Xom Chín Chủ nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa hai con sông La Thọ và Cổ Cò (thuộc thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) được bao bọc bởi lũy tre làng, tạo nên vị thế tự nhiên, độc đáo.
Tìm về xóm Chín Chủ vào những ngày tháng 3 lịch này, chúng tôi gặp ông Lê Văn Nuôi – Bí thư Chi bộ thôn Đông Hồ - để tìm hiểu về địa danh lịch sử này. Ông Nuôi dẫn chúng tôi đến di tích lịch sử của xóm Chín Chủ. Di tích này được các địa phương, mạnh thường quân cùng chung tay xây dựng năm 2013.
Khu Di Tích lịch sử tại xóm Chín Chủ
Theo lời kể của ông Nuôi, sở dĩ xóm có tên gọi là Chín Chủ vì trước giải phóng chỉ có 9 hộ dân sinh sống. Điều đặc biệt ở chỗ, 9 hộ dân ở đây dù không phải bà con họ hàng nhưng sống với nhau rất đoàn kết, gắn bó, tình nghĩa, thủy chung. Cả ba thế hệ trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ, nhiều năm, cả xóm nấu cơm chung, ăn chung quyết bám trụ, giữ làng.
Xóm Chín Chủ khá nhỏ, chỉ gói gọn trong khoảng nửa km2, lúc đông nhất khoảng 60 nhân khẩu nhưng chủ yếu người già, trẻ em, còn người lớn đều tham gia công tác địa phương, vào du kích hoặc thoát ly đi bộ đội...
Quanh xóm Chín Chủ trong vòng 1,5km bị bao vây bởi 10 đồn địch đóng quân. Bọn ác ôn, ngụy quyền, lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên... đánh phá ác liệt ngày đêm, bom cày đạn xới, càn quét, bắt bớ tra tấn, tù đày gây nên bao cảnh tang thương nhưng 9 hộ gia đình vẫn duy trì bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, để làm điểm tựa vững chắc cho cách mạng.
Ông Lê Văn Cúc và tượng đài xóm Chín Chủ
Ông Lê Văn Cúc (SN 1945), một trong những người cán bộ cách mạng được người dân xóm Chín Chủ nuôi trong kháng chiến cho biết: “Tôi là lính biệt động TP Đà Nẵng, năm 1967 về xóm Chín Chủ được người dân che chở, nuôi dưỡng để chiến đấu đến ngày giải phóng”.
Theo ông Cúc, sở dĩ xóm nhỏ này được chọn làm căn cứ cách mạng vì địa thế hiểm trở của nó, xóm nhỏ này gần đường 1, dễ dàng ngăn chặn quân địch vận chuyển quân, lương thực... Không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là trạm kết nối các đầu mối của huyện Điện Bàn và Đà Nẵng, các chuyến hàng phục vụ cho hoạt động của một vùng cách mạng rộng lớn. Trong chiến tranh, nơi đây trở thành địa bàn quan trọng là điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng.
Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt như đồng chí Hồ Nghinh, Tấn Hưng, Hồng Thắng, Năm Dừa… đã từng đứng chân ở đây để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm khó khăn, gian khổ, ác liệt.
Bia di tích xóm Chín Chủ
Ở đây có “đội du kích chăn trâu đánh giặc” từ 10-12 tuổi, nhiệm vụ chủ yếu là vừa chăn trâu vừa cảnh giới theo dõi bọn địch hoạt động, để báo cáo cho cơ sở, du kích có kế hoạch chống trả...
Ở đây còn có một bến lội có tên là bến “Hương Biều”, nơi cán bộ, giao liên, du kích, bộ đội.... muốn vào vùng sâu, vùng địch hậu hoặc ngược lại đều phải qua bến lội này, nhất là lúc địch càn quét. Do đó, khi bị địch phát hiện “chấm điểm đen” nên dùng phi pháo đánh phá ác liệt, có lúc chúng sử dụng bộ binh phục kích gây cho ta những tổn thất.
