Hà Nội những ngày này, cái rét ngọt như dao sắc cứa đến từng đường gân thớ thịt người ta. Chúng tôi ngược bắc ải Cao Bằng, chốn biên thùy ấy, chẳng nói thì ai cũng hiểu nó sương mù rét mướt khắc nghiệt hơn vùng châu thổ nhiều lần.
ảnh minh họa
Người lính quân hàm xanh chịu bao cam khó, rét mướt, thẳm xa cô quạnh để canh giữ biên cương, họ đã đón khách thật thắm nghĩa đồng bào...
Những cung đường “mê đắm” với “thành quách đỏ au”
Đại tá Phùng Quốc Tuấn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng - tiễn chúng tôi ngược núi lên biên cương Bảo Lạc, Bảo Lâm, ân cần: “Cẩn thận nhé, cẩn thận nhé, mưa rét, trơn trượt, các bạn lại chưa quen đường”. Anh ý tứ cho Khiêm và Thắng - hai chàng đeo quân hàm xanh bao năm thuộc từng ngõ ngách các đồn Cô Ba, Xuân Trường, Cốc Pàng - đi theo chúng tôi làm “hướng đạo”.
Sau này mới hết thâm ý của ngài đại tá. Khiêm, Thắng, dù là “lính” quay phim viết kịch bản thật, nhưng tài lái ôtô leo bản của họ đã hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi suốt các cung đường vừa gian khó vừa tuyệt mỹ để… đi vào xa ngái, với các trạm kiểm soát giữa ngun ngút mây mù.
Có đêm, đi trong rừng, đèn pha chỉ soi tỏ vài cái cây trước mắt, đi miên man nhiều tiếng đồng hồ trong “rừng cổ thụ” đứng như hai hàng lính dõng dọc các con dốc dựng đứng. Có những ngày đi đồn Xuân Trường, nơi liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (đồng chí Hoàng Văn Nhủng, tức Xuân Trường) đã ngã xuống trong trận đánh đồn Đồng Mu lịch sử diễn ra vào ngày 4.2.1945. Trên đường vào thắp nhang trước mộ liệt sĩ Xuân Trường, chúng tôi đã kinh ngạc khi thấy hai bên vách đá dựng trời được phá mở đỏ au để trải đường asphalt và đường nhựa. Một lần vượt đèo, vòng vèo qua 14 lần dốc cua “tay áo”.
Đại uý Lê Bá Hùng - cán bộ biên phòng tăng cường làm Bí thư Đảng uỷ xã Đức Hạnh đã nhiều năm, nói được nhiều thứ tiếng của cộng đồng nơi đây - trò chuyện với một cô gái Mông, nạn nhân của bọn buôn người mà anh đã cứu.
5 chàng thiếu tá “cơm niêu nước lọ” giữa mây mù
Giữa vất vả, chúng tôi được sưởi ấm bằng tấm tình của người chiến sĩ canh giữ biên cương. Thật khó để diễn tả được cảm xúc khi chúng tôi dốc cạn sức mình để leo lên đến Trạm biên phòng Bản Trang, đơn vị trực thuộc đồn Cô Ba. 5 anh thiếu tá biên phòng sống giữa mây mù quánh đặc. Thiếu tá Trần Thanh Xuân đã 26 năm cống hiến trong ngành biên phòng Cao Bằng, trừ thời gian tăng cường 3 năm vào tận Đồng Tháp.
Đã hơn 10 lần anh đón Tết Nguyên đán ở đồn biên phòng xa ngái. Bây giờ anh vẫn đồn trú ở chỏm chòe lưng núi cùng với 4 anh thiếu tá đều đã cứng tuổi khác. Họ phụ trách hơn 10km đường biên thôi, nhưng lần tuần tra nào cũng vô cùng gian nan, có khi 4-5 giờ liên tục đi bộ trong rừng núi. Rau tự trồng, gà tự nuôi, bắc ống dẫn nước trên núi về tắm, bữa đến tự nấu cơm nuôi nhau rồi xông pha khắp thôn sâu bản vắng bảo vệ dân lành, bảo vệ cương vực của đất mẹ.
