40 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, dù đã về với cuộc sống thường nhật ở vùng thôn quê tỉnh Thái Bình, nhưng ông Phạm Văn Lãi vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử - cắm ngọn cờ giải phóng đầu tiên ở Sài Gòn. Hình ảnh lá cờ sao vàng, nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên tháp nước trong trại Davis - cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, luôn gợi lại những năm tháng “nếm mật, nằm gai” đấu tranh ngoại giao trong lòng địch của ông Lãi và đồng đội.
Ông Phạm Văn Lãi với những hình ảnh chụp trong trại Davis
Năm 1970, khi đang là sinh viên trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, ông Lãi tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền Nam Bắc. Sau thời gian luyện quân, ông Lãi được cử vào sâu trong chiến trường miền Nam, trải qua những trận đánh ác liệt.
Đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã chọn Trại Davis là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên cũng như nơi ở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta với nhiệm vụ cùng hành động đảm bảo những điều khoản trong Hiệp định được thực hiện. Thời điểm đó ông Lãi được lấy về Phòng điện ảnh của Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam hoạt động trong trại Davis.
Hơn 800 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao trong trại Davis, ông Lãi cùng đồng đội trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mà địch cố tình gây ra. “Việc chọn căn cứ không quân của địch là nơi đấu trí giữa các bên, đã thể hiện rõ ý đồ chúng muốn giam lỏng ta, cách li khỏi nhân dân”, ông Lãi nói.
Trại Davis được xây dựng kiểu dã chiến ngay cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, cứ năm phút lại có một chuyến máy bay cất và hạ cánh. Nhà ở lợp fibro xi măng, dưới cái nắng gay gắt khiến môi trường sống tại đây vô cùng căng thẳng. Không chỉ có vậy, địch còn dùng mọi thủ đoạn để gây sức ép vào phái đoàn của ta.
Ông Lãi cho biết, thời điểm đó cứ khi nào trên chiến trường, phía địch bị thua, thì chúng lại dở trò với ta trong trại Davis. Mỗi lúc như vậy, chúng hường xuyên kiếm cớ cắt điện, cắt nước, cắt chuyến bay liên lạc, hoặc là chúng gây khó khăn là không bố trí những đoàn cho chúng ta đi vào Tân Sơn Nhất để đưa công hàm đến ủy ban quốc tế tố cáo chính quyền Sài Gòn. Dù bị địch cố tình gây khó khăn nhưng những chiến sĩ hoạt động trong mặt trận ngoại giao không hề nản chí.
Khi ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Tây Nguyên năm vào tháng 3/1975, ông Lãi cho biết, địch tăng cường các biện pháp uy hiếp mạnh hơn trong trại Davis. Nhận thấy tình hình phức tạp, cấp trên lên kế hoạch đưa những chiến sĩ của ta trong trại Davis ra ngoài. Tuy nhiên, ông Lãi và đồng đội vẫn quyết tâm ở lại, tiếp tục đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Để bảo đảm an toàn, những chiến sĩ của ta tổ chức đào hầm trú ẩn, đào hào công sự.
Cuối tháng 4/1975, các cánh quân của ta ầm ầm tiến vào Sài Gòn. Trong đêm 28 và ngày 29, pháo của ta liên tục bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất nhằm chặn cầu hàng không của địch. “Nằm trong điểm nóng, thời điểm đó dù có hầm hào bảo vệ nhưng anh em chúng tôi luôn xác định tinh thần dù có hi sinh cũng tiếp tục bám trụ để giành chiến thắng trên mặt trận ngoại giao”, ông Lãi nhớ lại.
Sáng ngày 30/4/1975, quân ta tiếp tục tiến công hùng mạnh ở tất cả các hướng vào Sài Gòn để giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống đối của chúng. Khoảng gần 8h hôm đó, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong trại Davis đã lệnh cho Trung tá Mười Sương - Trưởng ban Chính trị, gọi anh lính trẻ Phạm Văn Lãi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy cờ trao cho vệ binh cắm ở điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Thời điểm ông Lãi cùng đồng đội cắm cờ ở tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất 40 năm trước.
Mục đích của việc cắm lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khiến cho địch hoang mang, không còn tinh thần chiến đầu mà bỏ súng đầu hàng. Ngọn cờ còn khuyến khích các mũi tấn công của ta vào thành phố phối hợp nhịp nhàng hơn, nhanh hơn. Ngoài ra, lá cờ còn có nhiệm vụ để lực lượng của ta chỉnh làn, hướng pháo nhắm trúng mục tiêu.
“Tôi đem cờ xuống nhưng không thấy vệ binh ở đó để giao nhiệm vụ của cấp trên, lúc đó họ cũng bận nhiều việc khác. Trong tình huống gấp gáp như vậy, tôi quyết định đem lá cờ chạy đến tháp nước cao nhất trong trại Davis. Trên đường đi, tôi gặp đồng chí Nguyễn Văn Cẩn và đề nghị hỗ trợ cùng làm nhiệm vụ”, ông Lãi nói.
Khi ở địa điểm cao nhất, ông Lãi và đồng đội cùng buộc lá cờ vào cán nhựa, rồi cắm xuống tháp nước. Vào khoảng hơn 9h ngày 30/4, ông Lãi buông tay để là cờ tung bay trong gió Sài Gòn. Khoảng cách từ lá cờ xuống mặt đất khoảng gần 30m, nhiều nơi trong khu vực có thể nhìn rất rõ. Thời điểm đó, lực lượng đặc công được giao nhiệm vụ vào “mở đường máu” cho phái đoàn của ta cũng tiến vào trong trại Davis.
“Treo cờ xong, tôi nhìn xuống phía dưới, cả thủ trưởng cùng anh em ai cũng phấn khởi, ôm nhau khóc như trẻ nhỏ. Trong đầu tôi cũng chẳng nghĩ được gì ngoài việc cầu cho tiếng súng đạn sớm kết thúc ngay trong ngày hôm đó”, ông Lãi ôn lại thời khắc lịch sử cách đây 40 năm.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lãi về công tác tại Văn phòng Chính phủ. Đến năm 2012, đến tuổi nghỉ hưu, ông chuyển về huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sống trong căn nhà nhỏ, giản dị bên bạn bè, làng xóm.
Quang Phong
http://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-cam-co-giai-phong-lam-hoa-tieu-cho-doan-quan-tien-vao-sai-gon-1065228.htm