Dù còn rất non trẻ, với vũ khí thô sơ nhưng những chiến sĩ đặc công Hải quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được những chiến công vang dội ngay từ những trận đầu.
ảnh minh họa
Từ những năm 1966 đến 1972, họ là những huyền thoại trên mặt trận Cửa Việt (H.Gio Linh)- Đông Hà (Quảng Trị).
1.000 người tuyển 1
Cựu chiến binh Trương Văn Cung (quê xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình, thuộc phân đội kỹ thuật, Lữ đoàn 126) kể lại, ngày đó để tuyển một chiến sĩ đặc công hải quân đã khó, để tuyển một “người nhái” còn khó gấp bội phần, thậm chí ngang ngữa tiêu chí tuyển phi công. “Có nhiều yêu cầu đối với một đặc công hải quân. Tôi nhớ không nhầm thì gồm: bơi từ 10 đến 20 km; lặn sâu 9 m; lặn máy 12 m; ngậm ống thở đi ít nhất 1 km... Khắt khe nên nhiều người là dân miền biển vẫn trượt”, ông Cung kể.
Còn cựu chiến binh Lê Văn Nam (77 tuổi, quê xã Cảnh Dương, H.Quảng Trạch, Quảng Bình, thuộc phân đội 3, đội 2, Lữ đoàn 126) nhớ lại: “Sau khi trúng tuyển, chúng tôi được đưa ra Hải Phòng huấn luận và phải vượt qua rất nhiều thử thách để trụ lại. Chỉ riêng việc lặn sâu đã rất khổ khi chịu sức ép nước khủng khiếp. Có người không chịu nổi, chảy cả máu tai, trào cả máu mắt”.
Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh, nguyên chiến đấu viên Lữ đoàn 126 chia sẻ rằng bản thân ông ban đầu là chiến sĩ công binh, khi được tuyển qua đặc công “nước” cũng đã phải trải qua quá trình huấn luyện gian nan.
“Đối với người nhái, việc bắt mục tiêu rất quan trọng. Chỉ cần vẫy cái chân hơi mạnh, tay cầm la bàn hơi lệch là trật mục tiêu ngay. Chính vì thế ngày đó chúng tôi đã phải rèn luyện ngày đêm, kỹ chiến thuật nhuần nhuyễn. Tôi may mắn đã là 1 trong 10 người đặc công hải quân đầu tiên được ra chiến đấu nhờ hội đủ 3 yếu tố: sức khỏe tốt, kỹ chiến thuật tốt, phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng chiến đấu”, trung tá Sênh nói.
Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân và tuổi trẻ Quảng Trị tổ chức lễ tri ân tại bia chiến thắng Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc
Đội quân “đi chân đất, ăn thịt hộp, vũ khí ba thân”
Cựu chiến binh Lê Văn Nam bảo thế hệ của ông là thế hệ “Ăn cơm bắc, đánh giặc nam”. Bởi, ngày đó, vào những đêm không trăng, những toán đặc công hải quân (từ 12 đến 25 người) của Lữ đoàn 126 từ đặc khu Vĩnh Linh vượt sông Bến Hải để vào vùng địch.
“Chúng tôi chỉ mặc quần đùi và đi bộ, trực chỉ cảng Cửa Việt, sông Hiếu mà đi. Mỗi người phải mang trên vai 10 đến 15 kg thuốc nổ...Thời gian mỗi trận đều rất gấp gáp vì cả đi cả đánh chỉ được diễn ra trong 1 đêm”, ông Nam nhớ lại.
Những cựu chiến binh lữ đoàn 126 chụp ảnh lưu niệm tại bia chiến thắng Cửa Việt - Ảnh: Nguyễn Phúc
Cũng theo ông Nam vào thời điểm này, có 2 cách đánh phổ biến mà các đặc công hải quân áp dụng đó là thả thủy lôi và đánh áp mạn (gài mìn vào mạn tàu). Mục tiêu mà các ông hướng đến là các tàu sắt của Mỹ ngụy neo dọc sông Hiếu ra tới Cửa Việt, đặc biệt là các tàu hàng - “dạ dày” của địch.
“Bộ đồ nghề” của các người nhái đặc công hải quân năm xưa - Ảnh: Nguyễn Phúc
Cùng với sự sáng tạo trong thực tế chiến trường, từ 1966 đến 1873, tại chiến trường Cửa Việt - Đông Hà, những chiến sĩ đặc công Hải quân của Lữ đoàn 126 đã chiến đấu 300 trận, đánh chìm 339 tàu, phá hủy hàng vạn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Trong đó có những tàu có trọng tải tới 15.000 tấn và có những trận ly kỳ được ví là “trận Bạch Đằng trên sông Hiếu”.
“Chúng tôi hoạt động rất bí mật nên quân địch vào thời điểm đó không biết phiên hiệu của lữ đoàn. Chúng chỉ gọi nôm na chúng tôi là “Đội quân đội mũ đồng, đi chân đất, ăn thịt hộp, vũ khí 3 thân...”, ông Nam nói.
Thế hệ trẻ của hải quân dìu bước các cựu chiến binh cao tuổi tham dự chương trình tưởng niệm tại bia chiến thắng Cửa Việt - Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo Phó đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân, tháng 4.1966, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 126 thuộc Bộ tư lệnh Hải quân là một lực lượng “đặc biệt” chiến đấu theo phương thức “đặt biệt”, phù hợp với chiến trường đánh địch trên sông trên biển.
“Chúng ta mãi mãi tự hào về những người đã là huyền thoại như anh hùng Tạ Văn Thiều (Mai Năng), anh hùng Hoàng Kim Nông, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Hùng Lễ...và biết bao cán bộ, chiến sĩ đặc công hải quân đã lập nên những kỳ tích anh hùng nhưng cũng đầy máu và nước mắt. Thế hệ các anh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của cả dân tộc”, Phó đô đốc Đinh Gia Thật nói.
Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành vận chuyển thủy lôi năm 1968 - Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân
Là những người kế thừa truyền thống anh hùng của lực lượng đặc công hải quân (đơn vị 2 lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 lượt tập thể và 12 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), đại tá Hoàng Minh Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126 cho hay thế hệ trẻ hôm nay rất đỗi tự hào và tự rút ra những bài học từ thế hệ đi trước.
“Một trong số các bài học là luôn tự nhủ lực lượng đặc công hải quân phải làm được những việc mà người thường không làm được. Có thế mới vượt lên chính mình, đạt 5 giỏi: giỏi bơi lội, giỏi võ, giỏi bắn súng, giỏi tác chiến, chịu đựng giỏi...Mục tiêu chiến đấu của đặc công hải quân ngày nay là biển sâu, biển xa, đảo xa, đối tượng tác chiến cũng thay đổi nên những yêu cầu này là vừa đủ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới”, đại tá Sơn nói.
Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành tiếp cận tàu địch - Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân