Gần 16 năm theo nghiệp tuần tra, truy bắt tội phạm, bị đe dọa tính mạng, cựu lính công binh chưa bao giờ chùn bước. Ông vừa được vinh danh công dân ưu tú năm 2016.
ảnh minh họa
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) - người vừa được TP Hà Nội trao danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú năm 2016” - nằm khuất trong khu dân cư đông đúc trên đường Nguyễn Ngọc Nại.
Nhưng từ đầu phố, người dân đều biết đến ông Hùng với biệt danh “hiệp sĩ đường phố” hay "khắc tinh" của tội phạm trên địa bàn. Nhiều người gọi ông với cái tên trìu mến “bố Hùng”.
Thủ lĩnh đội tuần tra và 2 lần phơi nhiễm HIV
"Hiệp sĩ đường phố" là một người đàn ông ở độ tuổi trung niên còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh với gương mặt nghiêm khắc nhưng có nụ cười thân thiện.
Nói về cái duyên đến với nghiệp săn bắt cướp, ông Hùng kể sau khi rời đơn vị công binh năm 2000, nhận thấy còn sức khỏe, còn khả năng phục vụ nhân dân nên ông tham gia Đội tuần tra chuyên trách của phường Khương Mai. Trong hơn 15 năm, ông tham gia phá hơn 300 vụ phạm pháp hình sự, bắt hàng trăm người liên quan để bàn giao cơ quan chức năng.
Căn phòng ngủ chừng 10 m2 cũng là nơi làm việc của người công dân Thủ đô ưu tú năm 2016. Ảnh: Hoàng Lam.
Nhiều lần đối mặt hiểm nguy, thậm chí có lúc tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc nhưng chưa lúc nào ông chùn bước. Năm 2007, sau lần truy đuổi nghi phạm trộm xe máy, ông Hùng bị trầy xước khi vật lộn khống chế tên trộm. Sau khi biết anh ta bị nhiễm HIV, vị đội trưởng đội tuần tra được bác sĩ khuyên điều trị phơi nhiễm.
Thời điểm đó, dư luận về căn bệnh thế kỷ còn rất nặng nề, người nhiễm HIV bị kỳ thị. Do đó, ông nén lo âu để tiêm thuốc phơi nhiễm và giấu người thân. “Tôi giữ thái độ bình thường khi về nhà, vẫn sinh hoạt như mọi ngày. Chỉ có điều, tôi ít gặp người thân, hạn chế ăn cơm cùng vợ và các con”, ông Hùng kể.
Đến năm 2011, ông tiếp tục bị thương lần thứ 2 khi tham gia truy bắt tên trộm nhiễm HIV. Lần này, ông từ chối điều trị phơi nhiễm sau khi thăm khám và xét nghiệm.
Hơn 15 năm tham gia mô hình săn bắt cướp và bảo vệ trị an khu phố, ông Hùng từng cảm hóa không ít người có hành vi phạm pháp hay đi tù trở về địa phương. Ông thường trò chuyện, giới thiệu việc làm và động viên những người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
“Ai cũng kỳ thị thì sẽ sớm đẩy họ quay lại con đường xấu, mình phải định hướng cộng đồng có thái độ gần gũi để những người này hòa nhập”, người cựu lính công binh bày tỏ.
‘Đêm không yên giấc khi thấy chồng chưa về’
Nhưng phía sau người công dân ưu tú ấy là một người phụ nữ nhân hậu và bao dung, ngay cả khi ông say mê công việc mà "quên" cả vợ con. Bà Đồng Thị Huệ, vợ ông kể lần bị sốt xuất huyết vài năm trước, bà phải vào viện điều trị nhưng không có chồng chăm sóc, vì ông đang “mải” bắt tội phạm.
“Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, có chồng mà luôn thui thủi một mình nhưng thấy ông tâm huyết với công việc, mình lại thấy vui. Vui rồi vợ chồng lại động viên nhau”, bà Huệ tâm sự.
Rồi giọng bà chùng xuống khi nhớ lại lần vô tình biết chồng phải điều trị phơi nhiễm HIV. Với bà Huệ, đó là khoảng thời gian nhiều lo sợ nhất trong đời. Hồi đó, ông cứ im lặng, về nhà là vào thẳng phòng ngủ rồi đóng cửa, tránh mặt người thân. Nhiều đêm ông không về nhà khiến bà lo lắng không yên.
“Đến lúc biết tin ông ấy bị phơi nhiễm HIV, tôi gần như suy sụp. Bởi lúc đó, ai cũng nghĩ căn bệnh này không chữa được”, bà Huệ kể. Sau khi nghe chồng an ủi và khẳng định sẽ qua khỏi, bà mới cảm thấy một chút yên tâm.
Bà Huệ kể về những ngày hoang mang khi biết chồng phải điều trị phơi nhiễm HIV.
Hơn 15 năm ông mải mê với đội săn bắt cướp thì cũng chừng ấy đêm bà ngủ không trọn giấc. Nhưng điều an ủi lớn nhất là khi về nhà, ông rất biết chăm sóc gia đình. Ông sẵn sàng vào bếp để nấu vài món ăn cho con gái hay cháu ngoại.
Ông Phạm Công Thuận (65 tuổi), tổ trưởng dân phố và cũng là hàng xóm, nhận xét cả phố ai cũng biết và quý mến ông Hùng. Người dân nơi đây đã quen với hình ảnh “hiệp sĩ” cùng đồng đội đi tuần tra đêm, đảm bảo an ninh trật tự khu phố.