Đại tá Doãn Mậu Hòe, nguyên Hiệu trưởng trường Văn hóa Quân khu V, Hiệu phó trường Quân sự Quân khu V, từng dạy 6 học trò đặc biệt. Trong đó có đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại tướng Hoàng Văn Thái…
Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, đại tá Doãn Mậu Hòe ngồi cặm cụi lau chùi kỷ vật của một thời hoa lửa. Đó là những quyển giáo án, bút kim sinh, chiếc mũ rơm, bi đông đựng nước…, những thứ đã gắn liền với ông qua hai cuộc chiến. Dù đã bước qua tuổi 80, nhưng ông giáo già vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn theo đúng phong cách nhà binh.
Đại tá Hòe kể, năm 1949 tốt nghiệp lớp đệ tứ (lớp 12), ông thi đậu vào trường sơ cấp sư phạm ở Quế Sơn. Nhưng đúng ngày khai giảng thì ông nhận được lệnh lên đường gia nhập quân đội. Sau thời gian rèn luyện ở phân hiệu Trường võ bị Trần Quốc Tuấn - Liên khu V, ông về chiến đấu tại Đại đội 216, Tiểu đoàn 50, Trung đoàn 108, tham gia nhiều chiến dịch đánh Pháp ở mặt trận miền Trung, Tây Nguyên.
Sau năm 1954, ông theo Trung đoàn 108 tập kết ra Bắc và giữ chức vụ chính trị viên tiểu đoàn. Ở đơn vị, ông thường mở lớp dạy kèm các môn như văn, toán, tiếng Pháp… cho các chiến sĩ. Thấy ông có trình độ văn hóa, năm 1957, Tổng cục Chính trị cử ông đi học lớp bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa. Kết thúc khóa học với tấm bằng giỏi, ông được phân công về dạy bổ túc văn hóa cho các cán bộ ở Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Tham mưu…
Tổng cục thông báo tuyển chọn hai người ưu tú trong số gần 40 giáo viên đứng lớp để dạy văn hóa cho sáu vị tướng là đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại tướng Hoàng Văn Thái, thượng tướng Song Hào, trung tướng Lê Quang Đạo, trung tướng Phạm Ngọc Mậu và thiếu tướng Phạm Kiệt. Lúc này có rất nhiều ứng cử viên “đắt giá” mang học hàm, học vị cao vừa du học ở nước ngoài về tham gia tuyển chọn.
Cuối cùng, Tổng cục Chính trị quyết định chọn ông dạy hai môn lý, hóa và một người nữa dạy toán cho sáu vị tướng tại nhà riêng. “Khi biết mình được chọn, tôi vừa mừng vừa run. Lúc đó tôi chỉ là anh lính 25 tuổi, mang quân hàm thượng úy, còn họ đã là những tướng lĩnh nổi tiếng, chỉ huy hàng nghìn người. Trước mặt thủ trưởng, liệu tôi có đủ can đảm đứng lớp…?”, ông Hòe tâm sự.
Sau một đêm trằn trọc, hôm sau ông mang giáo án đến lớp… nhận học trò. Buổi lên lớp đầu tiên của ông diễn ra tại nhà riêng thiếu tướng Phạm Kiệt (116 Lý Nam Đế, Hà Nội) với đầy đủ sáu “ông học trò” mang quân hàm cấp tướng. Lần đầu đứng trình bày trước các vị tướng, anh giáo trẻ loay hoay không biết xưng hô thế nào cho phải phép.
|
Đại tá Doãn Mậu Hòa. Ảnh: PL TP HCM. |
Nhớ lại giây phút đó, ông Hòe cười: “Mở đầu, tôi nói mời sáu thủ trưởng mở sách vở chép bài, chúng ta bắt đầu buổi học". Giọng tôi run run khiến các vị tướng tủm tỉm cười. Thấy tôi xưng hô lúng túng, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất: 'Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh. Còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí'. Từ đó tôi mới mạnh dạn xưng hô và công việc đứng lớp diễn ra suôn sẻ”.
Đại tá Doãn Mậu Hòe kể mỗi vị tướng - học trò có một đức tính riêng nhưng ai cũng kiên trì học hỏi. Dù bận việc quân, việc nước nhưng họ đều dành thời gian làm bài tập về nhà, đọc sách, tìm kiếm tài liệu đầy đủ theo yêu cầu của giáo viên. “Chỉ vì hoàn cảnh chiến tranh, đạn lửa mà các ông ấy phải dở dang đường học vấn, mình càng thương, càng quý họ hơn”, ông Hòe nói.
