Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Một đời vì Hoàng Sa – Trường Sa Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Một đời vì Hoàng Sa – Trường Sa , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


(Petrotimes)
 -  "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi".

Năm 1966, Sài Gòn chứng kiến sự ra đời của Tập san Sử – Địa mà người chủ trương là một chàng thanh niên 27 tuổi vừa tốt nghiệp hai trường đại học: Sư phạm và Văn khoa. 9 năm sau (20/1/1975), cũng chính anh tổ chức một triển lãm tại Thư viện Quốc Gia kỷ niệm một năm ngày biến cố Hoàng Sa, trưng bày sử liệu, hình ảnh minh chứng chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam và mọi người tham dự đều khóc. Và đến ngày 18/1/2003, 29 năm sau ngày biến cố Hoàng Sa, ông trình trước Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học KHXH & NV TP HCM đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. “Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi”, người đó là Nguyễn Nhã.

Giờ đây, ông vẫn tiếp tục hành trình học thuật, dùng sức mạnh của sự thật lịch sử để đem các tư liệu liên quan Hoàng Sa – Trường Sa đến các thư viện trên khắp thế giới, nhằm chứng minh với thế giới rằng, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự liên tục, hòa bình Hoàng Sa – Trường Sa từ lâu, trước năm 1909, khi chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) cho là đất vô chủ và tổ chức chiếm hữu theo cách thức chiếm hữu đảo của phương Tây. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với ông về vấn đề này.

Tinh thần dân tộc đã thấm vào tôi

PVThưa ông, được biết năm 1966, khi vừa tốt nghiệp Đại học Văn khoa và ĐH Sư phạm, tuổi đời còn rất trẻ nhưng ông đã là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử – Địa có tiếng một thời. Ông có thể cho biết gốc gác của việc ra đời Tập san ấy?

TS Nguyễn Nhã: Năm 1966 khi tôi mới 27 tuổi, trước đó 3 năm thì chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam sụp đổ, phong trào sinh viên ở miền Nam Việt Nam phát triển rất mạnh, có người xuống đường, có người ra chiến khu, còn tôi thì vào thư viện. Tôi nghĩ rằng, đã học đại học thì cần đi vào học thuật, lúc bấy giờ đại diện các khóa đang học ban Sử – Địa tại Trường đại học Sư phạm Sài Gòn, khi ấy tôi là lớp trưởng lớp Sử 2 thành lập nhóm Sử – Địa (1964-1965). Năm 1965, tôi làm Chủ tịch nhóm này và có nhiều hoạt động như sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức du khảo ở Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng… rồi tổ chức diễn thuyết. Lúc đầu tờ nội san Tin Sử – Địa có nhiều bài viết của các học giả Bửu Cầm, Phan Khoang và trong một dịp diễn thuyết của diễn giả Nguyễn Đăng Thục tại Trường Quốc gia Âm nhạc mà tôi là Trưởng ban tổ chức, tôi tặng tờ nội san Tin Sử – Địa số 11 cho ông Giám đốc Nhà Xuất bản Khai Trí Nguyễn Văn Trương. Ông ấy đọc và bảo tôi: “Hay quá, các anh có muốn in không?”. Và thế là tôi thành lập nhóm và chủ trương vừa là giáo sư vừa là sinh viên, cựu sinh viên Ban Sử – Địa hợp tác với Nhà Xuất bản Khai Trí ra đời Tập san Sử – Địa.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã

PVNhưng tuổi đời ông khi ấy còn quá trẻ nên uy tín trong giới học thuật hẳn chưa nhiều, thế mà ông đã tập hợp được nhiều nhà nghiên cứu và nhiều cây bút tên tuổi?

TS Nguyễn Nhã: May là trong quãng đời sinh viên tôi có dịp tiếp xúc nhiều với giới nghiên cứu, sau chuyến du khảo ở Huế có Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ cùng đi, tôi mời GS Kỵ làm chủ bút nhưng tiếc là chỉ mấy tháng sau ông bị trục xuất ra Bắc… và thế là, cuối cùng tôi kiêm luôn chủ bút. Sau này tôi có dịp gặp GS Trần Quốc Vượng, ông nói rằng: “Tôi và GS Đặng Thai Mai được giao nhiệm vụ theo dõi Tập san Sử – Địa”.

PVTrong thời gian làm chủ bút Tập san Sử Địa, ông rất quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa và có hẳn một số chuyên đề sau biến cố 1974?

