Câu thành ngữ “Chè Thái, gái Tuyên” không biết có từ bao giờ nhưng đến nay đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người khi nhắc đến mảnh đất xứ Tuyên thơ mộng.
Nói là một chuyện, nhưng để hiểu được ý nghĩa câu nói ấy như thế nào thì có lẽ rất ít người giải nghĩa được thật chính xác. Tác giả của bài viết xin được chia sẻ đôi điều cách hiểu về ý nghĩa của câu thành ngữ này.
Tại sao: Chè Thái, gái Tuyên?
Trong ngôn ngữ của người Việt, chúng ta thường dùng lối nói sóng đôi để miêu tả một sự việc, hiện tượng. Ví dụ: “Nước khe, chè núi”, “Cá chậu, chim lồng”, “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”... “Chè Thái, gái Tuyên” cũng có thể được coi là một trường hợp tương tự mà dân gian mượn sự tinh túy, hương vị thơm ngon khó quên của chè ở vùng đất Thái Nguyên để nói đến cái tinh tế, đằm thắm, thanh thoát của người con gái xứ Tuyên. “Chè Thái” là một đặc sản khiến nhiều người đã được thưởng thức phải tấm tắc khen, là một thức uống không thể thiếu với mỗi người “sành” trà đạo. Hình ảnh người con gái xứ Tuyên đặt song song với hương vị của “Chè Thái” phải chăng để lột tả vẻ đẹp của người con gái Thành Tuyên?
Nói đến con gái đẹp thì người ta hay nhắc đến “Gái Tuyên” cũng như nói đến Thái Nguyên người ta nhớ ngay đến đặc sản chè nổi tiếng. Điều đó giống như là bản quyền của một “thương hiệu” và sự thật vẻ đẹp của người con gái xứ Tuyên đã được dân gian khẳng định bởi câu thành ngữ “Chè Thái, gái Tuyên”. Chẳng thế mà đã có rất nhiều giai nhân xứ Tuyên đã đi vào tâm trí của người dân đất Việt. Có thể kể đến tên một số người đẹp nổi tiếng đã từng một thời “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ như: Chị em người mẫu Thủy Hương - Mỹ Hạnh, diễn viên điện ảnh Thu Hà, Vũ Mai Huê, Á hậu Báo Tiền Phong năm 1992 Nguyễn Minh Phương, Á hậu năm 1994 Tô Hương Lan, người mẫu Châu Á - Thái Bình Dương Dương Thanh Chấn, phát thanh viên truyền hình Thu Hiền, Tùng Lâm...
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo một lần “Qua miền gái đẹp” ấy cũng đã phải rung động mà thốt lên: “Người đẹp Tuyên Quang cổ mang vòng bạc/Môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay/Da trắng chân dài đèo cao áo bay/.../Người đẹp vít cần nồng hơn rượu mạnh/Đàn hát chao ôi nghe chạnh lòng nhau/.../Xe rời thành Tuyên xa miền gái đẹp/Còn vọng lời chào dính hơn xôi nếp/Còn xanh lá tếch ai cầm trên tay...”.
Mạch nguồn cái đẹp
Theo PGS. TS Trần Mạnh Tiến, thứ nhất, “Gái Tuyên” đẹp do điều kiện tự nhiên và lịch sử truyền thống được ghi đậm giai đoạn lịch sử cuối triều Lê đầu triều Nguyễn với những tuyệt thế giai nhân tựa tiên sa được truyền tụng ở Châu Phu và Đại Man. Trước kia, Tuyên Quang là một vùng đất rộng lớn gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và một phần của Cao Bằng. Tuyên Quang là vùng đất cổ, đất gốc, ghi nhiều dấu tích của lịch sử và đều gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc... Trên Núi Thổ Sơn nằm ở trung tâm thành phố, bên cạnh dòng sông Lô hiền hòa còn lưu lại tấm bia đá từ thế kỷ XV. Bia đá ghi: “An biên viễn ải ưu kim bạc/Tuyên thành vạn cổ áng Thăng Long” (Tạm dịch: Ở nơi biên cương xa xôi nơi có nhiều vàng bạc/ Thành Tuyên Quang muôn đời là nơi che chở cho đất Thăng Long) đã khẳng định Tuyên Quang là vùng đất “Sơn kỳ thủy tú” có vị thế quốc phòng quan trọng. Các triều đại phong kiến coi Tuyên Quang là vùng phên dậu ở phía bắc của Tổ quốc và những vị tộc trưởng, tù trưởng ở đây được xem là “nanh vuốt” của triều đình.
Bởi vậy, để giữ chắc phên dậu nơi biên ải, nhà nước phong kiến phải kết giao và giữ chặt mối quan hệ đối với các tù trưởng, tộc trưởng. Họ đã sử dụng các kế sách để trị nước như: Khoan thư sức dân, phân chia ruộng đất và không loại trừ cả “kế mỹ nhân” đó là gả công chúa, quận chúa cho các tù trưởng, tộc trưởng để tạo dựng niềm tin, lòng trung thành. Bài văn bia “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” (văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc) được khắc bằng chữ Hán trên một tấm bia đá từ thế kỷ XIII, cách đây 900 năm đặt tại Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc thuộc xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) có ghi tên một vị công chúa nhà Trần. Vị công chúa ấy tên là Khâm Thánh. Công chúa Khâm Thánh được vua cha gả cho tù trưởng Hưng Tông, một người có công bảo vệ giang sơn, trấn giữ biên ải chống giặc ngoại xâm. Thế kỷ thứ XV, nhà Mạc xây thành đắp lũy ở một số nơi và Tuyên Quang là nơi vương triều nhà Mạc chọn làm chốn định đô khi thất thế”.
