảo, thầy bộc bạch: “Sự chân chất ngây thơ hồn nhiên và tình nghĩa của học trò đã lôi kéo tôi, khiến tôi muốn gắn bó ở nơi này”.