Trước tình thế đó, người dân ở xóm Chín Chủ này đã lập ra 5 bến đò bí mật với việc giấu thuyền, tre xuống đáy sông vào ban ngày, ban đêm vớt lên vận chuyển cán bộ, bộ đội, du kích, vũ khí qua sông. Vì vậy, người dân nào ở đây bọn địch cũng cho là “Việt Cộng”, nên gặp mặt là chúng bắt bớ, tra tấn, bắn giết không nương tay.
Ông Lê Văn Nuôi chỉ tay về xóm Chín Chủ xưa
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Phan Thị Mai (hiện là thương bệnh binh, người dân xóm Chín Chủ xưa) – một trong những nhân chứng còn sống - kể rằng, khi xưa bà thường dùng đò chở cán bộ, lương thực qua sông, nuôi giấu cán bộ trong nhà. Bà Mai có chồng tên Lê Văn Ba, là du kích hoạt động ở xóm Chín Chủ nhưng đã hy sinh năm 1969.
Bà kể, năm 1971, mới buổi sáng sớm nhưng địch vào phục kích ở xóm, mọi người chạy tán loạn, bà bị bắn ở chân. Khi bị thương, địch định đưa bà đi để vừa băng bó vết thương vừa khai thác nhưng người dân ở đây nhất quyết đấu tranh giữ bà lại vì sợ địch sẽ tra tấn và khai ra bí mật ở đây. Sau khi người dân làm dữ nên địch buông, người dân dùng các phương tiện chở bà ra bệnh viện Đà Nẵng cưa chân. Hiện bà sống với 2 người con, nuôi gà, heo và làm vườn sinh sống.
Chúng tôi cũng gặp ông Nguyễn Văn Hoành (SN 1934), là thương binh. Ông cũng là một trong những nhân chứng sống ở xóm Chín Chủ xưa, ông là con ruột của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Lưỡng. Ông Hoành cho biết, gia đình có tất cả 9 anh em nhưng có đến 4 liệt sĩ, 2 người là bộ đội, còn lại là cán bộ.
Bà Phan Thị Mai trò chuyện với PV Dân trí
Trong nhà ông Hoành treo hàng chục bằng Tổ quốc ghi công của mẹ và các anh em mình. Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông còn minh mẫn, kể lại chuyện xưa vẫn còn rành rọt. Giờ ông chỉ muốn làm lại căn nhà cấp bốn đã xuống cấp để có nơi thờ tự mẹ và các anh em. Tuy nhiên, tin vui đã đến với ông khi chính quyền địa phương đã quyết định hỗ trợ cho ông trên 40 triệu đồng để sửa sang lại nhà mới.
Chúng tôi tìm về xóm Chín Chủ trong những tháng 3, trước mắt chúng tôi là cánh đồng lúa xanh mát, nối dài là những bụi tre bao phủ trông rất thanh bình, êm ả. Ông Lê Văn Nuôi, Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng thôn Đông Hồ, cho biết sau ngày giải phóng đất nước, quê hương được yên bình nhưng do nhu cầu cuộc sống ấm no nên người dân xóm Chín Chủ xưa chuyển đến những vùng cao ráo, cách nơi cũ chừng 400m để sinh sống. Xóm Chín Chủ xưa giờ chỉ còn là kí ức của những người còn sống.
Ông Lê Văn Nuôi cho hay vào tháng 7/2013, được sự nhất trí của cấp trên, đặc biệt là sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và các nhân hảo tâm đã góp sức xây dựng hoàn thành “Khu Di Tích” lịch sử tại xóm Chín Chủ này.
“Đây là một chiến tích lịch sử, một biểu tượng sáng ngời của người dân nơi đây để con cháu sau này nhớ đến lịch sử hào hùng của người dân ở xóm Chín Chủ này vì từ nơi đây, rất nhiều cán bộ đã sống, chiến đấu và trưởng thành rồi tiến quân ra giải phóng ở các khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng”, ông Nuôi nhấn mạnh.
Công Bính
http://dantri.com.vn/xa-hoi/xom-co-9-ho-dan-9-me-viet-nam-anh-hung-va-17-liet-si-1049776.htm