Nhớ về thiếu tướng Phạm Kiệt, ông kể: “Thủ trưởng Kiệt tham gia cách mạng từ những buổi đầu kháng Pháp, bị tù đày, đánh đập nên trí nhớ bị ảnh hưởng. Tôi dạy chương trình lớp 3 và lớp 4 nhưng học trước, quên sau. Mỗi lần anh suy nghĩ căng thẳng thường xoa đầu, bóp trán và bảo đầu đau như búa bổ. Những lúc ấy tôi chỉ biết đến bên động viên, gợi nhắc bài học từng chút một. Trong một lần kiểm tra bài cũ, anh Kiệt chỉ nhớ được mang máng nên tôi phải nhắc khéo, gợi mở. Khi trả lời hoàn chỉnh câu hỏi bài tập, anh ấy đã bật khóc òa, chạy đến ôm chầm lấy tôi và nói: 'Thầy thông cảm, tôi mừng quá, vì lâu nay cứ sợ cái đầu không còn học được nữa…”.
Trong số sáu học trò thì đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thầy giáo Hòe đánh giá là thông minh và có lối làm việc khoa học nhất. Ông Hòe kể tướng Thanh giỏi đều các môn khoa học xã hội và nói tiếng Pháp rất sõi. Ngoài giờ học, thầy - trò lại đàm đạo chuyện văn chương, văn nghệ trong nước và quốc tế. “Những lần đi công tác xa, công việc ngập đầu nhưng anh Thanh vẫn dẫn tôi theo để tranh thủ học, không bỏ lỡ giữa chừng. Các bài tập tôi ra về nhà làm, anh đều hoàn thành một cách xuất sắc. Có lần đi kiểm tra một đơn vị quân đội về muộn, hai thầy trò bày bàn học ngay giữa thao trường, học đến gần nửa đêm mới quay về trại. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã hoàn thành các chương trình hóa, lý cấp 3”, ông Hòe nhớ lại.
Với mỗi học trò, thầy Hòe có cách truyền đạt riêng, dễ hiểu và gần gũi. Có hôm dạy môn hóa học cho thượng tướng Song Hào và trung tướng Lê Quang Đạo, ông đã bê nguyên một thau nước xà phòng vào lớp để thực hành tại chỗ. “Hồi ấy, các anh ấy thích vừa học vừa thực hành mới dễ hiểu, nhớ lâu, nhưng dụng cụ thí nghiệm rất khó kiếm. Tôi phải mày mò tự chế hoặc lên thư viện mượn về dùng tạm. Riêng anh Đạo có một biệt tài là có thể chế tạo nhiều mô hình mạch điện để học. Tôi thường lấy mạch điện do anh Đạo lắp ráp, sáng chế để truyền dạy cho học sinh khác”, ông Hòe kể.
Năm 1965, khóa học kết thúc, chia tay những học trò đặc biệt, ông được điều động về dạy tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông được phân công chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy cho con trai của học trò cũ, đó là Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Quốc Trinh, hai người con trai của tướng Hoàng Văn Thái.
Dù chỉ gắn bó không nhiều thời gian nhưng tình cảm thầy trò giữa ông và các vị tướng thắm thiết. Ông giáo già kể, cứ vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, sáu học trò lại tổ chức một bữa cơm thân mật mời thầy giáo trẻ đến dự. Giữa bữa tiệc luôn đặt sẵn một lẵng hoa tươi, kèm theo những món quà nhỏ như hộp xà bông, kem đánh răng, chiếc khăn mặt… “Các anh ấy thay nhau chúc rượu khiến tôi say túy lúy. Lúc về, anh Đạo và anh Song Hào còn đi hai bên cặp tay, dẫn tôi ra tận cổng”.
Khi ông chuyển công tác về Trường Thiếu sinh quân, các học trò cũ thỉnh thoảng vẫn ghé thăm thầy. Ông kể có lần tướng Hoàng Văn Thái xuống trường thăm hai con trai Hùng và Trinh nên yêu cầu ban giám hiệu cho được gặp thầy Hòe. Lúc này ông đang đóng quân xa trường hơn một km nhưng cũng đến hội ngộ với thủ trưởng - học trò cũ. Đêm ấy, bốn người ngồi trò chuyện đến khuya. Trước mặt hai con, tướng Thái dặn dò: “Các con ở lại cố gắng học tập thầy Hòe, ông vừa là thầy của cha cũng là thầy các con. Hai đứa phải biết tôn trọng, trọn đạo làm trò”. Quá nửa đêm, ba cha con đi bộ tiễn ông về tận đại đội…
Chiến tranh đi qua, ông tạm biệt những học trò cũ, chuyển về công tác tại Trường Quân sự Quân khu V. Trong hơn 40 năm khoác áo lính, đứng trên bục giảng, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trở thành sĩ quan cao cấp, giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong quân đội. Nhưng ký ức về sáu người học trò mang quân hàm cấp tướng vẫn luôn in đậm trong tâm trí của ông giáo già.
(Theo Pháp luật TP HCM)
Theo Vnexpress
|