Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đón thêm vinh dự khi Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có niên đại thế kỷ XV được công nhận là Bảo vật quốc gia. Bia rộng: 1,92m, cao: 2,80m, dày: 0,27m; Rùa dài: 2,75m, rộng: 1,92m, dày: 0,40m, nặng khoảng 13 tấn.
Bia và rùa được làm bằng đá xanh, nguyên khối, bóng, nhẵn. Trải qua thăng trầm, biến động của lịch sử, Bia bị sứt một mảnh nhỏ ở thân mặt sau, Rùa có vết rạn nứt ở lưng. Bia hình chữ nhật, được đặt trên lưng rùa.
Văn bia với khoảng 70 dòng với 3.000 chữ được viết theo lối chữ Khải chân phương, ghi về gia tộc, ngày sinh, ngày mất và sự nghiệp, công lao của Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, đức độ sánh ngang với trời đất, công lao rạng danh cả 3 vua. .
Rùa đá tại bia Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao.
Tác giả soạn văn bia là những bậc đại danh nho nổi tiếng như: Nguyễn Bảo, Nguyễn Xung Xác, người khắc chữ, các nghệ nhân điêu khắc trang trí trên bia đều là nghệ nhân chuyên nghiệp được triều đình tuyển chọn.
Đây là một tấm bia tiêu biểu đại diện cho một Hoàng Thái hậu của nước Đại Việt. Theo sử sách ghi lại, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mất năm 1496, được đưa về an táng tại Sơn Lăng (Lam Kinh), cách Vĩnh Lăng khoảng 500m về phía Đông. Ngoài việc xây lăng mộ, còn dựng cả một tấm bia để ghi lại lai lịch, công đức của người yên nghỉ trong lăng. Bia được dựng theo hướng Đông nam cách lăng mộ khoảng 70m, trước mặt là cánh đồng và khe nước.
Trong lịch sử Vương triều hậu Lê, có nhiều Hoàng hậu có công to lớn trong việc góp sức cùng các vua gìn giữ, xây dựng, bảo vệ đất nước như: Trịnh Từ Trịnh Thị Ngọc Thương, Cung Từ Trần Thị Ngọc Trần, Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao...
Nhà bia mới được phục dựng lại.
Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao được đánh giá là một người phụ nữ giỏi, một Mẫu nghi thiên hạ giàu lòng nhân ái khoan dung, đức độ, có đầy đủ tư chất "Công, Dung, Ngôn, Hạnh". Bà còn là một người phụ nữ ở ngôi dài nhất trong xã hội nhưng lại không tham gia việc triều chính, mà chỉ chuyên tâm vào việc tề gia.
Ngoài ra Bà còn là tấm gương sáng về đời sống cá nhân và sự chăm sóc gia đình, gia tộc đối với Vua Lê Thái Tông chăm lo giúp đỡ, giáo dục dạy giỗ vua Lê Thánh Tông và cháu là vua Lê Hiến Tông.
Đức của Hoàng Thái hậu được sánh với Trời đất, công rạng rỡ Tam thánh (Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông), xứng đáng là hàng đầu các vị Hoàng hậu nước Đại Việt.
Nói về giá trị, bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là tiêu biểu về hình thức, kiến trúc, điêu khắc mỹ thuật độc đáo, nội dung văn bia có nhiều giá trị về Lịch sử - Văn hóa thời Lê Sơ còn lưu truyền lại cho đến ngày nay. Điều đặc biệt, mặt sau văn bia khắc một bài minh và có tới 36 bài thơ xướng họa của các quần thần khắc trên bia.
Trải qua thời gian, biến cố, rùa đã bị sứt lở.
Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm 1420, người xã Động Bàng (nay thuộc Đồng Phang, xã Định Hoà, huyện Yên Định). Tháng 6 năm Đại Bảo thứ nhất (1440), Thái hậu được phong làm tiệp Dư ở cung Khánh Phương. Năm 1460 sau nhiều loạn lạc trong triều đình, các công thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã tôn lập Tư Thành lên làm vua, bà được tôn làm Hoàng Thái hậu.
Đến khi ở ngôi cao, tuổi đã già, Hoàng Thái Hậu luôn coi trọng việc giáo dục và lưu truyền cho thế hệ sau. Tư tưởng của bà cũng chính là hệ tư tưởng của triều Lê. Hoàng thái hậu luôn đề cao lối sống cần kiệm, liêm chính mà bản thân bà là tấm gương sáng.
Ở Lam Kinh có 6 vị vua và 2 bà Hoàng Hậu sau khi qua đời được đưa về quê hương an táng: Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và 2 bà Hoàng hậu: Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên.
Điều đặc biệt, trong một tấm bia lại có tới 36 bài thơ họa ca ngợi Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Đây là một tài liệu quý để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc về Hoàng hậu ở Việt Nam thời Lê Sơ.
Nếu như nghệ thuật trang trí rồng ở bia Vĩnh Lăng, thì ở bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao cũng trang trí rồng, có dáng hiền thục hơn, được biểu hiện với nhiều chiều, đầu rồng được biểu hiện ở một góc nhìn chếch nghiêng thấy rõ một bên má đầy đặn…
Nghệ thuật chạm khắc rồng ở bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao đã chuyển sang một phong cách nghệ thuật khác hẳn, có sự cầu kỳ về đường nét và cách tạo hình. Đường nét thì sắc nhọn, dứt khoát, bố cục tỉ mỉ, trau chuốt đã thoát ra khỏi hình dáng, cách biểu hiện của rồng thời Lý, Trần và xứng đáng tiêu biểu, bộc lộ rõ đặc điểm phong cách thời Lê Sơ…
Đến đây rồng đã trở thành một biểu tượng văn hoá, tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền. Vì vậy có thể nói điều này phần nào do ảnh hưởng của tư tưởng Nho Giáo. Một nét trang trí chỉ thấy ở Việt Nam bắt đầu từ thời Lê Sơ đó là dưới đế bia có hoa văn sóng nước rất độc đáo, được thể hiện tới 3 lớp (tam sơn). Các ngọn sóng được nối tiếp nhau và tạo thành nhiều lớp, được thể hiện khác với hoa văn cùng loại của thời kỳ Lý, Trần.
Nhà bia được phục dựng lại còn khá mới.
Bia có kích thước lớn tương đương với bia Vĩnh Lăng, ca ngợi công đức của một Hoàng Thái hậu nước Đại Việt, là người phụ nữ giỏi, có đức tính tốt, khoan dung độ lượng, giàu lòng vị tha, biết cách giáo dục con cháu, là người có công trong việc hưng thịnh nước Đại Việt triều Hậu Lê.
Các nhà nghiên cứu Văn hóa đánh giá, Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc là một tấm bia lớn, tiêu biểu đại diện cho người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Đây còn là tài liệu lịch sử đích thực, vì được ghi ngay sự kiện xảy ra mà không hề sao chép, bởi vậy nó có giá trị góp phần bổ sung vào chính sử.
Duy Tuyên
http://dantri.com.vn/van-hoa/nguoi-phu-nu-lam-rang-danh-ca-3-doi-vua-1034150.htm