TS Nguyễn Nhã: Tôi quan tâm đến lịch sử, nhân vật lịch sử và tinh thần dân tộc đã thấm vào tôi trong quá trình nghiên cứu. Như chúng ta đều biết là Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm năm 1974. Lúc này, ở phía Nam, tất cả các tổ chức chính quyền, các đảng phái chính trị đến dân chúng đều quan tâm đến vấn đề này và giới học thuật cũng tập trung nghiên cứu. Nhiều học giả nói Tập san Sử – Địa đang có uy tín rồi nên thận trọng, nếu làm không ra gì sẽ mất uy tín, khuyên tôi đừng ra số chuyên khảo về Hoàng Sa. Song tôi đã quyết tâm làm cho bằng được, tiến hành tập hợp tư liệu và mời rất nhiều nhà nghiên cứu viết bài, 3 tháng sau thì chúng tôi hoàn thành xong nhưng tôi đã thận trọng, đợi một năm sau chúng tôi mới tổ chức một cuộc triển lãm, và nhân đó phát hành Tập san Sử – Địa số 29 chuyên về Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi còn nhớ lúc đó nhà văn Sơn Nam có đánh giá rằng, đây là một triển lãm mang tầm cỡ quốc tế. Khi khai mạc trong tư cách Trưởng ban tổ chức, tôi rất là xúc động, không cầm được nước mắt.

TS Nguyễn Nhã và "một góc Hoàng Sa - Trường Sa" tại nhà riêng

PVDường như số 29 chuyên đề về Hoàng Sa – Trường Sa có tác động không nhỏ đến dư luận lúc bấy giờ?

TS Nguyễn Nhã: Thật khó định lượng vấn đề này nhưng sau này nhà thơ Tố Hữu khi đọc tập san số đặc khảo này, khi có đoàn nghiên cứu Biên giới vào TP HCM cho tôi hay thì chỉ riêng phần “Thư mục chú giải về Hoàng Sa” đã được ông đánh giá rất cao. Còn tác động tinh thần thì đối với các học giả, sau này tôi gặp nhiều người ở Huế, ngoài Bắc, trong bưng và cả ở nước ngoài đều rất chú ý đến tập san này. Có một vài đại học lớn ở Luân Đôn đặt mua.

PVGiờ đây Tập san Sử – Địa, nhất là số 29 chuyên đề về Hoàng Sa – Trường Sa đã trở thành nguồn tư liệu quý cho giới học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về Biển Đông?

TS Nguyễn Nhã: Năm 2007, toàn bộ 29 số Tập san Sử – Địa đã được tái bản dưới dạng số hóa trong một CD-ROM (ảnh) do Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thực hiện. Nhân dịp tái bản lần này, Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định: “Tập san Sử – Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người đề ra chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc…”.

Một số tư liệu tại gia đình TS Nguyễn Nhã

PVTìm hiểu, nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa từ trước năm 1975 nhưng nhiều người vẫn thắc mắc là đến sau khi về hưu, nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã mới bảo vệ luận án tiến sĩ về vấn đề này?

TS Nguyễn Nhã: Thực ra, trước 1975 tôi đã hoàn tất tiểu luận cao học giáo dục về Thi Hương – Thi Hội – Thi Đình thời Pháp thuộc và GS Dương Thiệu Tống lúc này khuyên tôi nên trình luận văn cao học nhưng tôi không thích. Thấy chúng bạn tôi bảo vệ tiến sĩ xong toàn lo “chạy sô”, tôi không thích vậy, cũng có người bảo tôi gàn thì tôi cũng mặc kệ. Tôi trưởng thành bằng cái khác chứ không bằng học vị. Đến năm 1988, Trung Quốc quan tâm đến Trường Sa và tôi tự nhủ phải đi đến cùng sự thật về Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi muốn dùng học thuật – khoa học để đấu tranh và tìm sự thật đến cùng nên tôi quyết định làm luận án tiến sĩ: “Quá trình xác lập chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam” và để đến khi về hưu mới trình. Và tôi tập trung viết một số bài về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa trên báo, trên mạng, kèm nói chuyện về vấn đề này đã phần nào cho giới trẻ nước nhà có thêm những thông tin nhất định. Tôi vẫn luôn có mong ước là vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa nên đưa vào trường học.

Việt Nam mạnh về học thuật

PVViệc ông cũng mang tư liệu về Hoàng Sa – Trường Sa ra nước ngoài đã “đánh động” giới học thuật thế giới như thế nào?