Thiếu tá Xuân bảo, đường người ta vỡ núi mở ra, thấy xe máy anh em đi vào được rồi đấy, nhưng lúc trời mưa hoặc sương mù gây trơn trượt, mình đã luống tuổi, tay lái nó yếu, tốt nhất là lội bộ khoảng 5km từ ngoài trục đường xã vào trạm biên phòng. Thiếu tá Lữ Văn Long, rồi các thiếu tá Triệu Kim Đồng, Lô Văn Hạt có vẻ trẻ khỏe hơn, vừa đi vừa khiêng xe thì cũng vào đến trạm. Cửa trạm là mây mù bát ngát, sương rét như kim châm các đầu ngón tay, ở đó có treo 4-5 cái điện thoại di động. “Cả khu vực, duy nhất góc này có chút sóng điện thoại, sóng rớt ở đâu về, thỉnh thoảng gọi được và nghe được, nhưng “tắc bụp” lắm” - Trạm trưởng Lữ Văn Long tâm sự.
“Khổ thì khổ vậy, xa vợ con, cơm niêu nước lọ giữa rừng thật, nhưng bà con còn khổ hơn mình. Chúng tôi phải quản lý, vận động bà con, cẩn thận chứ dạo này có phong trào sang bên kia biên giới làm thuê. Bị lừa, bị giam cầm đánh đập khổ lắm” - thiếu tá Xuân trăn trở. Tết đến, bà con 6 dân tộc anh em trong khu vực, nhà nào cũng có một đùm thịt lợn muối xách lên, tự khắc treo ở bếp của trạm Bản Trang, gọi là có chút quà cho cán bộ xa nhà. Rồi họ cùng phá cỗ với các chiến sĩ đang ở miền biên ải đang nghêu ngao hát “con biết xuân này mẹ chờ em mong”…
Mượn mi-cờ-rô trong đám cưới để nói với người Mông quê mình
Ở xóm Nà Lèng bên, vừa rồi trời làm mưa đá, bà con khốn đốn. Mưa đá từng viên to bằng cái cốc, có hòn to bằng cái ấm pha trà. Nó phá nát bươm hoa màu, vỡ tan hết ngói và tấm lợp fibrôximăng của bà con. Người già được khiêng xuống gậm sàn trú ẩn, người trẻ chạy cứu các con vật, cứu giấy tờ tài liệu do mưa đá phá tan hết ngói xả nước vào các ngôi nhà sàn. Người ta phải đội chảo gang, chậu thau, các chum vại lên đầu mà chạy, đề phòng trời ném đá vỡ sọ. Bà con kêu khóc, sợ hãi, lúc đó Đồn biên phòng Cô Ba và cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời. Họ đem tiền cứu giúp bà con thoát cảnh đói khát, họ đem binh lính đến lợp lại mái nhà, gieo lại hoa màu vụ mới.
Thiếu tá Triệu Kim Đồng, đội vận động quần chúng, đang nấu cơm cho “năm anh em trên đỉnh núi sương mù”.
Ông Vừ A Lềnh là người nổi tiếng giàu vùng Bảo Lạc với rừng sa mộc hàng nghìn cây, bảo: Cán bộ biên phòng tử tế lắm. Họ ăn ở ba cùng với dân. Họ dạy tôi cách trồng cây sa mộc, thuê máy xúc về ủi đường, vỡ ruộng ra mà cấy lúa nước. Rồi lại trồng cả cỏ voi nuôi gia súc lớn. “Lúc mưa đá, tôi đội cái chum chạy. Thấy người già khóc, thi nhau quỳ lạy ông trời đừng làm khổ dân nữa, cán bộ Hầu Văn Đồng (đội vận động quần chúng của đồn Cô Ba) và nhiều người khác nữa đã đến. Anh tuyên truyền.
