Anh hùng Phùng Văn Khầu, ngoài cùng bên phải kể lại trận đấu Pháo trên đồi E1 cho các chiến sĩ Điện Biên thăm lại chiến trường sau 40 năm (1954 -1994) Ảnh: Tuyên huấn Binh chủng Pháo binh
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với thành tích chiến đấu trong 36 ngày đêm trên Đồi E1, ngày 31-8-1955, tôi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lễ tuyên dương, lần đầu được gặp Bác, tôi xúc động nước mắt cứ tuôn trào khi được Người trực tiếp gắn huy hiệu Anh hùng và ôm hôn. Ước mong được gặp Bác đã là sự thật mà cứ ngỡ như trong mơ. Bác căn dặn: “Các chú không được tự kiêu, tự mãn, phải luôn luôn khiêm tốn học hỏi, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho...”. Lời dặn của Bác, tôi không bao giờ quên, hướng cho tôi đi suốt cả cuộc đời.
Lần thứ hai được gặp Bác khi tôi có vinh dự tham gia đoàn đại biểu Thanh niên - Sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ năm tại Warsaw, Thủ đô Ba Lan. Thời điểm đó, Hồ Chủ tịch đi thăm 12 nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trước ngày lên đường, Bác đến thăm và ân cần căn dặn: “Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân ta có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng là có sự giúp đỡ ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bác thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đi cảm ơn bạn bè thế giới, cảm ơn nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, còn các cô chú đi sang thế giới với nhiệm vụ cảm ơn thanh niên - sinh viên yêu chuộng hoà bình thế giới, nhất là thanh niên - sinh viên các nước xã hội chủ nghĩa anh em và thanh niên - sinh viên Pháp”. Chính nhờ chuyến đi này, tôi và cô Hà Thị Cay (đại biểu trong đoàn) đồng cảnh ngộ, nên duyên số và là gia đình hạnh phúc của chúng tôi hôm nay.
Giữa thời điểm chiến tranh khốc liệt năm 1969, đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tôi được lệnh trở ra hậu phương miền Bắc. Mừng vui đến tột độ, nhưng rồi đau đớn cũng tột cùng, bởi đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Bác.
Đó là vào cuối Thu, năm 1969, ngày 15-8, lúc tôi đang là Phó Chính uỷ Trung đoàn 675B (nay là Lữ đoàn 386 anh hùng) chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, đồng chí Phạm Ngọc Mậu (Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị) thông báo cho tôi: “Đồng chí Phùng Văn Khầu vinh dự được Đảng, Nhà nước mời tham gia Chủ tịch đoàn lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2-9 tại Hội trường Ba Đình”.
Đúng 14h30 ngày 30-8, tại Phủ Chủ tịch, tất cả các đồng chí trong đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh đã có mặt đầy đủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng lên nói: “Theo yêu cầu của các bác sĩ, chúng ta vào thăm Bác, không được nói chuyện để Bác nằm nghỉ”.
Cả đoàn đi trong im lặng, hồi hộp, lo lắng. Vừa vào đến cửa phòng tôi đã bàng hoàng choáng váng. Bác nằm yên thiếp đi trên giường bệnh, trên ngực và mũi Bác là những ống xông dẫn thở ôxy. Tim tôi bỗng thắt lại, không thể trấn tĩnh được nữa, tôi oà khóc “Bác ơi” trong nghẹn ngào nức nở. Đồng chí Vũ Quang vội đỡ và dắt tôi ra ngoài để tôi trấn tĩnh lại.
Trong những ngày cử hành trọng thể lễ tang Bác, tôi và một số Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có vinh dự được đứng túc trực bên linh cữu của Người. Đó là những ngày khắp cả nước tràn đầy xúc động và đau thương. Trong nỗi đau chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tôi còn có nỗi đau riêng, cuộc đời tôi, cuộc đời của một thanh niên, một người dân tộc thiểu số, mù chữ và nghèo khổ, đã được Đảng, Bác Hồ cứu sống, sinh ra lần thứ hai.
(Ghi theo lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu)