Cô Hồ Thị Phụng
Ai một lần đi đò ngược sông Thu tìm về thượng nguồn, lên đến ngã ba sông Kiểm Lâm - Giao Thủy sẽ được nghe người dân nơi đây kể về những “chiến tích” cứu người khỏi lưỡi hái “thủy thần” của một người phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Đó là cô Hồ Thị Phụng (51 tuôi, trú thôn Cù Bàn, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Chèo đò từ thuở 13…
Gia đình nhiều đời theo nghề sông nước nên cô Phụng sớm cảm nhận được sự lênh đênh. Không có nhà trên đất liền, mọi sinh hoạt từ nhỏ đến lớn của gia đình ngày ấy đều diễn ra ở dưới ghe, trên sóng nước.
Kể về cuộc đời mình, cô Phụng khiến người đối diện như bị cuốn hút bằng giọng mặn mà xứ Quảng: “Thời trước còn chiến tranh loạn lạc, con nít bọn tui không được đi học như bây chừ. Tầm 7 tuổi đã biết phụ ba má nấu cơm, làm mấy việc linh tinh trên ghe. Khi ba đi kéo lưới về thì cùng đi với má mang cá lên bờ bán cho người ta. Lớn lên chút nữa, ba má đã tập cho tui chèo ghe rồi”.
Cô kể, ngày mới tập chèo, ghe cứ quay vòng tròn, một phần vì chưa biết lái, phần khác cũng vì yếu quá mà không chỉnh mái chèo cho chuẩn được. Thế mà đến năm cô 13 tuổi, người cha đã cấp hẳn một cái ghe để cô đưa đò. Lớn chút nữa, cô lấy chồng chính là một trong những khách thường qua sông. Biết cô lớn lên trên sông nước, vì yêu cô, sau khi làm lễ cưới, người chồng đã không ngần ngại xuống ghe ở cùng vợ. Hai vợ chồng cùng nhau tiếp tục theo nghiệp đưa đò tại bến Giao Thủy. Hạnh phúc đơn sơ của họ được xây đắp với 3 người con đều sinh ra trên chiếc ghe bé nhỏ ấy.
Vị cứu tinh của dân chài
Đã gần 40 năm cầm mái chèo đưa khách qua sông, nhưng phận đời truân chuyên cùng mái nước của cô, ký ức những lần vì cứu người mà đối mặt với bờ vực sống, chết vẫn còn hằn sâu khóe mắt khi nghĩ về.
Cô nhớ, một chiều của năm 1985, trong lúc chèo ghe ra giữa dòng sông để cào sạn cùng với người em gái, cô thấy ở bờ bên kia sông có một người đàn ông đang tắm cho bò. Hình ảnh ấy chẳng có gì là kỳ lạ, vì thế cô lại cùng em tiếp tục công việc. Nhưng được khoảng 15 phút, con bò càng chìm mình dưới nước, người đàn ông lúc đó đã ngập đến ngực. Linh tính có chuyện chẳng lành, bởi không giống như trâu, bò mà xuống nước quá sâu thì rất nguy hiểm. Thêm một lát, người đàn ông đã ngập nước đến cổ. Không chần chừ nữa, hai cô tức tốc chèo ghe sang.
“Đúng là ổng đang bị chuột rút, chỉ còn cánh tay đưa lên mặt nước vùng vẫy. Tui liền nhảy xuống kéo ổng lên bờ, hô hấp cho nước trong bụng trào ra. Lát ổng tỉnh dậy, cảm ơn rối rít, còn tui thì cảm lạnh nằm liệt mấy bữa” - cô Phụng kể.
Rồi hè năm 2004, buổi trưa, khách đi đò thưa hẳn vì nắng nóng. Cô Phụng để ghe cho một mình chồng nắm mái chèo. Lúc mặt trời đứng bóng, cô bỗng nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Nhìn xuống, cô thấy 3 em học sinh nữ đang bị đuối nước. Không ngại sức lực lúc bấy giờ đã kiệt vì làm việc nặng, cô vội cùng con mình lao xuống, cứu 3 cô bé an toàn.
Cứu biết bao người, có những người cô chẳng nhớ tên, cũng chẳng nhớ chính xác thời gian xảy ra. Nhưng câu chuyện khắc sâu trong tâm trí cô là một đêm lũ lớn trên sông Thu cuối năm 1990. Nhớ rõ thế bởi thời gian này, cô Phụng đang mang thai đứa con gái út của mình. Lúc hai vợ chồng đang nằm ngủ trong ghe thì bị đánh thức bởi tiếng kêu cứu thất thanh ở bờ bên kia.
“Đêm đó tối như mực mà lại mưa gió, nước dưới sông thì đang dâng rất nhanh, dòng chảy xiết không thể tả. Thấy tui toan muốn qua đó, chồng tui cản lại vì nghĩ tui đang mang thai. Nhưng tui quyết đi, ổng cũng đành rút mái chèo qua sông. Khó khăn lắm mới qua được bờ, biết được có một người phụ nữ đang chuyển dạ. Không chần chừ lâu, tui và chồng đưa cô ấy lên ghe rồi bảo chồng cô ấy đi theo.
Vì lúc đó nước đang lớn, đi xe máy chưa chắc xuống được bệnh viện huyện, nên tui cứ men theo đường sông mà lái, chẳng quan tâm là mình có đang mang thai hay không. Cũng may, nhờ nước chảy nhanh nên ghe chèo một lát cũng xuống được Cầu Chìm rồi có xe máy chở lên bệnh viện. Thức trắng đêm chờ tới sáng, tui nghe được tin cô ấy “mẹ tròn con vuông”. Chẳng kịp biết tên họ là gì, nhưng hai vợ chồng vẫn thấy mãn nguyện và nhẹ nhõm”. Kể lại chuyện, mắt cô Phụng vẫn còn vui lấp lánh.
Khó mà ngờ được, thân hình nhỏ bé, gầy gò của cô Phụng mà đã làm được nhiều việc tốt như thế, đến độ cứ mỗi lần có người chết đuối, dân làng xung quanh ai cũng sang nhờ cậy cô. Bây giờ, khi không còn ở dưới ghe, không còn đưa đò hàng ngày nữa nhưng với cô, sông nước và mái chèo vẫn là người bạn tri kỷ, thân thiết nhất. Chiều nào cũng tầm khoảng 17h, khi công việc thường nhật tạm yên, cô lại thẫn thờ đạp xe ra bến Giao Thủy, nhìn về dòng sông như để tưởng nhớ lại những ngày xưa cũ.
Người làm nhiều việc tốt mà không ngại nguy hiểm đến tính mạng, không cầu ơn nghĩa về sau như cô Phụng thì không được mấy người. Người viết ra về khi mặt trời gần tắt nắng, nhưng “ngọn nắng” mà cô mới vừa truyền cho tôi chắc chắn sẽ mãi sáng. Cảm ơn cuộc đời đã sinh ra cô, người đưa đò thầm lặng bên bến bờ Giao Thủy.