Bác sĩ giải phẫu pháp y Nguyễn Thanh Tuyền.
Hơn 45 năm ấy, ông âm thầm cùng cơ quan điều tra làm sáng tỏ hàng ngàn vụ án, từ án tai nạn giao thông, tai nạn lao động đến các loại án hình sự khác.
Đìu hiu lớp học một thầy, một trò
Gặp ông tại trung tâm Pháp y TP.HCM, không mấy ai tin ông lão tóc bạc, da mồi đã 77 tuổi vẫn đang là một tay giải phẫu pháp y số một nước ta hiện nay. Những câu chuyện, phút trải lòng của vị bác sĩ pháp y đầu tiên trong ngành giải phẫu pháp y cũng thú vị, bất ngờ như lý do ông chọn cái nghiệp bị cả gia đình phản đối này.
Bác sĩ Tuyền kể: "Ngày ấy, tôi chọn ngành giải phẫu pháp y là theo yêu cầu của các cấp lãnh đạo ở miền Nam. Tôi hiểu, theo ngành này sẽ cực lắm, nhưng giữa tiền bạc với nhiệm vụ và quê hương, tôi đã chọn vế sau. Lúc đó, hơn 200 sinh viên, chỉ mình tôi theo học chuyên khoa giải phẫu bệnh lý. Khi lên lớp, tôi choáng ngợp trước sự đìu hiu, quạnh quẽ của lớp học pháp y. Tôi nhớ, khi ấy, cả lớp chỉ có thầy là giáo sư Vũ Công Hòe và học trò là tôi".
Sự dũng cảm ngay từ thời thanh niên ấy giúp ông lần lượt bước qua những chướng ngại lớn lao. Cả gia đình ông phản đối việc con trai mình theo học cái nghề sẽ dùng dao đặt vào xác chết đồng loại.
"Ai cũng chê nghề này ghê rợn, tôi phần nào hiểu được lý do họ xa lánh, nhưng tôi vẫn tự tin rằng, mọi người sẽ nhận ra cái hay của nghề này. Cái hay ấy ở chỗ là tôi có thể nói thay cho những người không nói được, giải oan được cho người đã chết lẫn người đang sống", bác sĩ Tuyền cho biết.
Và rồi, những băn khoăn, nghĩ suy từ thị phi cuộc đời được ông gạt bỏ khỏi niềm đam mê nghề nghiệp, sau lần đầu tiên đặt dao mổ cho tử thi mới 6 tháng tuổi.
Bác sĩ Tuyền kể: "Đứng trước xác chết chỉ là một cháu bé mới 6 tháng tuổi, tôi có một sự xúc động mãnh liệt lẫn thương cảm đến nao lòng. Đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết gì về cuộc đời này mà đã phải ra đi. Từ đó, tôi quyết định chọn công việc mổ xác bệnh nhân để rút kinh nghiệm cho điều trị, tìm nguyên nhân tử vong. Tôi mạnh dạn, tự tin đi trên cái nghiệp mà nhiều người còn chưa hiểu, chưa thật sự cảm thông".
Bằng những quyết tâm ấy, ông dường như quên hết thời gian, quên hết mọi gian khổ của cái nghiệp "làm dâu trăm họ", khi phải chịu áp lực từ thân nhân tử thi, viện kiểm sát, cơ quan điều tra. Không ít lần, ông bị người nhà nạn nhân vây quanh hành hung vì "dám mạo phạm" đến xác con em họ, không ít lần "đụng chạm" đến nhiều người ở nhiều địa vị khác nhau trong xã hội... Đứng trước những chông gai, áp lực đó, ông tự dặn mình chỉ có thể sót chứ không thể sai.
"Tôi luôn quan niệm không được sai, không thể sai mà chỉ cho phép mình sót. Ở đời có ai là không sai, không sót đâu, phải biết mình sót để có thể sửa chữa chứ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là cứ sót mãi. Nói thật, cho đến giờ, riêng trong quá trình hành nghề, có thể nói mình chưa sai, chỉ có sót thôi", bác sĩ Tuyền cười.
Để tránh oan sai cho người còn sống cũng như làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong, ông không ngần ngại tìm đến tận mộ người chết để giám định tử thi. Nửa đêm, các cơ quan điều tra có yêu cầu tham gia, từ lúc trai trẻ đến khi về hưu, ông chưa lần nào từ chối.
Bác sĩ Tuyền nhớ lại: "Những năm vượt biên, người ta bị đắm tàu, chết nhiều vô kể. Để minh bạch cái chết của họ, công an mời pháp y vào cuộc. Những xác chết nằm cách nhau 1-2km là bình thường. Tôi miệt mài làm việc đến bụng đói miệng khát, chẳng biết cách nào để ăn uống đành nhờ mấy anh công an đút cho ngụm nước, miếng bánh".
Nỗi đau từng bị gọi là... "đồ tể"
Theo nghiệp "giải oan" cho người chết, không ít lần, ông kiên quyết giữ vững kết quả giám định, bỏ mặc áp lực từ cấp trên hay sự bêu xấu của người khác.
