Đại tá Trần Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm chính trị CSB. (Ảnh: Đức Hạnh)
Ông Hậu khẳng định, ngoài việc tuần tra, kiểm tra kiểm soát, duy trì việc thực thi pháp luật trên biển, thì từ Bộ tư lệnh CSB tới Bộ tư lệnh các vùng, các cụm đặc nhiệm trong toàn lực lượng đều xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển chính là mệnh lệnh không lời.
Vị Phó Chủ nhiệm chính trị kể lại một kỷ niệm khó quên khi cứu tàu của ngư dân Trần Văn Tình ở Cà Mau.
"Trên tàu khi ấy có 17 thuyền viên, tàu ở gần khu vực biển của Campuchia lúc quay về thì gặp bão cấp 9, cấp 10, mạn thuyền bị sóng to đập vỡ.
Nhận được tin báo, chúng tôi triển khai ngay lực lượng ra cứu bà con. Nhưng sóng rất to, nếu tàu CSB cập gần có thể khiến tàu ngư dân bị chìm. Anh em trên tàu CSB đã bất chấp nguy hiểm, mặc áo phao nhảy xuống biển, cầm dây nối với tàu ngư dân, rồi chuyển từng người sang tàu CSB. Sau đó, anh em còn dùng máy bơm hút nước để tàu ngư dân không bị chìm. Kết quả là 17 thuyền viên đã sang được tàu CSB an toàn, tàu vừa chạy vừa kéo con tàu ngư dân gặp nạn cập cảng an toàn. Tính mạng và tài sản ngư dân được đảm bảo".
Tiếp cận kiểm tra tàu cá Trung Quốc trong khuôn khổ tuần tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc tháng 4/2015. (Ảnh: TA)
Quả thật, ra đến biển mới thấy đại dương mênh mông. Đứng trên tàu 8001 - con tàu hiện đại nhất của lực lượng CSB Việt Nam tính đến thời điểm này có trọng tải 2.200 tấn - nhìn về phía sau là tàu 8003 trọng tải 1.400 tấn cũng chỉ thấy con tàu như một đốm trắng trên biển. Nói gì tới tàu đánh bắt của ngư dân với trọng tải thông thường chỉ hơn 100 tấn. Những con tàu ấy gặp sóng to gió lớn chỉ giống như chiếc lá tre nhỏ xíu, bị cột sóng cao che lấp, nhiều khi chỉ nhìn thấy đúng mũi tàu.
"Những lúc ra khơi biển động, chỉ cần thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mỗi con tàu của ngư dân, chúng tôi đều cảm thấy phải có sứ mệnh đảm bảo vùng biển bình yên để bà con yên tâm bám biển, bám ngư trường. Bà con đã trở thành động lực thôi thúc chúng tôi thực thi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn thách thức", Đại tá Trần Văn Hậu cho biết.
Ông kể, có lần tàu CSB ra Trường Sa, bà con ngư dân thoạt đầu nhìn thấy tàu lạ thì bỏ chạy, về sau biết là tàu CSB thì mừng lắm. Có ngư dân còn nói: "Thấy tàu các chú, chúng tôi vui khôn xiết, không phải lo ngại tàu lạ nữa".
Tàu ngư dân tại âu tàu huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: TA
"Đồng hành với chúng tôi luôn có ngư dân, bà con đóng vai trò to lớn trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển. Mỗi tổ đội đánh bắt của ngư dân ở những ngư trường truyền thống giống như làng bản trên đất liền. Khi họ xuất hiện với những lá cờ trên tàu, họ giống như cột mốc di chuyển trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ngư dân giống như con mắt tiền tiêu, những trinh sát viên cung cấp cho CSB và các lực lượng khác khác trong việc duy trì thực thi pháp luật trên biển có được thông tin nhanh nhất về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển", ông Hậu nhấn mạnh.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, duy trì thực thi pháp luật trên biển, lực lượng CSB còn tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân. Trong những chuyến tuần tra thông thường, cán bộ chiến sĩ CSB đã tới từng ô tàu của ngư dân, phát tờ rơi, thông tin ngư dân cần biết, bản đồ về phạm vi được phép đánh bắt, giúp bà con hạn chế vi phạm trên các vùng biển.
"So với trước đây, bà con đã yên tâm bám biển nhiều hơn, vươn khơi xa hơn. Do trang bị trên một số tàu còn chưa hiện đại, chưa xác định được vị trí chính xác được phép đánh bắt nên bà con còn e ngại đi vào những vùng biển chưa nắm rõ phạm vi được phép hoạt động. Ngư dân đã rất hợp tác và háo hức tham gia các buổi tuyên truyền của CSB. Chúng tôi chủ yếu nhắc nhở bà con xem xét trang thiết bị còn thiếu trên tàu như phao cứu sinh - nếu thiếu chúng tôi cấp phát thêm - hay thiết bị phòng chống tràn dầu, giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, chúng tôi cương quyết xử phạt các tàu ngư dân dùng thuốc nổ đánh bắt thủy hải sản, làm ảnh hưởng tới môi trường biển", ông Hậu khẳng định.
Nhờ có sự hiện diện của CSB mà ngư dân yên tâm hơn bám biển vươn khơi. (Ảnh: TA)
Nơi biển xa, nếu mỗi ngư dân, mỗi tàu thuyền đánh bắt là một "cột mốc sống" thì lực lượng CSB cũng giống như một cột mốc, một chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật. Họ cũng là một cột mốc đảm bảo lợi ích hợp pháp quốc gia trên biển.
Theo Thái An
VietNamnet
http://dantri.com.vn/su-kien/menh-lenh-khong-loi-voi-canh-sat-bien-1067743.htm