Video ông Nguyễn Trọng Khước, kể lại vụ việc thực dân Pháp thảm sát 32 cụ già, thanh thiếu niên làng Đức Bản
Trong trận càn của thực dân Pháp vào làng Đức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân (Hà Nam), hơn 5.000 tên lính địch đã không thể khuất phục được mấy chục người dân, 32 người đã bị giết. Họ đã hy sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng, bảo vệ căn cứ bí mật.
Vào những năm từ 1950 - 1954 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Đức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân là nơi bí mật chứa vũ khí từ vùng tự do, Liên khu 3 chuyển về để đưa sang Tả Ngạn sông Hồng và ngược lại, chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men ra vùng tự do.
Ở Đức Bản lúc này cũng chính là căn cứ địa cách mạng, nơi này có 175 hộ gia đình đều đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, có nhà đào tới 6 hầm, đã có 20 gia đình nuôi và bảo vệ các cơ quan, đơn vị kháng chiến.
Ông Nguyễn Trọng Khước, thôn Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân kể lại sự việc
Chính vì là cứ điểm quan trọng nên Đức Bản luôn phải căng mình chống chọi những trận oanh tạc của địch. Sau hàng loạt thất bại trên chiến trường, nhất là chiến dịch tấn công Hòa Bình vào tháng 11/1951. Thực dân Pháp rút chạy về càn quét đồng bằng nhằm đẩy bộ đội chủ lực của ta ra khỏi địa bàn đang đứng chân; phá khu du kích hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang để gỡ thế bị bao vây, củng cố thế chiếm đóng, tiếp tục vơ vét của cải, càn bắt thanh niên để bổ sung số quân đang bị thiếu hụt và liên tục mở 20 trận càn lớn nhỏ khắp nơi.
Thà chết chứ không chịu khai ra cán bộ cách mạng
Tháng 3/1952 thực dân Pháp mở trận càn mang tên chiến dịch Amphibi trên đất Hà Nam. Ngày 15/3/1952 thực dân Pháp ùa vào làng Đức Bản nơi toàn bộ các gia đình đều đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Thời điểm này, trong làng Đức Bản có gần 200 thương binh và gần 200 cán bộ đang ẩn nấp.
Sáng ngày 15/3/1952, gần 5.000 tên địch bắt đầu tiến vào làng Đức Bản, chúng gặp ai cũng bắt giữ lại, sau đó chúng dồn tất cả mấy chục người dân về một nơi, bắt tách nhóm giữa phụ nữ và đàn ông ra. Phía đàn ông có 32 người chủ yếu là những cụ già yếu ớt và mấy người thanh thiếu niên trẻ tuổi.
Ban đầu, chúng nịnh bợ cho các cụ già thuốc lá, trẻ nhỏ thì cho kẹo để khai ra hầm bí mật nơi cán bộ, thương binh, quân du kích đang trú ẩn, nhưng mọi người đều lắc đầu không khai. Chúng bắt đầu đánh đập, tra tấn, bắt giết nhưng mọi người đều nói “không biết”.
Ông Nguyễn Trọng Khước (84 tuổi), thôn Đức Bản Ngoại, xã Nhân Nghĩa cho biết: “Lúc đấy tôi 18 tuổi, hôm xảy ra sự việc tôi cũng mới đi học ở Bình Lục về, lúc này tôi đóng giả thành phụ nữ, cõng em gái tôi đến nơi quân địch tra tấn các cụ.
Chiếc hầm nổi cất giấu vũ khí của quân ta tại đình làng Đức Bản
Sau khi tra khảo không được nơi cất giấu cán bộ, quân địch rút quân về cống Nha, bắt đi 4 cụ gồm: Cụ Thức, cụ Tục, cụ Nghĩa, cụ Hoạch. Chiều 15/3 mấy chục tên lính da đen hung hãn kéo ra Đức Bản tiếp tục truy hỏi người dân: “Việt Minh ở đâu?”. Mọi người đều trả lời: “Không biết!”. Chúng đánh đập, bắn giết các cụ già, hãm hiếp phụ nữ.
Đến nhà bà Chác, chúng dồn dân lại, lôi các cụ ông và em nhỏ vào nhà ông Dụ bắt ngồi thành hàng rồi điên cuồng dùng súng liên thanh bắn hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Sau khi giết xong chúng còn đi giày đinh lên xem còn ai sống sót không rồi phủ rơm lên đốt”.