Vào nghề được vài năm, ông dính phải một kỳ án xâm hại trẻ em. Qua khám nghiệm, ông xác định màng trinh của cháu bé còn nguyên vẹn, nhưng khi đưa kết quả ra, gia đình cháu bé đã nổi giận với ông và tìm đến một tiến sĩ có tiếng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em khám nghiệm. Vị tiến sĩ này cho kết quả ngược lại. Thế là, người ta bêu xấu ông. Ông vẫn bình thản. Lãnh đạo thành phố lập một hội đồng và đưa cháu bé đến bệnh viện Từ Dũ khám. Kết quả, màng trinh cháu bé vẫn nguyên vẹn, đúng như giám định ban đầu của ông. Ông nhẹ nhõm khi trút bỏ được ý nghĩ: "Phải chăng, mình đã giám định sai, sẽ thiệt thòi cho cháu bé?".
Năm tháng lầm lũi bên xác tử thi, cái vui nhất của ông là nói lên được điều người chết không thể. Thế nhưng, ít ai hiểu hơn 45 năm bước trên con đường giải phẫu pháp y, ông canh cánh bên lòng những nghĩ suy nghề nghiệp.
Bác sĩ Tuyền nói: "Tôi cũng ít lần được hỏi chuyện, nhiều người tìm đến tôi vì tò mò, vì hiếu kỳ từ các vụ án được tôi giải phẫu. Báo chí cũng viết nhiều về những điều như vậy, nhưng tôi muốn nói nhiều hơn về cái nhìn còn chưa thực sự thông cảm của xã hội dành cho những bác sĩ giải phẫu như chúng tôi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác bạn bè, gia đình sợ tôi. Hình như có một sự phân biệt đối xử và tôi từng bị gọi là "đồ tể"”.
Ngay ngày đầu quyết gắn đời với dao mổ, gia đình ông "lập hội đồng" ngăn cản, bạn bè đồng trang lứa gọi ông là "đồ tể", người ngoài thì cho rằng ông mang đến điềm xui xẻo vì thường xuyên tiếp xúc với tử thi. Dẫu biết đó chỉ là những phút đùa vui, nhưng lắm lúc cũng khiến ông chạnh lòng. Nhưng theo ông, điều khiến ông khắc khoải hơn cả là xã hội vẫn chưa hiểu tầm quan trọng của giải phẫu pháp y, chưa thấy nỗi khổ của người bác sĩ pháp y. Sự chưa thấu hiểu ấy khiến không ít người tỏ ra sợ hãi, thậm chí xa lánh ngành này. Từ đó, người bác sĩ giải phẫu pháp y cũng bị cô lập.
Bác sĩ Tuyền chia sẻ: "Trong tiềm thức, người Việt mình luôn cho rằng, đụng đến xác chết là xui xẻo. Hơn thế, những gia đình có người chết, họ rất ngại việc xác của con, em mình bị mổ, xẻ. Vì không hiểu công việc của chúng tôi là đi tìm nguyên nhân cái chết nên tôi từng bị vây đánh, bị kỳ thị vì họ cho rằng, chúng tôi mang âm khí nặng nề".
“Nhiều khi bạn bè đồng nghiệp cũng chưa thật hiểu và thông cảm. Khi đi dự hội thảo, họp mặt, thậm chí liên hoan, người ta giới thiệu tôi là bác sĩ giải phẫu pháp y thì cả hội trường ồ lên. Tiếng ồ ấy nghiêng về ngạc nhiên, lo sợ nhiều hơn là sự tự hào, ngưỡng mộ. Người ta ngạc nhiên, lo sợ vì tôi theo cái nghề ghê rợn, cầm dao kéo, trực tiếp mổ xẻ xác đồng loại của mình. Cứ thế, bạn bè gọi tôi là "đồ tể", gia đình kịch liệt phản đối, các cô gái khi nghe đến nghề "mổ xác" thì không dám đến gần, ngày tết không dám đi chúc tết vì sợ mang xui xẻo đến nhà người khác... Ngay cả những đứa bé cũng ám ảnh tôi. Tôi nhớ lần mổ tại chỗ một xác chết trôi sông ở Hóc Môn, mùi hôi thối không chịu được. Lúc đó, người dân vây quanh xem đông lắm. Hơn tuần sau, tôi xuống đó ăn đám cưới, mấy đứa con nít thấy tôi cứ bịt mũi, tỏ ra sợ hãi. Thấy cảnh ấy, tim tôi nhói đau...".
Tuy nhiên, bác sĩ Tuyền vẫn tin vào chân lý, chỉ cần tin vào công lý, làm việc tốt hết mình thì xã hội sẽ hiểu và cảm thông. Cuối cùng, sau nhiều tháng năm miệt mài, ông cũng cảm nhận được trái ngon, quả ngọt. Xe chở xác người, hoặc người đứng chờ làm xét nghiệm thương tật nối đuôi nhau tìm ông, chờ ông khám.
"Thế mà tôi trở nên nổi tiếng, ai cũng biết mặt. Tôi nhớ, một lần, có người nhờ tôi gửi bưu thiếp đến con hẻm nổi tiếng, nhiều gái điếm nhất thành phố, khi đang loay hoay tìm người nhận thì một anh xích lô nhận ra tôi. Anh ấy trách: "Sao ông có thể đến những nơi này? Ai cũng biết mặt ông cả, lộ ra thì còn tư cách gì nữa". Sau khi tôi giải thích, anh ta liền lấy bưu thiếp vào hẻm tìm người nhận giúp tôi. Lúc đó, tôi thấy lâng lâng, ít nhất cũng có người biết và yêu thương mình", bác sĩ Tuyền hạnh phúc nói.