Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa chúc mừng GS Vũ Khiêu tròn 100 tuổi
"Một hiện tượng hiếm có”
Mỗi khi nhớ về GS Vũ Khiêu, tôi luôn nghĩ tới hình ảnh của một học giả lớn, một trí thức tiêu biểu, một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng, tác giả của gần trăm cuốn sách nhiều người cần đọc, thuộc nhiều lĩnh vực: triết học, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, đạo đức, mỹ học, tư tưởng Hồ Chí Minh... Với sự hiểu biết sâu rộng cả văn hóa phương Đông và phương Tây, GS Vũ Khiêu đã có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam với những tác phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa mang tính thời đại, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống đạo đức và văn học nghệ thuật ở nước ta. Trong dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô vào tháng 10 tới, GSVũ Khiêu sẽ ra mắt bộ sách "Văn hiến Thăng Long” gồm 3 tập, dày khoảng 2.400 trang.
Ngược dòng thời gian, chàng trai Đặng Vũ Khiêu quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định). Ông tốt nghiệp tú tài trường Bonnal (Ngô Quyền - Hải Phòng), tham gia cách mạng và đã từng hoạt động trên các lĩnh vực: công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại… Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới (1950) đến Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trong quá trình hoạt động, ông đã tập hợp và cùng làm việc với các văn sĩ, trí thức nổi tiếng của Việt Minh như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Phú Tứ... Sau năm 1954, ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam.
Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội thảo phong tặng Hồ Chí Minh là con người hòa bình; sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước XHCN; giúp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO thế giới tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…
Trong một lần mừng thọ GS Vũ Khiêu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tặng ông chiếc đĩa đồng, trên đó có khắc hai câu đối đến nay vẫn được nhiều người thuộc: "Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”. Còn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì cảm nhận về những tác phẩm của GS Vũ Khiêu: "Đọc tác phẩm của ông, trong dân tộc thấy thời đại, trong văn hóa thấy tư tưởng, trong văn thấy triết, trong lịch sử thấy bài học nhân văn, thấy cả một người nghệ sĩ, một người anh hùng bình dị trong cuộc sống đời thường, trung thực, nặng tình với gia đình, bè bạn, với quê hương đất nước, một ngòi bút sắc sảo, thâm nho, trọng tình nghĩa, ghét thói xa hoa, phô trương, tham nhũng, lãng phí. Chủ nghĩa tháp ngà là kẻ thù đối với ông”.
Trong buổi lễ mừng GS Vũ Khiêu tròn trăm tuổi ở Hà Nội, GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhận định: Nếu dùng chữ "hiện tượng” để chỉ GS Vũ Khiêu thì đúng là một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay.
GS Vũ Khiêu tuổi "bách niên”
Người không có ngày nghỉ
Cụ thể hơn, GS Chương lý giải: "Đó là hiện tượng lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, được toàn dân biết đến và được suy tôn như một bậc thầy, một giáo sư ngoại hạng về triết học và nhân văn”. Ở tuổi tròn trăm, sức khỏe của GS Vũ Khiêu dẫu đã yếu đi nhiều nhưng ông vẫn giữ được sự dẻo dai. Máy bay vừa hạ cánh xuống TP.HCM, ít phút sau đó ông tươi cười trong cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Thành phố. Chị Hoa - một người cháu của GS Vũ Khiêu "tháp tùng” theo đoàn nói với tôi, lịch của ông ở TP.HCM dày đặc, không hở phút nào. Vào TP.HCM chiều 18-9, thì 5 giờ sáng hôm sau, GS Vũ Khiêu lại ra sân bay bay đi Long Xuyên.
Nhìn lịch di chuyển, làm việc của người trí thức Vũ Khiêu, ít ai hình dung người đó đã bước vào tuổi 100. Nhưng duy trì được phong độ ấy, ngoài sự "trời cho” còn phần nhiều là do sự rèn luyện của ông. Trong cuộc đời của mình, GS Vũ Khiêu không cho phép mình được ngày nào ngơi nghỉ. Hồi trẻ cũng thế mà về già cũng vậy. Còn nhớ năm 2000, khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, GS Vũ Khiêu đã nói: "Vào tuổi 85 được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ rằng đã là anh hùng thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện rằng từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ”. Đến năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được vinh danh là công dân Thủ đô ưu tú, GS Vũ Khiêu tâm sự: "Với danh hiệu cao quý này, tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Năm nay tôi đã 95 tuổi, nếu trời cho thọ tới 100 tuổi thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô”.