Ông Khước chỉ gốc cây đa ở đình làng Đức Bản nơi có hầm cất giấu cán bộ
Thực dân Pháp tiếp tục lùng sục khắp nơi để tìm nơi ẩn náu của cán bộ, nhưng không thấy, trong cơn điên cuồng, giặc dồn tiếp các cụ ông đến nhà ông Cao Văn Hồng. Trên đường đi tới nhà ông Hồng, quân giặc tiếp tục đánh đập dã man các cụ. Nhưng các cụ vẫn không khai báo, còn nói vớ thực dân Pháp: “Chúng tao sẵn sàng chết để nước nhà được độc lập. Chúng tao chết để bộ đội sống giết chết bọn mày!”.
Ngày 16/3/1952, giặc Pháp rút khỏi Nhân Nghĩa đem theo cả bọn lính cống Nha. Tội ác của thực dân Pháp không những không làm nhân dân Đức Bản nhụt chí kháng chiến, ngược lại còn hun đúc thêm lòng căm thù, ý chí chiến đấu để tiếp tục chặng đường đấu tranh giải phóng quê hương.
Bài báo “Không biết” của Bác Hồ ca ngợi Đức Bản
Vào ngày 2/7/1954, trên trên tờ Báo Cứu quốc, bất ngờ xuất hiện bài báo của Bác Hồ mang tiêu đề “Không biết”. Trong đó có nhắc đến vụ việc ở Hà Nam, nhưng Bác Hồ không nêu địa danh cụ thể, có thể vì yêu cầu bí mật.
Bài báo "Không biết" trên Báo Cứu Quốc của Bác Hồ (ảnh tư liệu)
“Nhân dân ta mỗi người tùy theo năng lực của mình mà ai cũng tham gia kháng chiến. Người thì cầm súng đánh giặc. Người thì đi dân công. Người thì lo tăng gia sản xuất để cung cấp cho bộ đội. Người thì lo làm cổ động tuyên truyền… Việc làm khác nhau nhưng đều phụng sự Tổ quốc, phụng sự kháng chiến. Cũng có người chỉ nói hai tiếng "không biết" mà cũng có công như tham gia đánh giặc, có công với nước với dân.
Cuối năm ngoái, giặc càn quét ở Hà Nam, khi chúng đến làng A, nhân dân đã tản cư, bộ đội đã mai phục lính. Chỉ còn các cụ. Giặc bắt các cụ tra hỏi: “Việt Minh ở đâu?”. Cụ nào cũng lắc đầu nói "không biết". Giặc tra tấn, các cụ cũng chỉ nói: “Không biết”. Để khủng bố tinh thần, giặc giết một cụ rồi lại hỏi. Các cụ vẫn cứ nói không biết. Giặc giết hết 25 cụ. Một cụ còn lại thét lên: “Tao không biết” rồi chửi thẳng vào mặt chúng. Tuy rất vắn tắt, hai tiếng “không biết” ấy đã tỏ rõ tấm lòng nồng nàn yêu nước và gan vàng dạ sắt của các cụ. Nó là đại biểu cho ý chí quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hai tiếng không biết ấy đã làm cho “trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc”, nó đã cứu sống nhiều chiến sĩ ta vừa đưa nhiều giặc đến chỗ chết. Liền sau đó thì giặc bị đánh úp và thất bại to. Hai tiếng “không biết” kia còn nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng để giữ bí mật cho cán bộ ta. Cái gương bí mật mà mọi người Việt Nam phải noi theo”.
Phần mộ của 32 cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản trong vụ thảm sát của thực dân Pháp
Hơn 60 năm đã trôi qua, Đức Bản giờ đây đã thay da đổi thịt, nhưng sự kiện bi hùng năm nào vẫn còn được người dân nhắc đến, họ luôn kể lại cho con cháu nghe về niềm tự hào của làng. Ấy vậy mà, cứ đến ngày 15/3 hàng năm, nhà dân nào cũng làm mâm cơm cúng, người dân Đức Bản gọi là “giỗ trận”.
Chính phủ đã truy tặng “Huân chương kháng chiến hạng Ba” và suy tôn liệt sỹ cho 32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản. Đồng thời, tặng bằng khen cho những gia đình Đức Bản đã đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Đức Văn
.http://dantri.com.vn/xa-hoi/32-cu-gia-thanh-thieu-nien-va-tieng-khong-biet-gan-vang-da-sat-20150904120439675.htm