Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Một người Hà Nội Một người Hà Nội , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


Mẹ tôi bảo, nếu ông ấy không đi kháng chiến thì chắc ông ấy đã đỡ con chào đời như hai anh của con. Một bạn nhà báo trẻ hỏi, tại sao ông ấy trông vừa sang trọng, vừa lịch lãm lại bình dân đến thế.

Vì ông ấy là “Một người Hà Nội” như tên gọi cuộc triển lãm 100 tấm ảnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác sĩ Trần Duy Hưng, vị thị trưởng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, được tổ chức trước Tết nguyên đán vừa rồi.

Xa xưa thời Bắc thuộc, các thái thú hay tiết độ sứ là chức quan của phương Bắc đóng trị sở nơi thành Đại La. Từ khi trở thành kinh đô của quốc gia Đại Việt suốt thời tự chủ, thì người đứng đầu Thăng Long được gọi là phủ doãn... Bước vào thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, Thăng Long không còn là kinh đô nữa thì người đứng đầu Bắc thành là tổng trấn, thế rồi bị hạ tiếp chỉ còn là tỉnh thành Hà Nội, thì đứng đầu gọi là tổng đốc. Hai vị Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là những tổng đốc cuối cùng, đều hy sinh trong lúc giữ thành cách nhau một thập kỷ (1874-1883). Từ khi Pháp chiếm thì Hà Nội thuộc quyền cai quản của công sứ dưới quyền của tổng trú sứ là đại diện cao nhất của thực dân ở Bắc và Trung Kỳ.

Từ năm 1885-1886, cả nước đã thành thuộc địa của Pháp và từ năm 1888 khi vua Đồng Khánh nhượng quyền cho người Pháp Hải Phòng, Tourane (Đà Nẵng) và Hà Nội để lập thành phố theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp, thì đứng đầu Hà Nội đã có một quan chức được gọi là “maire” dịch ra tiếng Việt có thể goi là đốc lý hay thị trưởng, đương nhiên không thể là người Việt. Người ta đếm được tổng số có 40 ông Tây thay phiên nhau làm 49 nhiệm kỳ thị trưởng, trong đó có 6 ông làm 2 nhiệm kỳ và duy nhất có 1 ông làm 3 nhiệm kỳ (F.Baille) nhưng không có ai làm liên tục 2 nhiệm kỳ liền nhau. Tính từ tháng 10/1885 đến 3/1945 tổng cộng 60 năm như thế mỗi nhiệm kỳ đều không quá 2 năm, có khi còn dưới cả 1 năm (những dữ liệu trong bài viết này được tham khảo trong công trình “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ” của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1)…

Sở dĩ như thế là vì theo quy chế như ở chính quốc thì việc bầu thị trưởng do một hội đồng gồm đông nhất là người Pháp, thứ đến là người Việt và 1 đại diện người Hoa (cộng đồng ngoại kiều ở các thành phố) tại các kỳ họp hàng năm đều diễn ra sự phẩm bình người đứng đầu, cứ đủ số đại biểu không tín nhiệm là bầu người khác thay thế. Đó là đặc điểm của cơ chế các thành thị từ khi mới sơ khai xuất hiện trên thế giới Âu Tây, luôn gắn với nguyên lý “dân chủ đại diện”. Nhờ thế, chỉ trong thời gian không dài, mới chừng 1 giáp (60 năm), Hà Nội đã định hình là một thành phố thực sự với cơ cấu chính quyền cũng như phương thức quản lý, hạ tầng quy hoạch cũng như kiến trúc và cấu trúc cũng như tính cách cư dân đô thị (thị dân) khá thuần thục.



 Thị trưởng Trần Duy Hưng trong trang phục của huynh trưởng Hướng đạo sinh 
và Bác Hồ


Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội là người Việt, không phải là bác sĩ Trần Duy Hưng mà cũng là một vị bác sĩ cũng họ Trần: ông Trần Văn Lai. Ông sinh năm 1894 và mất cuối năm 1975. Ông được chỉ định làm thị trưởng Hà Nội, trong hoàn cảnh thực dân Pháp bị phátxít Nhật đảo chính, tất cả các ông Tây đều bị huyền chức hay bị bắt. Nhật nắm quyền từ tháng 3/1945 và “trao độc lập” lại cho triều đình Việt Nam, vua Bảo Đại mời học giả Trần Trọng Kim ra làm thủ tướng, nhưng đến 20/7 năm ấy mới trao những thành phố triều đình đã nhượng cho Tây trả lại cho ta. Ngày 21/7/1945, bác sĩ Trần Văn Lai, vì bị Pháp cho rằng có tư tưởng chống đối nên đã đầy ông lên Sơn La mới ra khỏi tù, lên làm thị trưởng Hà Nội.