TS Nguyễn Nhã: Trung Quốc đưa gần 200 nghiên cứu sinh đi học tại các đại học trên thế giới, họ vừa làm nghiên cứu sinh vừa tuyên truyền và quảng bá vấn đề Biển Đông theo hướng có lợi cho họ, chính điều này dễ làm cho giới nghiên cứu trên thế giới hiểu sai lệch về Trường Sa – Hoàng Sa trong khi mình chưa có chủ trương này và giới học giả của mình cũng chưa có nhiều bài viết khoa học về vấn đề này đăng trên các tạp chí chuyên ngành về biển đảo trên thế giới. Với tâm thức và trách nhiệm của mình, hồi tháng 7-2011, tôi đã gửi đến Hội Địa lý Quốc gia Mỹ và Văn phòng Quốc hội Mỹ tập Hồ sơ tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, với hơn 400 trang bằng tiếng Anh rất công phu của gần 40 năm nghiên cứu. Hồ sơ tư liệu này được đưa tới văn phòng Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Jim Webb (Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ) cùng Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Mỹ tại Washington DC.

Bìa cuốn Tập san Sử - Địa số 29 - Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa

PVDường như dự định của ông đang thuận buồm xuôi gió?

TS Nguyễn Nhã: Cũng không thuận lợi mấy, vì kẹt ở vấn đề kinh phí. Tôi muốn gửi tập hồ sơ này tới thư viện các đại học trên thế giới, nhất là ở Mỹ thường có khoa hay môn học về Á Châu để họ biết sự thật về Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Có như thế thì giới nghiên cứu Trung Quốc mới im tiếng được. Song tôi còn đợi chỉnh lại bản dịch theo văn phong tiếng Anh bản xứ chứ không phải văn dịch của người Việt để học giả nước ngoài dễ tiếp cận. Tôi đã nhờ nhiều nơi, song hồ sơ tư liệu dài quá, không ai rảnh làm hộ cả, vậy nếu có tài trợ tối thiểu khoảng 5.000USD thì mới mong có người để hết thời gian làm việc này cho tốt.

PVTrong tập tài liệu hơn 400 trang mà ông định phổ biến ở các trường đại học trên thế giới, thì ngoài luận án tiến sĩ của ông còn những nguồn tư liệu nào nữa?

TS Nguyễn Nhã: Nó là kết quả của 40 năm tôi nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa. Hồ sơ gồm có 3 phần, phần thứ nhất gồm có bản phân tích tình hình tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1960, quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cũng ghi rất rõ là năm 1816, Hoàng Sa và Trường Sa chính thức sáp nhập vào Việt Nam, khoảng thời Vua Gia Long, rồi có những đoạn trích của 37 cuốn sách địa lý hay là du ký của người phương Tây, từ thế kỷ XIX trở về trước. Phần thứ hai là những bài tham luận của tôi ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Phần thứ ba là toàn văn luận án tiến sĩ của tôi. Luận án của tôi nói về quá trình xác lập chủ quyền từ đầu thế kỷ XVII, thì đến năm 1816 gồm những hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải đã được Nhà nước cử ra Hoàng Sa để khai thác sản vật. Một điều nữa là quá trình từ năm 1816 Thủy quân triều Nguyễn đã được lệnh với sự hỗ trợ của dân binh Hoàng Sa đi xác lập chủ quyền chính thức, tức là cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền.

PVNhư vậy về mặt học thuật ta rất mạnh so với Trung Quốc nhưng các học giả Trung Quốc vẫn đang cố gắng tìm mọi cách để chứng minh điều ngược lại?

TS Nguyễn Nhã: Hiện nay, trên nhiều bình diện tương quan giữa ta và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, có thể nói rằng, ta rất mạnh về học thuật thì phải biết tận dụng tối đa sức mạnh của mình và biến nó thành sức mạnh lớn hơn nữa. Hiện nay, nhìn một cách tổng quát, trong vấn đề về Hoàng Sa – Trường Sa giữa ta và Trung Quốc thì ta đủ sức mạnh về cứ liệu lịch sử, khoa học để thắng họ trong vấn đề này. Vấn đề là chúng ta phải tự tin vào những gì mình đang có. Vâng, Hoàng Sa là vấn đề lâu dài. Lịch sử không phải là dòng chảy êm xuôi mà nó luôn chuyển biến, thay đổi, quan trọng khi thời cơ đến chúng ta phải biết nắm bắt. Chúng ta phải kiên cường đấu tranh và đấu tranh không ngừng nghỉ trên nhiều phương diện. Một dân tộc anh hùng thì không thể bị khuất phục trước một thế lực nào… đó là điều chắc chắn mà tôi luôn tin tưởng.

PVXin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thiên Thanh


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65103604

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July