Không qua chuyên ngành nào về công nghệ cơ khí, nhưng cha con ông Trần Quốc Hải lại chế tạo thành công nhiều loại máy về công nghệ khoa học, trong đó phải kể đến máy bay trực thăng, máy sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó ông đã sửa được nhiều xe bọc thép bị hư hỏng cho Campuchia.
Với những đóng góp này, hai cha con ông đã được Quốc vương Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân. Để tìm hiểu rõ thông tin, đồng thời có thông tin tổng thể về kỳ nhân này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm gặp ông Hải để nghe ông kể về hành trình đặc biệt, có thể xem là có một không hai này...
Nuôi hy vọng vào những ước mơ trong tương lai là sẽ chế tạo thành công nhiều chiếc trực thăng mang thương hiệu "hai lúa" trên chính bầu trời quê hương mình, ông Trần Quốc Hải luôn dành thời gian tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Sau nhiều năm nghiên cứu cực khổ, cuối cùng chiếc máy bay đầu tiên đã ra đời ngay trên chính mảnh đất quê hương ông.
Giải mã "kỳ nhân"
Cái tên Trần Quốc Hải (SN 1960), trú tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã không còn xa lạ với nhiều người. Không phải bây giờ người ta mới biết tới người đàn ông đó, mà ngay từ thời điểm cách đây hơn chục năm về trước, tên tuổi ông đã nổi danh khắp nơi. Đơn giản vì ông có những ước mơ táo bạo, chế tạo thành công nhiều chiếc máy bay trực thăng ngay trên chính quê hương mình. ước mơ chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng để bay trên vùng rẫy quê hương mình luôn thôi thúc trong suy nghĩ của người nông dân tràn đầy ý chí và nghị lực này.
Chiếc máy bay của ông Hải vừa được thử nghiệm thành công. |
Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, năm 2003, ông Trần Quốc Hải chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng đầu tiên mang thương hiệu "hai lúa" của mình. Nhìn vào thành quả có được sau thành công bước đầu, ông rất vui và luôn tâm niệm cần phải làm nhiều điều tốt hơn thế nữa. Ngay sau khi chế tạo thành công chiếc máy bay đầu tiên thì danh tiếng của ông Trần Quốc Hải đã vang danh khắp mọi nơi. Có nhiều người, nhiều đơn vị từ mọi nơi trong và ngoài nước khi nghe tiếng ông, không ngại đường sá xa xôi đã tìm tới xưởng cơ khí của ông ở một xã biên giới heo hút tại tỉnh Tây Ninh để được gặp trực tiếp người nông dân vùng quê nghèo ấy.
Việc ông Hải chế tạo thành công máy bay trực thăng, bằng những phương pháp thủ công vốn sẵn có quả là chuyện có một không hai từ xưa tới nay. Với phát minh và sự sáng tạo đó, ông đã được nhiều tổ chức khoa học kỹ thuật từ nhiều nơi đến để ghi nhận. Bên cạnh đó, cũng có một số đơn vị tổ chức liên hệ mua chiếc trực thăng của ông để đưa đi triển lãm ở Singapore.
Được biết, chiếc máy bay trực thăng đầu tiên do ông Hải chế tạo thành công đã bán cho một bảo tàng ở New York nước Mỹ, chiếc còn lại thì bán cho Bảo tàng Busan của Hàn Quốc. Đặc biệt, sau khi bán những chiếc máy bay trên, ông Trần Quốc Hải không dùng số tiền đó vào cuộc sống gia đình, mà ông đã dùng số tiền trên để tiếp tục mua và chế tạo thêm nhiều chiếc máy khác tinh tế hơn.
Gặp ông Hải tại nhà riêng vào một buổi trưa, ông chia sẻ rất nhiều những kinh nghiệm và bí quyết về quá trình sáng tạo những thiết bị của chính mình. Năm 2010, trong một lần ông đi Mỹ thăm con trai đang theo học ngành chế tạo máy bay tại đây. Lúc này tình cờ ông đọc được cuốn sách "Hãy biến máy bay, xe tăng thành máy nông nghiệp". Sau khi đọc hết cuốn sách, về Việt Nam được một thời gian, ông luôn suy nghĩ làm sao để có thể giúp bà con thoát khỏi cái nghèo và cái đói. Điều đó luôn thôi thúc ông phải chế tạo thêm nhiều chiếc máy khác, không chỉ là máy bay để phục vụ giúp đỡ bà con nông dân.