Bác sĩ Trần Văn Lai nhận lời và đưa một chương trình hành động cấp bách là: “chống kẻ đầu cơ tích trữ - nghiêm trị người gây mất trật tự ngoài đường - ngiêm trị những người gây mất vệ sinh và tìm công ăn việc làm cho những người hành khất” (lúc đó nạn đói vẫn đang hoành hành, người ăn xin từ tứ xứ lên Hà Nội nhiều vô kể). Trong một bài trả lời phỏng vấn ông còn nói đến viễn cảnh sẽ mở mang Hà Nội thêm 50 cây số, xây những đại lộ rộng 50 thước có dải trồng cây xanh ở giữa rộng đến 10 thước; chỉnh trang lại các cửa ô, di tích lịch sử để làm du lịch, chọn vùng Bưởi làm khu tiểu thủ công nghiệp, vùng Gia Lâm làm khu đại công nghệ, các bãi Cơ Xá, Phúc Xá làm khu giải trí v.v....

Nhưng học sử thì ai cũng biết, thầy Trần Trọng Kim đòi từ chức trước khi khởi nghĩa bùng nổ và thầy thuốc Trần Văn Lai cũng rời khỏi cương vị khi Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội, ngày 18/8/1945. Như thế tổng cộng, vị thị trưởng người Việt Nam đầu tiên chỉ ở trên cương vị này kém 3 ngày mới đầy một tháng. Với thời gian ấy vị thị trưởng này chưa thể làm được những việc lớn lao như ông đã công bố với dân, nhưng ông đã làm được một việc rất có ý nghĩa thể hiện tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, yêu Hà Nội của mình.

Đó là việc ông phát động nhân dân lật đổ tất cả các tượng đồng mà chính quyền thực dân đã dựng trên đất Hà Nội, từ tượng các quan chức thực dân (các toàn quyền Paul Bert, Van Vollenhoven...), đến biểu tượng gắn với chế độ cũ như Bà Đầm xoè (phiên bản tượng Nữ thần Tự do) hay quần thể các bức tượng sĩ nông công thương dâng mừng mẫu quốc thắng trận trong Thế chiến thứ Nhất ở Vườn hoa Canh nông... nhưng vẫn giữ tượng và tên gọi vườn hoa Louis Pasteur trước Viện Dịch tễ mang tên nhà bác học...

Thời gian chỉ đủ để ông kịp thời xoá bỏ tên một số vườn hoa quảng trường trong thành phố mang tên các quan chức thực dân Pháp đổi thành những địa danh hay nhân vật lịch sử dân tộc Việt Nam, trong đó có Vườn hoa (quảng trường) Ba Đình, trước kia là địa điểm của một chảo đua xe đạp mang tên giám mục có liên quan đến chế độ thực dân là Puginier. Trên thực tế chưa kịp đổi tên các đường phố (như một số bài viết đã công bố) thì ông đã phải rời khỏi nhiệm sở và một chính quyền mới đã ra đời cùng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Khi kháng chiến bùng nổ, bác sĩ Trần Văn Lai tuy không lên chiến khu nhưng người con trai của ông đã tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ để trở thành một bác sĩ đầu ngành trong quân đội. Sau ngày Thủ đô được giải phóng (1954), khi đã ngoại lục tuần, bác sĩ Trần Văn Lai vẫn được chính quyền Hà Nội mời ra làm Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Thủ đô rồi sau đó tham gia Mặt trận Tổ quốc cho đến trọn đời. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hà Nội là bác sĩ Trần Duy Hưng và đây là nhiệm kỳ thứ hai ông đảm nhiệm vị trí này.

