Ngày ấy, dọc bờ biển huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hầu như là những sa mạc cát trải dài, không có cây cối gì có thể sống nổi trên nền đất cát khô cằn ấy. Người dân nơi đây càng khổ cực hơn khi vào những ngày hè nóng nực, nhiệt độ trên những sa mạc cát có thể lên đến 50 – 60 độ C, kèm theo đó là nạn “bão cát”, đất đai bị cát bồi lấp không thể trồng trọt.
Nơi sa mạc cát khô cằn, cây giống gì mới trồng xuống đều không thể sống nổi
Từ những năm 1994 - 1996, nhà nước có triển khai dự án trồng rừng chắn cát dọc bờ biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Từ thành công của mô hình vườn ươm cây giống của gia đình, bà Khương đã đứng ra nhận trồng 200ha rừng chắn cát ven bờ biển Hải Ninh.
“Để trồng được 200ha đất rừng chắn cát đó, gia đình tôi đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức. Có những lúc, nhìn thấy hàng nghìn cây giống vừa trồng lên đã bị chết khô trên vùng cát khô cằn, tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng, rút kinh nghiệm sau những lần thất bại trước nên tỷ lệ cây giống trồng ra bị chết ngày một ít lại khiến chúng tôi mừng lắm”, bà Khương bùi ngùi nhớ lại.
Bằng ý chí chịu khó, không chịu khuất phục. Giờ đây, những đồi cát đã được phủ một màu xanh
Trời không phụ lòng người, bằng ý chí chịu khó, chịu khổ với mong muốn lớn nhất của hai vợ chồng là “phủ xanh đồi cát”, hàng vạn cây giống đã sống được trên vùng sa mạc cát khô cằn và ngày một xanh tốt. Đến cuối năm năm 1996, gia đình bà Khương đã giao toàn bộ 200 ha rừng chắn cát cho Nhà nước.
Không những trồng rừng chắn cát ven biển mà gia đình bà còn nhận đất rừng để khai hoang phục hóa trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Đến nay, gia đình bà còn sở hữu trong tay hơn 80 ha rừng tràm và cao su đang trong giai đoạn phát triển tốt, chờ thu hoạch.
Nhìn ngôi nhà khang trang với một trang trại kinh tế, trồng rừng mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng ngay trên chính quê hương của mình, bà Khương không thể quên những ngày tháng khó khăn: “Ở cái chốn hoang vu này, ngày xưa có ai thèm ngó ngàng gì tới, bởi đụng đâu là gặp bom đạn ở đó. Năm 1992, giữa lúc khó khăn trăm bề, chúng tôi được nhà nước vận động nhận đất rừng khai hoang, phục hóa. Thấy chúng tôi nhận mảnh đất này làm ăn, rất nhiều người tỏ ra ái ngại, khuyên can chúng tôi chuyển sang chỗ khác an toàn hơn. Nhưng vợ chồng tôi vốn liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm nên ngay khi nhà nước giao đất, chúng tôi đồng ý nhận luôn”.
Bà Khương còn được nhiều người biết đến vì làm kinh tế giỏi
Với nguồn lực đất đai sẵn có, bà Khương bàn với chồng mở rộng diện tích chăn nuôi thành mô hình trang trại. Đến nay, trang trại của bà đã có 70 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt và trên 10.000 con gà. Mô hình trang trại giúp gia đình bà thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng tiền lãi ngay trên chính vùng đất khô cằn ấy. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình bà Khương còn góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương với thu nhập từ 4 triệu đến 5 triệu đồng một tháng.
Điều hạnh phúc nhất đối với bà Khương và gia đình là được vinh dự Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm (Ảnh gia đình cung cấp)
Từ mảnh đất khô cằn với đầy rẫy bom đạn nằm sâu dưới lòng đất, bằng sự siêng năng và một ý chí kiên cường, nhẫn nại, đến nay, mảnh đất ấy đã trở nên trù phú, được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây cối.
Nhưng điều khiến gia đình bà Khương hạnh phúc nhất là đã hai lần vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm.
Văn Lịnh
Nguồn http://dantri.com.vn/xa-hoi/nu-cuu-thanh-nien-xung-phong-trong-200ha-rung-tren-sa-mac-cat-20150825074844553.htm