Ông Trần Quốc Hải (trái) bên cạnh chiếc máy bay do mình chế tạo. |
Rơi nước mắt nhìn máy bay cất cánh
Ông Trần Quốc Hải vốn quê ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, là con trai thứ tư trong gia đình gồm 8 anh chị em, cha làm thầy thuốc, còn mẹ lúc bấy giờ làm công nhân may. Ngay từ khi mới học lớp 3, Trần Quốc Hải đã có sự đam mê với nghiệp khoa học công nghệ. Mỗi lần không có ai ở nhà, Hải thường tận dụng mọi đồ dùng liên quan đến công nghệ ra tự ứng dụng. Nhưng gia đình không cho phép, cha mẹ lo lắng nếu Hải làm những việc đó sau này sẽ không có tương lai tốt đẹp, hơn nữa lại lấm lem bụi bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. "Do nhà ở sau lưng sân bay dã chiến Cẩm Giang, nên nhiều lúc tôi trốn gia đình vào đó nhìn tận mắt từng chiếc máy bay trực thăng xem nó như thế nào. Lúc còn nhỏ, tôi rất thích thú và mơ ước lớn lên sẽ tự tay mình chế tạo và lái chiếc máy bay đó trên bầu trời quê hương", ông Hải nói.
Trần Quốc Hải từng tốt nghiệp chuyên ngành thể dục thể thao tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, sau đó ông đi dạy học được vài năm thấy không hợp với sự đam mê của mình nên từ bỏ. Năm 1996, vợ chồng ông quyết định mở xưởng cơ khí riêng tại nhà để chế tạo máy móc nông nghiệp. Cùng chung quan điểm và sự đam mê với việc chế tạo máy móc, một người bạn thân ở xã Suối Ngô đang làm Kinh doanh Bất động sản nghe được ý tưởng chế tạo máy bay của ông Hải đã rất thích thú và đề nghị được hợp tác. Nhờ có vốn kiến thức về ngoại ngữ trong những lần giao tiếp với người nước ngoài, hơn nữa lại thành thạo máy vi tính, ông Trần Quốc Hải đã tìm kiếm được nhiều thông tin trong việc chế tạo máy bay và các loại máy khác.
Thời điểm đầu chế tạo máy bay, ông Trần Quốc Hải mất gần chục năm mới làm xong. Đôi lúc có nhiều người ra vào xưởng tò mò hỏi, thì ông lại nói dối là máy xay bột mì. Khi mọi thứ đâu vào đấy, ông cùng người bạn thân của mình chở chiếc máy bay ra cánh đồng trống thuộc xã Suối Ngô, cách nhà 15km để thử. Là người trực tiếp chế tạo, ông Hải hiểu rõ tác phẩm của chính mình hơn ai hết. Nhưng vào thời điểm đó chính bản thân ông Hải cũng không hết lo lắng, bàng hoàng liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chiếc máy bay cất cánh không thành công? Suốt ba tiếng đồng hồ của một buổi sáng, cuối cùng chiếc máy bay đã cất cánh thành công hơn mong đợi.
Ông Trần Quốc Hải cho biết: "Thấy chiếc trực thăng bay được nên tôi rất yên tâm về sản phẩm của mình. Quan sát kỹ thì thấy vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục nên tôi đã đưa về để điều chỉnh. Một tuần sau, tôi mang chiếc trực thăng ra thử lần nữa thì thấy rất hợp với những gì mình mong đợi. Trực thăng bay ở độ cao 5 mét với thời gian 10 phút. Lúc đó là gần trưa, chuẩn bị hạ cánh ra về thì huyện đội xuống thu máy bay của tôi mà không nói lý do. Sau cả nửa tháng, thì chính quyền lại gọi tôi đến đem máy bay về. Nghe nói, lúc đó có người báo tưởng tôi làm vậy là sai luật, nhưng thấy việc làm của tôi có ý nghĩa, nên họ trả lại và còn khuyến kích tôi nên làm tốt hơn".
Chiếc máy bay đầu tay có lẽ chưa phải là sự thỏa mãn như ý với ông Trần Quốc Hải, vì nó quá nặng (900kg) và tốn kém nhiên liệu. Qua trao đổi với bạn bè quốc tế và thực tiễn, ông suy nghĩ và nhận thấy mình có thể làm được chiếc khác tốt hơn thế nhiều. Nói là làm, hai năm sau, ông bắt tay ngay vào công việc của chính mình. Chỉ 6 tháng, chiếc máy bay trực thăng thứ hai đã được ông chế tạo hoàn chỉnh, chỉ nặng 680kg, dài 11m, rộng 2,3m, cao 3,5m, động cơ mới có mức tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc đạt 150km/giờ. Giá thành của chiếc máy bay trực thăng này chỉ bằng một chiếc xe hơi du lịch lắp ráp.
Đã chế tạo xong chiếc máy bay thứ ba Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Quốc Hải cho biết: "Nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải làm, năm 2007 tôi tiếp tục chế tạo thêm chiếc máy bay trực thăng thứ ba của mình và đang chờ thời điểm tốt nhất để cất cánh. Điều tôi quan tâm nhất lúc này là sẽ ứng dụng thành công nhiều chiếc máy bay mới vào trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi hy vọng, đây sẽ là công trình tốt nhất để cho các bạn sinh viên có tâm huyết cao trong vấn đề nghiên cứu ứng dụng học tập". |
(Theo ĐSPL)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/207998/bi-mat-ba-chiec-may-bay-cua-dai-tuong-quan--hai-lua-.html