Như vậy một vương triều tồn tại cùng với nó là sự có mặt của vua chúa, quan lại, cung tần, mỹ nữ. Những người con gái đẹp được tuyển chọn để tiến cung, trở thành phi, tần, thê thiếp, người hầu của vua chúa, quan lại phải là những người con gái “sắc nước hương trời”, được rèn rũa và dạy bảo đầy đủ gia phong, lễ nghĩa, phép tắc. Từ đó ta có thể lý giải rằng, theo mỗi thời kỳ, giai đoạn đều có thêm những công chúa, quận chúa được gả về đây và tháp tùng họ lên Tuyên Quang chắc chắn có cả một đoàn tỳ thiếp đẹp người, đẹp nết được lựa chọn từ nhiều nơi cùng một đội ngũ quân binh tráng kiệt.
Thứ hai, “Gái Tuyên” đẹp do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Tỉnh ta là tỉnh miền núi phía Bắc nằm trong vùng khí hậu rừng nhiệt đới, có lượng mưa hàng năm khá lớn (1.500mm - 1.800mm) và không khí thường có độ ẩm cao (85%). Khí hậu tương đối ổn định, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 - 23 độ, được coi là mát mẻ, không khí trong lành... Địa hình có nhiều đồi núi cao, rừng rậm và hệ thống sông, suối dày đặc, khoảng 500 con sông suối lớn nhỏ chảy bao quanh. Đây có thể cũng là một điều kiện khá thuận lợi để tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, tinh khiết, trong sáng, vẻ đẹp của nước da, màu tóc của những cô gái miền sơn cước Tuyên Quang.
Thứ ba, ngoài người Kinh, tỉnh ta còn có hơn 20 dân tộc anh em khác (trong đó nhóm người Thủy bí ẩn và ít người nhất Việt Nam). Đặc điểm sinh sống của các dân tộc nơi đây là ít co cụm mà thường phân tán, đan xen nhau. Do đó, khi các vương triều sụp đổ và hòa bình trở lại sự giao thoa lối sống, văn hóa và hôn nhân đa tộc của hậu nhân đã sinh ra nhiều người đẹp cho xứ Tuyên.
Ông Trương Đức Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Tuyên Quang khẳng định: “Câu thành ngữ này đã có từ lâu và không ít người đã tốn nhiều giấy mực vì nó. Tôi đồng tình với một số kiến giải “Gái Tuyên” đẹp của PGS.TS Trần Mạnh Tiến, tuy nhiên cần nói thêm rằng “Gái Tuyên” đẹp còn bởi Tuyên Quang đã được khẳng định là một vùng đất mẫu”.
Theo đó, tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu thần chiếm phần lớn trong quảng đại quần chúng ở Tuyên Quang. Thờ Mẫu là thờ những nhân vật nữ có công đức, chức sắc trong lịch sử, được dân gian sùng bái, suy tôn là “Mẫu” (“Mẫu” tức là: Mẹ; “Mẫu” cũng có thể hiểu là sự mẫu mực). Ở Tuyên Quang có rất nhiều đền thờ Mẫu, có thể kể đến một số đền lớn như: Đền Hạ, đền Ỷ La thờ Mẫu Thượng thiên, đền Lâm sơn thờ Mẫu Thượng ngàn, đền Thượng thờ Mẫu Thoải... Ở những ngôi đền này còn lưu giữ nhiều chứng tích về huyền thoại của nhiều vị công chúa như: Quỳnh Hoa và Phương Dung, Bạch Anh công chúa... Như vậy theo chiều dài của lịch sử, những thế hệ hậu “Mẫu” sinh sôi sẽ được thừa hưởng những nét đẹp của tổ tiên, giống nòi mình. Do đó, cũng có thể khẳng định “Gái Tuyên” đẹp là bởi yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ở các nơi theo dòng người kéo về Tuyên Quang “Thủ đô Khu giải phóng” “Thủ đô Kháng chiến”, nhiều cán bộ, trí thức, kiều nữ ở Hà Nội và các nơi trong cả nước cùng về đây sơ tán. Cũng trong thời gian này (năm 1961), hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về nước xây dựng quê hương trong đó Tuyên Quang được đón trên một nghìn Việt kiều. Nhiều người trong số họ đã ở lại lập gia đình với người bản địa. Bởi thế, Tuyên Quang xưa mới có Phố Việt kiều (nay thuộc trục đường Lê Thái Tổ, TP Tuyên Quang) và làng Việt kiều (thuộc xã Thái Bình, huyện Yên Sơn). Theo ông Trương Đức Tiến, có lẽ đây cũng là một trong những lý do hình thành lên nét đẹp của người con gái xứ Tuyên.
“Gái Tuyên” đẹp không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn đẹp ở nội tâm bên trong. Vẻ đẹp đó mang nét dịu dàng, đằm thắm, nết na, sự khéo léo trong cách ăn, ở, đi đứng, nói năng... và đặc biệt là giọng nói với phát âm rất chuẩn. Nếu tiếp tục đào sâu, nghiên cứu về những chứng tích lịch sử, huyền thoại, sự tích còn lưu truyền trong dân gian ở xứ Tuyên, chắc hẳn mỗi người sẽ có thêm những cách lý giải khác nhau nữa. Trong khuôn khổ bài viết này, vẻ đẹp của “Gái Tuyên” được hình thành và khẳng định bởi ba yếu tố chính là: Nguồn gốc lịch sử, điều kiện tự nhiên và nét văn hóa đặc trưng của miền đất này.
Theo Thu Hương
Báo Tuyên Quang
|