Đó là câu “chuyện tình” cổ tích của gia đình thương binh ở quê lúa Thái Bình - ông Trần Văn Thuận (68 tuổi), trú tại xã Đông Quang, huyện Đông Hưng.
Chuyện tình chàng lính giải phóng quân
Sinh ra và lớn lên trong thời điểm đất nước còn chia cắt vì chiến tranh, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thuận tham gia vào đội Thanh niên xung phong đi mở đường ở Tuyên Quang. Ngày đi, ông Thuận đã có lời đính ước với cô thôn nữ cùng xóm là bà Vũ Thị Rần.
Ba năm sau ngày vào đội Thanh niên xung phong, ông Thuận xin vào bộ đội và được biên chế vào đơn vị trinh sát C7 - D25 - Đoàn 559, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung. Năm 1971, trong một lần đi làm nhiệm vụ cùng tổ trinh sát ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, không may tổ trinh sát vấp phải mìn khiến ông Thuận ngất đi. Lúc tỉnh dậy, ông mới biết do mảnh mìn găm vào mặt, vào mắt, nên các bác sỹ phải phẫu thuật bỏ hai mắt để cứu ông. Từ đấy, ông Thuận sống trong bóng tối vĩnh viễn, kể từ khi ở tuổi 23.
“Chuyện tình” cổ tích của gia đình thương binh ở quê lúa Thái Bình - ông Trần Văn Thuận
Ông Thuận chia sẻ: “Cảm giác sống trong bóng tối thật đáng sợ, nhưng lúc đấy, tôi càng sợ cái cảnh phải đối diện với gia đình, người thân, và người yêu trong tình trạng mù lòa. Tôi muốn chạy trốn tất cả!”.
Mặc dù, ngay trước hôm ông Thuận lên đường vào Nam chiến đấu, cha mẹ ông đem cơi trầu sang nhà bà Rần, xin bà về làm dâu. Đôi trẻ chỉ kịp cầm tay nhau nói lời từ biệt chứ chưa chưa tổ chức đám cưới. Nhưng, khi biết mình bị mù, ông Thuận đã nhờ đồng đội viết thư khuyên bà Rần ở nhà lấy chồng, đừng chờ đợi ông nữa, ông Thuận cũng dấu địa chỉ của mình.
Lá thư gửi về nhà chưa được bao lâu, bà Rần đã lần theo các manh mối để tìm ông Thuận tại các trung tâm an dưỡng. Cuối cùng, bà lặn lội lên tận Hà Bắc (tức là Bắc Giang – Bắc Ninh ngày nay) và tìm gặp ông Thuận. Bà khóc hết nước mắt khi chứng kiến thương tích của ông Thuận. Nghe tiếng khóc, ông Thuận bảo: “Tôi bị mù. Thôi, bà mặc kệ tôi, bà không phải lo lắng gì cả”.
Nhưng bà Rần "khăng khăng" dù ông Thuận có mù lòa, thì ông vẫn là người mà bà Rần đã thề non hẹn biển. Bà dìu ông đứng dậy, cả hai lật đật bắt xe khách về Thái Bình. Những tưởng cuộc đời ông Thuận sẽ được êm ấm từ đó, chẳng ngờ, tai họa vẫn chưa buông tha...
Năm 1973, hai vợ chồng sinh người con đầu lòng, đặt tên Trần Văn Thơi. Vợ chồng ông đã khóc hết nước mắt khi sinh ra đứa con dị dạng, tóc tai, da thịt trắng toát. Được 1 năm tuổi thì Thơi ra đi mãi mãi.
Cô con gái thứ tư của ông Thuận tên Điệp bị nhiễm chất độc màu dam cam
Năm 1975, cậu con trai Trần Văn Tộ ra đời, cũng trắng toát như anh, chỉ khác là có mái tóc vàng chóe, đôi mắt lồi xanh biếc như Tây, lông lá phủ kín người như khỉ. Tộ bị bạch tạng. Tộ lớn nhanh như thổi, to lừng lững, tới hơn 1,8m. Thế nhưng, chưa đến 30 tuổi, đã già như một ông lão.
Biết rằng mình đã bị nhiễm chất độc da cam trong những ngày chiến đấu ở vùng Quảng Trị, nhưng hai vợ chồng vẫn thử vận may. Rồi tiếp tục hai người con nữa ra đời trong nỗi thấp thỏm lo âu. May mắn là cậu con trai tiếp theo Trần Văn Tiện (SN 1980), phát triển bình thường, chưa thấy có biểu hiện nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, cô con gái thứ tư tên Điệp thì vẫn bị nhiễm chất độc màu da cam, 27 tuổi nhưng chị Điệp vẫn lơ ngơ như một đứa trẻ, cười nói cả ngày.
“Tình chị, duyên em…”.
Năm 2003, bà Rần bị phát hiện ung thư não, thương chồng, thương con, bà Rần không đành ra đi. Lúc quẫn bách, bà Rần chợt nghĩ đến cô em gái út Vũ Thanh Xuân. Lúc bấy giờ, bà Xuân đang biền biệt ở mãi tận Điện Biên.
Cuộc đời bà Xuân cũng nhiều éo le, tủi cực. Rời quê từ năm 18 tuổi, bà Xuân lên Điện Biên theo tiếng gọi khai hoang, rồi làm việc ở nông trường trồng mía. Gắn bó với nông trường, lấy được tấm chồng, sinh được một cô con gái, thì chồng chết vì tai nạn giao thông. Bà Xuân rơi vào cảnh côi cút, bơ vơ nơi xứ lạ.
Bà Xuân tâm sự: "Dù nhiều người nói ra nói vào nhưng chưa bao giờ tôi trách chị tôi khi đặt trách nhiệm to lớn ấy lên vai tôi".
Bà Rần liền gọi bà Xuân về Thái Bình, nắm tay em gái "trăn trối" việc mai sau. “Em dọn về đây, thay chị chăm sóc anh và các cháu. Chị có chết cũng được nhắm mắt”, bà Rần chỉ nói được thế, rồi bà trút hơi thở cuối cùng.
Thời gian như "thoi đưa", mới đó mà bà Rần đã ra đi được 12 năm, và bà Xuân cũng trở thành “vợ” của ông Thuận từng ấy thời gian. Từ Điện Biên trở về với hai bàn tay trắng, bà trở thành “chủ nhân” của gia đình toàn người “bệnh tật” và 4 sào ruộng cùng mấy luống rau ở đầu ngõ.
Bà Xuân dũng cảm đương đầu với tất cả những khó khăn ấy. Ngoài 4 sào ruộng của gia đình, bà nhận thêm 7 sào nữa. Một mình bà đầu tắt mặt tối với hơn 1 mẫu ruộng, từ cấy gặt đến làm cỏ, phun thuốc sâu, bà Xuân đều không nề hà.
Dù khó khăn đến mấy, nhưng gia đình ông Thuận chưa bao giờ thiếu tiếng cười
Bà Xuân tâm sự: “Nhiều người nghĩ rằng tôi dại khi gánh vác một gia đình với nhiều điều bất hạnh, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ oán trách chị mình khi đặt trách nhiệm to lớn ấy lên vai tôi. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp từ ông Thuận và các con. Đấy là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được”.
Dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng gia đình ‘cổ tích” ấy chưa bao giờ thiếu đi tiếng cười. Họ dựa vào nhau sống, với họ như thế là đủ hạnh phúc lắm rồi.
Đức Văn
http://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-co-tich-cua-gia-dinh-thuong-binh-o-que-lua-20160619061656705.htm