Gần 9 năm trước đó, chỉ 10 ngày sau khi Hà Nội giành được chính quyền, ngày 30/8/1945, chính Chủ tịch Chính phủ lâm thời ra mắt trước đó 2 ngày đã mời bác sĩ Trần Duy Hưng ra làm thị trưởng Hà Nội lúc này, theo quyết định của Đại hội Quốc dân Tân Trào đã được chọn làm Thủ đô của nước Việt Nam độc lập theo thể chế Dân chủ Cộng hoà. Ban đầu, vị bác sĩ - đã từng từ chối lời mời của Bảo Đại muốn ông gánh chức Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim - cũng từ chối: “Thưa Cụ, tôi không biết làm chủ tịch”, thì Cụ Chủ tịch cũng nói rằng “Thì tôi đã bao giờ làm chủ tịch đâu? Miễn sao là có lòng với nước với dân”. Và ông đã nhận lời.

Một trong những công việc mà thị trưởng Trần Duy Hưng đã làm chính là tiếp tục công việc bác sĩ Trần Văn Lai đã làm là xây dựng dự án và ra quyết định duyệt y việc đổi tên và đặt tên toàn bộ các đường phố và công trình công cộng của Thủ đô Hà Nội theo nguyên tắc xoá bỏ tàn tích thực dân, tôn vinh các chiến công và danh nhân Việt Nam, bảo tồn các địa danh truyền thống trong đó có tên của các phố, phường trong khu phố cổ và tiếp thu có điều chỉnh những quyết định của người đi trước mình (21/12/1945).

Sinh ra trong một gia đình trí thức, quê ở làng Canh, Từ Liêm, Hà Nội vị bác sĩ đã gánh vác một trọng trách rất nặng nề trên một địa bàn trọng yếu và giữa một tình thế vô cùng phức tạp. Một trong những phẩm chất giúp ông vượt được mọi thử thách để làm hoàn thành nhiệm vụ chính là những trải nghiệm ông được rèn luyện trong phong trào hướng đạo sinh từ khi còn trẻ cho đến lúc trở thành một vị huynh trưởng.

Không phải tự nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời làm Chủ tịch Danh dự Hội Hướng đạo sinh Việt Nam (cùng với Hội Hồng thập tự Việt Nam) và tin cậy giao phó nhiều trách vụ quan trọng cho các thành viên của tổ chức này với những tên tuổi như Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu v.v... Những tính cách tốt đẹp, hiểu biết cũng như kỹ năng hoạt động của vị Chủ tịch Hà Nội mới ngoại ba mươi tuổi đã gắn bó với người đứng đầu của nhà nước cách mạng lần đầu trong đời đến Hà Nội.

Đêm giao thừa năm Bính Tuất (1946), chính bác sĩ Trần Duy Hưng đã hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh cải trang vào đền Ngọc Sơn và vi hành quanh hồ Hoàn Kiếm để chung vui với dân chúng Thủ đô đón cái Tết Độc lập đầu tiên. Cũng đêm hôm ấy, vị thị trưởng đã lặng lẽ và kín đáo dẫn Bác đi thăm những gia đình nghèo nhất của thành phố để chia sẻ khó khăn với dân... một tập quán tiếp tục được thực hiện trong những ngày Thủ đô mới giải phóng.

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng rời Hà Nội lên chiến khu đảm nhận một số chức vụ (thứ trưởng) Bộ Nội vụ, rồi Bộ Y tế trong chính phủ kháng chiến để rồi đến ngày thắng lợi trở về Hà Nội ông trở lại với cương vị Chủ tịch Hà Nội trải qua những thời kỳ lịch sử nhiều thử thách nhất cho đến ngày hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc... Tất cả thời gian vừa trọn một phần tư thế kỷ ở cương vị người đứng đầu bộ máy lãnh đạo Thủ đô Hà Nội.

Bác sĩ Trần Duy Hưng đã trở thành một ấn tượng đẹp đẽ trong tâm trí những ai đã từng biết ông và quả thật sẽ thật đáng tiếc nếu những hình ảnh về vị thị trưởng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội phai nhạt dần trong ký ức của lịch sử Hà Nội đang không ngừng thay đổi, phát triển mà vẫn băn khoăn trước câu hỏi: Thế nào là người Hà Nội, vì chưa tìm thấy câu trả lời trong những mẫu hình hiện tại...

Dương Trung Quốc

Theo Quehuongonline


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65091583

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July