Triết lý của gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô ngày trước cho đến hôm nay vẫn còn mang tính giá trị thời đại: "Đã là nhà buôn thì phải có uy tín làm ăn. Chẳng ai dại gì mua danh ba vạn, bán danh ba đồng... Chúng tôi buôn bán, được 10 thì chỉ giữ 7, còn lại dùng để giúp đỡ người nghèo...". Đến nay, điều này vẫn là lẽ sống mà nhiều doanh nhân hiện đại hướng tới.
Từ nhà tư sản đến Đảng viên Đảng Cộng sản
Cửa hàng số 7 Hàng Ngang, 48 Hàng Ngang, xưởng may ô Chợ Dừa - những nơi gắn liền với nhà tư sản dân tộc nổi danh một thời Trịnh Văn Bô giờ đã không còn như xưa. Số nhà 48 Hàng Ngang, chứng tích cho tấm lòng của gia đình họ Trịnh với cách mạng hiện đã thành di tích. Căn nhà hiện được treo tấm biển ghi rõ là nơi Hồ Chủ tịch viết Tuyên ngôn Độc lập. Nếu được nghe câu chuyện về cuộc đời của ông Trịnh Văn Bô, tôi chắc chắn bất cứ ai cũng tìm được điều lắng lại cho mình và thừa nhận, ông là doanh nhân hiếm có.
Cùng với ông vua vận tải Bắc Việt đầu thế kỷ 20 Bạch Thái Bưởi, thương hiệu Phúc Lợi gắn liền với tên tuổi của hai vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng đã gắn liền với một giai đoạn đầy biến động của cách mạng và xã hội Việt Nam. Gia đình ông Trịnh Văn Bô xuất thân từ nhà nho yêu nước.
Năm 1931, ông Bô đi du học ở Pháp tiếp bước người anh trai là ông Trịnh Văn Bính cùng du học trời Tây. Tuy nhiên, bố mẹ ông lo lắng cho việc mở rộng kinh doanh không có người coi sóc. Nên mẹ ông là bà Phan Thị Ngọc có đánh điện cho ông là bà ốm, ông phải về nước. Ngay sau khi về nước, gia đình đã tìm cho ông một cô gái môn đăng hộ đối. Người này chính là bà Hoàng Thị Minh Hồ, con cháu của dòng họ Hoàng nổi tiếng đất Hà thành. Cưới xong, ông được bố mẹ giao cho thừa kế cửa hiệu buôn vải và coi sóc các mối làm ăn của gia đình.
Ông Trịnh Lương cho biết: "Bố tôi thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì thế ông chính là người thông dịch viên cho mẹ tôi trong những phi vụ làm ăn với đối tác nước ngoài. Những năm 30, mỗi lần bố tôi đi xe về Hải Phòng để kiểm tra các chuyến hàng nhập và xuất đi nước ngoài. Ông thường đi một chiếc xe ô tô giống loại xe của vua Bảo Đại. Về nhà bố tôi kể rằng nhiều người họ không biết tưởng ông là Bảo Đại mà cúi đầu chào".
Cuộc đời của ông Trịnh Văn Bô và cả gia đình rẽ ngang sau cuộc gặp gỡ, nuôi giấu Nguyễn Ái Quốc vào tháng 8/1945. Từ cuộc sống của một gia đình tư sản giàu có, ông và cả gia đình đã làm mọi việc để ủng hộ cách mạng. Ông trở thành Đảng viên lúc đó là Đảng cộng sản Đông Dương.
"Những ngày cách mạng sục sôi, bố tôi thường cùng người quản gia tên Nguyễn Văn Phúc ra lái những chiếc xe ô tô của lính Nhật bỏ lại. Những chiếc xe này được tập kết về tại trụ sở của ủy ban kháng chiến. Ông bảo là lái xe về để cách mạng cần là có dùng. Ông sợ để xe ngoài đường sẽ bị đốt phá", ông Lương kể lại.
Nhà "tài trợ" cho chính quyền cách mạng non trẻ
Trong suốt thời gian ở tại ngôi nhà này cho đến ngày ra mắt Lễ tuyên ngôn Độc lập vào 2/9/1945, Bác Hồ cùng 14 cán bộ đã được gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đài thọ toàn bộ mọi chi phí ăn mặc, đi lại.
Gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ bắt đầu kinh doanh buôn bán tơ lụa vải vóc từ những năm đầu thế kỷ. Hàng hoá của cơ sở Phúc Lợi không những bán cho người trong nước mà còn đi khắp khu vực Đông Dương và chủ yếu là bán buôn. Tuy nhiên, gia đình không chỉ biết đến lợi nhuận mà tham gia làm từ thiện ngay từ những năm trước cách mạng. Những năm đó, ông bà đã từ thiện 100 chiếc tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội). Sau đó, còn tiếp tục làm từ thiện bằng những việc như ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê, ủng hộ nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh... bằng những số tiền lớn và theo truyền thống của gia đình.
Ông Trịnh Văn Bô (bên trái) và con trai Trịnh Lương
Sau Cách mạng Tháng 8, ông Trịnh Văn Bô được mời ra làm ủy viên thường trực ủy ban hành chính Hà Nội. Vợ ông bà Hoàng Thị Minh Hồ được ông Khuất Duy Tiến, phó chủ tịch TP. Hà Nội tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Ông Lương tâm sự: "Lúc đó, bọn Quốc dân đảng cũng đến xin bà ủng hộ tiền nhưng bà nhất quyết không ủng hộ. Mẹ tôi sợ bọn Quốc dân đảng sẽ bắt cóc tôi để uy hiếp gia đình. Chính vì thế mỗi khi đi đâu tôi đều có một người đi theo bảo vệ. Khi đó, mẹ tôi đã đi vận động các tập đoàn Phát Đạt, Lợi Quyền ủng hộ tiền và vàng cho chính phủ lâm thời".
Ngoài việc đích thân đóng góp tổng số 5.147 lượng vàng, ông bà còn nghĩ ra nhiều cách để có thể kêu gọi được sự ủng hộ của các gia đình tư sản khác cho cách mạng. Gia đình ông còn tổ chức thêm một đợt quyên góp nữa dưới hình thức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ. Nhiều người dù không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ, cuối cùng tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương. "Khi tiêu tiền cho bản thân thì bố mẹ tôi tiết kiệm từng đồng, từng hào, từng xu, không bao giờ tiêu theo kiểu vứt đồng tiền đi. Nhưng lúc cách mạng cần, bố tôi sẵn sàng mang tài sản vất vả cả đời để ủng hộ cách mạng mà không cầu danh vọng", ông Lương tâm sự.
Gia đình ông Bô đã đem hết công sức, tài sản của mình ra giúp nước, giúp cách mạng cũng chỉ vì một ý nghĩ đơn giản: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giành được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện. Việc ủng hộ là vô tư với mong muốn giúp ích cho việc giành độc lập dân tộc chứ không bao giờ nghĩ sau này cách mạng thành công sẽ thu được cái gì hay được trả lại.
Cuộc đời kinh doanh của gia đình, dòng họ Trịnh Văn Bô đã để lại một kinh nghiệm quý báu và cũng là quan điểm thể hiện cái tâm của một gia đình thương nhân: "Đã là nhà buôn, thì phải có uy tín làm ăn. Chẳng ai dại gì mua danh ba vạn, bán danh ba đồng... Chúng tôi buôn bán, được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới lâu bền".
Hiện nay, họ nội ngoại của nhà ông Trịnh Văn Bô cũng có đến gần 50 người. Người chắt lớn nhất cũng đã lập gia đình. Không ai trong số con cái ông có vợ nọ, con kia, cuộc sống của mỗi thành viên khá chan hòa, đầm ấm. Có lẽ có được điều này cũng là vì ông bà đã tích đức của mình dành cho con cháu. Dù ông đã khuất núi nhưng niềm tin, lẽ sống cống hiến cho dân tộc của ông vẫn còn mãi cho đời sau học tập.
Cụ Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) là hậu duệ đời thứ 9 của hy tổ Trịnh Cương, hậu duệ đời thứ 16 của chúa Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Cha cụ là Trịnh Văn Đường, một trong những nhân sỹ Bắc kỳ tham gia vào phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục. Chính nhờ người cha đã gây dựng cơ sở kinh doanh để đến đời cụ Trịnh Văn Bô và người vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ mà thương hiệu vải Phúc Lợi là một trong những doanh nhân nổi tiếng đất Hà thành những năm đầu thế kỷ 20.
Đỗ Thơm (Nguoiduatin)
Theo Hoinguoihanoi.de
|