Đưa ra quyết tâm ấy và ông thực hiện một cách rốt ráo. Đêm, ông ngủ ít và tiếp tục miệt mài với những công trình nghiên cứu. Ông luôn chạy đua với thời gian, dẫu vẫn biết "không ai bảo đến mà vẫn đến - đó là trời, không ai bảo đi mà vẫn đi - đó là mệnh”. Thạc sĩ Dương Thị Thịnh - Trưởng Ban thư ký tại Văn phòng GS Vũ Khiêu là người gần chục năm nay được giúp việc GS rất khâm phục và ngưỡng mộ sức làm việc hiếm có của ông, một nhà khoa học đã trăm tuổi. Theo Thạc sĩ Thịnh, GS Vũ Khiêu luôn trân trọng từng giây, từng phút mà cuộc đời dành tặng cho mình. Ông luôn tâm niệm: Mình còn hơi thở thì còn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nước nhà. Buổi sáng, ông thường thức dậy vào lúc 5 giờ. Ông ngồi thiền chừng 15 phút, rồi đi dạo quanh nhà để tận hưởng không khí trong lành của mỗi sớm mai… GS Vũ Khiêu thường bắt đầu công việc lúc 8 giờ 30 với Ban thư ký. Sau đó, ông ngồi biên soạn các công trình đang làm dở và đọc duyệt các bản thảo. Khối lượng công việc rất nhiều nhưng lịch làm việc của ông rất rõ ràng. "Ông yêu cầu thư ký ghi rõ giờ phút cho từng cuộc hẹn trên cuốn lịch lớn ở ngay giữa bàn làm việc. Ông cũng sắp xếp và ghi rõ các công việc cần làm trước, làm sau trong cuốn sổ tay. Sau bữa cơm trưa, GS Vũ Khiêu rất hiếm khi chợp mắt. Ông thường ngả người trên chiếc ghế sofa hoặc nằm trên giường đọc báo. Mỗi trưa, ông đều đọc trên 10 tờ báo được gửi tới hàng ngày và nhiều bản tin tham khảo”, thạc sĩ Thịnh cho biết.
Buổi chiều là thời gian ông dành cho tiếp khách. Còn buổi tối, sau khi ăn cơm và trò chuyện cùng con cháu trong gia đình, ông xem thời sự, đọc cập nhật tin tức mới trên mạng về tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước. Nhưng một ngày làm việc của ông già bách niên vẫn chưa kết thúc. Ông còn lặng lẽ ngồi làm việc bên những trang sách rất khuya, có khi tới 1,2 giờ sáng...
GS Vũ Khiêu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2006)… Ông nổi tiếng với việc viết các bài phú, văn tế và câu đối.
|
Trí thức là người thấy rõ con đường phải đi khi người khác chưa thấy
Không chỉ là một nhà trí thức ưu thời mẫn thế, GS Vũ Khiêu còn dành nhiều thời gian nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam. Theo ông, điểm mạnh của người trí thức chân chính là ở chỗ họ luôn gắn cuộc đời của mình với tiền đồ của dân tộc. Họ toàn tâm, toàn ý vươn tới đỉnh cao của phẩm giá và trí tuệ của con người. Họ ngày đêm suy nghĩ, phát minh và sáng tạo để mang lại phồn vinh cho Tổ quốc, danh dự cho dân tộc và lẽ sống cho bản thân mình.
Tuy nhiên, GS Vũ Khiêu cũng cho rằng, vẫn còn một bộ phận trí thức giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác, không thường xuyên học hỏi, thiếu chí khí và hoài bão, tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt… "Chỗ mạnh của trí thức Việt Nam đang ngày một phát triển ở những tầng lớp trí thức chân chính, những hiền tài của đất nước, những vốn quý của dân tộc. Họ thể hiện thế mạnh cực kỳ lớn lao của trí thức Việt Nam. Ý chí và hoài bão của họ đang ngày càng được bổ sung và củng cố từ nhiều phía”, GS Vũ Khiêu nhận định.
Khẳng định giá trị chân chính của trí thức, GS Vũ Khiêu nhấn mạnh: "Giá trị chân chính của người trí thức không phải ở chỗ họ lặp lại những câu chữ của thánh hiền, mà ở chỗ họ đã có những cống hiến gì trong khi vận dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn. Trong cuộc đời mình, người trí thức chân chính sống cuộc sống thanh đạm. Họ khác hẳn với những kẻ chỉ biết có danh lợi, coi tiền và địa vị là mục tiêu cao nhất”.
Hoàng Thu Phố
|