Đang đám cưới rất đông, anh mượn micờrô, sẵn tập hợp đông đảo được bà con rồi, anh phổ biến chính sách mới, dạy bà con cách làm ăn và phòng trừ bệnh tật. Thằng Đồng nói bằng tiếng Mông, như là tâm sự với bà con mình ấy, hay lắm. Cán bộ biên phòng nó tốt quá”. Cũng nhờ nghe theo cán bộ biên phòng, có gia đình ở bản, thu một vụ hoa hồi được 80 triệu đồng, đẵn một lứa sa mộc đem bán được 100 triệu đồng.
Kêu đấng “tối cao” mà không thấy no, thì phải tin lời cán bộ…
Thượng úy Trần Đức và trung úy Chu Thanh Xuân - cán bộ Đồn biên phòng Xuân Trường - trong một ngày mưa lép nhép, đường sá bám lấy xe cộ và bước chân người leo núi, đã rủ chúng tôi cuốc bộ đi vận động bà con đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lầm lạc mà thế lực xấu gieo rắc. Xóm Mù Chảng của xã Xuân Trường gồm toàn đồng bào người Dao. Nhà anh Phủng Quẩy Pieo đứng cô độc trong mù mịt mưa phùn. Kẻ xấu đóng vai người bán hàng, đóng vai người tử tế đi giúp người Dao khỏi nghèo, khỏi ốm đau bệnh tật.
Chúng nó bảo: Chỉ cần kêu cầu đến thế lực siêu nhiên, phá bỏ bàn thờ tổ tiên, mọi điều ước sẽ thành hiện thực. Không còn thiếu đói, không ốm đau bệnh tật, không u buồn khổ não. Bà con vài người tin, vài người không tin, thế là cãi nhau lung tung. Bộ đội biên phòng về bảo: “Làm theo kẻ xấu thế là sai rồi”, bà con chưa tin lời cán bộ. Cán bộ bảo: “Đây nhé, có người ốm, cứ cầu “thế lực” kia đi, nếu mà tự khắc nó không khỏi bệnh thì phải tin lời cán bộ nhé. Cán bộ sẽ đưa đi bệnh viện chữa, cho tiền thuốc thang, nếu khỏi thì nhớ lập lại bàn thờ tổ tiên và đừng ngu dại nữa nhé”.
Thượng uý Lữ Văn Long - tổ trưởng tổ công tác Bản Trang, Đồn biên phòng Cô Ba - treo điện thoại lên dây để “bắt sóng” về hỏi thăm vợ con.
Xem “trắc nghiệm” vài lần, anh Quẩy Pieo tự nhận ra: “Dân bản mình bị bọn truyền đạo trái phép nó lừa mất rồi. Ốm mà không chữa bệnh thì chỉ có chết, đói mà không làm để có cái ăn thì chỉ có… chết”. Trưởng xóm Mù Chảng - anh Triệu Tài Quang - gãi đầu gãi tai, sao lúc bọn xấu nó đến, bà con lại “ngốc” thế. Có nhà ở xóm này, bỗng dưng phải chuyển đi nơi khác, chỉ vì mâu thuẫn giữa các nhóm người theo đạo hay không, phá bỏ bàn thờ hay để lại bàn thờ.
“Không biết “tàn tích” của một lần ngây thơ nghe theo kẻ xấu với niềm tin “tà đạo” như vậy còn để lại hậu quả đến bao giờ nữa đây” - một chiến sĩ quân hàm xanh thở dài. Chảo Quầy Hin, anh thanh niên người Dao bước đi rầm rầm trên nhà sàn. Cầm bó nhang đến bên bếp lửa giữa sàn mà châm. Rồi cúng tổ tiên. Bàn thờ được lập lại trong mỗi gia đình. Bên cạnh là ảnh Bác Hồ, là những tờ báo dán trang trí cầu kỳ quanh nơi tưởng nhớ các bậc tiền nhân.
Trông thì giản dị và thanh bình vậy thôi, nhưng phía sau đó là cuộc “chiến đấu” sóng gió của lực lượng biên phòng với các thế lực xấu. Bên bếp lửa nhà sàn, họ là ngọn lửa ấm; ngoài rét sương lầm lạc và những thảm họa thiên nhiên, họ như cây lim, cây táu vững chãi tỏa bóng che chở, nâng bước cho bà con mình.