“Tôi đạp ga, chiếc tăng rú ga, chồm lên, húc đổ cánh cổng sắt rộng khoảng 6m, cao hơn 3m được làm bằng sắt dầy đặc, trong phút chốc cổng Dinh Độc lập đổ sập, bị nghiền nát dưới bánh xích của chiếc xe tăng 390” – ông Tập nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Tập. Ảnh: Xuân Hải
Đường, phố Sài Gòn 30.4 ngổn ngang súng đạn
Người đàn ông có mái tóc bạc, cần mẫn điều khiển chiếc máy nâng, chuyển từng lô hàng đầy ắp thùng sơn lên chiếc ô tô tải đang đỗ ở cửa kho, mặc cho khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Ông là Nguyễn Văn Tập, người lính năm xưa lái chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập vào sáng ngày 30.4.1975.
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, ông Tập kể về thời khắc lịch sử của 40 năm trước. Ông kể, ông sinh năm 1951, ở xã Hoàng Diệu, Gia Lộc, Hải Dương; nhập ngũ tháng 6.1970 và được tuyển về Đoàn H03 học lái xe tăng. Cuối năm 1974, ông được giao nhiệm vụ lái xe tăng T59, số hiệu 390, lên đường vào Nam, trên xe gồm 4 người: Trung sỹ Nguyễn Văn Tập, lái xe; pháo thủ 1, trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên; pháo thủ 2 Lê Văn Phương; Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên Đại đội, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, làm chỉ huy tăng 390.
Ông nói tiếp, từ ngày 26.4.1975, Đại đội tăng của ông tập trung đánh địch tại căn cứ Nước Trong, Đồng Nai, sau khi giải phóng Đồng Nai, đến đêm ngày 28.4.1975 đơn vị ông tiếp tục tiến sâu vào sào huyệt của chính quyền ngụy quân ở Sài Gòn.
“Khi ấy, muốn tiến vào được Sài Gòn phải qua được lũy chiến cầu Thị Nghè, một trong những điểm chốt quan trọng của địch nên lực lượng quân giải phóng chiến đấu rất ác liệt để thẳng tiến vào Sài Gòn” – ông Tập nói.
Tiến vào Xa lộ Sài Gòn, địch đã bố trí rất nhiều hỏa, binh lực để chống trả quân giải phóng, tiếng đạn pháo cùng các loại hỏa lực của ta và địch gầm rít trên bầu trời, trong đêm tối đạn pháo sáng rực cả Sài Gòn. Đến gần sáng, đại đội tăng của ông đã tiến sâu vào trong nội đô, từng chiếc xe tăng mang cờ giải phóng, phấp phới bay trên các tuyến đường Sài Gòn.
Đường phố Sài Gòn ngổn ngang những chiếc xe Jeep, thiết giáp, xe tăng, những khẩu súng AR5 của ngụy vứt lại, bừa bãi trên đường. Lúc đó khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 30.4, Sài Gòn thi thoảng chỉ còn vài tiếng súng nổ yếu ớt của những tên lính ngụy ngoan cố bắn trả quân giải phóng, không ít chiến sỹ đã ngã xuống trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. “Khi chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do tôi điều khiển, do chính trị viên đại đội - anh Vũ Đăng Toàn, làm tổ trưởng đã tiến đến cổng Dinh Độc lập thì thấy chiếc tăng mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, làm tổ trưởng đang bị kẹt ở cổng phụ của Dinh. Thấy vậy, anh Toàn ra lệnh cho tôi, “Tiến thẳng húc đổ cổng chính”.
Tôi đạp ga, chiếc tăng 390 rú ga, rồi chồm lên, húc đổ cổng sắt rộng khoảng 6m, cao hơn 3m được làm bằng sắt dầy đặc. Cổng Dinh Độc lập đổ sập trong phút chốc, bị nghiền nát dưới bánh xích của chiếc tăng 390 nòng súng tăng được hạ xuống tầm thấp, nhằm thẳng dinh sẵn sàng nhả đạn khi có lệnh.
Vỡ òa trong chiến thắng
Khi tiến vào Dinh Độc lập, Đại đội trưởng Thận cùng Chính trị viên Toàn từ trên xe tăng lao xuống, anh Thận cầm cờ quân giải phóng chạy lên nóc dinh để cắm, còn anh Toàn vào trong Dinh Độc lập để dồn tướng lĩnh, tùy tùng của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh vào một căn phòng, lúc đó ước chừng chỉ khoảng 40 – 50 tên. “Tôi ôm súng lao theo anh Thận, anh Toàn vào Dinh Độc lập, sau đó phải nhanh chóng trở lại xe để sẵn sàng nhả đạn vào Dinh khi có biến” - ông Tập cho hay.
Ông nói tiếp: Khi vào Dinh Độc lập, lúc 10 giờ 45 ngày 30.4.1975, không một tiếng súng giữa ta và địch, tất cả đều im ắng, thấy vài người mặc quần áo giống nhân viên văn phòng đứng co ro trong một góc sân. Trong khuôn viên của Dinh rộng khoảng hơn 2.000m2, dưới những tán cây xanh có vài chiếc xe thiết giáp, xe Jeep, xen lẫn những chiếc xe hơi màu đen sang trọng, bóng loáng của tướng lĩnh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Dinh Độc lập là tòa nhà 3 tầng, cao hơn 20m, trước cửa dinh có bể nước, các cửa dinh được làm bằng khung gỗ, lắp kính lúc đó hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Đến 11 giờ ngày 30.4, sau 15 phút xe tăng 390 và 843 tiến vào dinh, quân đội ta đã tiến vào đông nghịt cả Dinh Độc lập, lúc đó cờ của quân giải phóng đã bay phấp phới trên nóc dinh. Chiếm được Sài Gòn, chính quyền ngụy quân sụp đổ, trong giờ phút thiêng liêng ấy, nhiều chiến sỹ đã khóc vì sung sướng, miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất.
Đến đúng 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng tại đài phát thanh Sài Gòn.
Ông Tập nhớ lại: Đến 12 giờ, xe tăng 390 tiếp tục nhận được lệnh đến tiếp quản Cảng Sài Gòn. Thời điểm đó, đường phố chật kín người dân, mang cờ hoa, khẩu hiệu để chào mừng đoàn quân giải phóng. Từ Dinh Độc lập ra đến cảng Sài Gòn chỉ 3km nhưng chiếc tăng 390 phải mất gần 2 tiếng mới đến được cảng.
“Mặc dù đất nước đã thống nhất, nhưng khi tiếp quản Sài Gòn, sau ngày 30.4, nhiều chiến sỹ quân đội ta vẫn bị hy sinh do một số phần tử ngụy quân Sài Gòn ở trà trộn với dân bắn lén” – ông Tập buồn nói.
Đến tháng 7.1976 người lính tăng T59 mang số hiệu 390 - Nguyễn Văn Tập, xuất ngũ trở về quê Hải Dương. Rồi ra Hà Nội làm việc tại Công ty sơn Kova ở quận Hà Đông. Và điều thú vị, người con trai cả của ông là Nguyễn Văn Kết hiện nay đang là sỹ quan quân đội đóng tại Đồng Nai.
“Đặt tên cho con là Kết để gắn với tên tôi, gọi tên cả hai bố con lại thành Tập Kết là để nhớ thời gian vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình được đoàn tụ đấy”, người lính già cười rạng rỡ.
Khi trở lại kho sơn ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội – nơi ông Tập làm việc mới đây, được các nhân viên ở đây cho hay ông Tập được Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mời vào dự lễ diễn ra vào sáng 30.4.2015.