Thời thiếu nữ của Trần Duy Phương.
Cả đơn vị đều hy sinh còn Duy Phương bị liệt hai chân, lọt vào tay địch, cô gái quê Điện Bàn (Quảng Nam) tưởng như cuộc đời mình đặt dấu chấm hết từ đây. Trong tận cùng của sự đau đớn, cô mong cái chết đến với mình sớm từng phút từng giây. Nhưng rồi chứng kiến sự kiên trung và lạc quan của đồng đội, nhớ gương người cha đã mất trong lao tù và dòng máu của gia đình yêu nước (với cậu hai là con rể của chí sĩ Trần Cao Vân và cậu ba là cháu rể của Tổng đốc Hoàng Diệu), cô đã mạnh mẽ vực dậy để sống.
Những ngày trong trại giam của địch, dù ở Non Nước (Đà Nẵng) đến Phú Tài (Quy Nhơn) hay trại tù binh Cần Thơ, dưới cái tên Trần Thị Mai, cô luôn hòa mình với nhóm tù binh bất khuất nhất, không ít lần tham gia tuyệt thực đấu tranh cùng đồng đội, dù bản thân mang đầy bệnh tật.
Chỉ có thể di chuyển bằng băng ca, Duy Phương vẫn là sức sống của cả trại giam bởi cô quá kiên cường, đặc biệt tiếng hát của cô có sức mạnh cổ vũ rất lớn. Những lời ca Quảng Bình quê ta ơi, Tiếng đàn Ta lư, Đảng đã cho ta một mùa xuân, Biết ơn chị Võ Thị Sáu... đã giúp cô quên đi sự đau đớn của bản thân, vừa là lời động viên to lớn với đồng đội. Cuộc sống trong lao tù càng ngày càng khắc nghiệt. Những người tù bị tập trung lại để đứng lên ngồi xuống, bị đánh đến mức lên cơn thần kinh, thậm chí có người bị vỡ sọ mà chết, bị đóng đinh vào xương, bị bẻ răng, xẻo tai, cắt mũi. Nhưng ở đâu cô cũng hát và dạy các chị em cùng hát, rồi dạy chị em học các môn văn hóa.
Hiệp định Geneve được ký kết, tù binh được trao trả. Những người bệnh nhẹ sớm được đưa về địa phương, còn Duy Phương vẫn phải qua nhiều bệnh xá. Chứng kiến câu chuyện buồn của các thương binh nặng, những cái chết thương tâm, và chính cô cũng lên cơn sau một tuần thức trắng do đau quá, Duy Phương lại tìm đến tiếng hát để sốc lại tinh thần cho mình và mọi người, để cảm thấy mình còn có ích. Cố gắng chống chọi với những cơn đau dữ dội, cô kiên trì ngồi dậy và tập đi bằng nạng từng ngày, buộc đôi chân mình phải sống dù nó đã bất động nhiều năm trời.
Sau ngày đất nước thống nhất, Duy Phương được gặp lại mẹ và hai em trai (4 anh chị khác đã lần lượt qua đời trên đường cùng cha mẹ tản cư). Cô đã xác định mình phải sống vì mẹ. Thấy mẹ vất vả đi lại giữa Đà Nẵng (nơi gia đình ở) và Sài Gòn (nơi mình đang chữa trị), Duy Phương xin về Đà Nẵng sống. Nhưng rồi mùa đông, vết thương hành hạ khiến cô phải quay trở lại Sài Gòn.
Trong suy nghĩ của rất nhiều bạn bè, với tình trạng chấn thương như thế, Duy Phương chỉ có thể sống thêm vài ba năm sau khi ra tù. Thế nhưng trải qua thêm vài đợt chữa trị cả trong và ngoài nước, nữ cựu chiến binh đã có thể tự mình làm một số việc cho bản thân như giặt quần áo, đi lại với đôi nạng… để không phiền đến mọi người. Giờ đây, bà còn viết báo về đồng đội, về cuộc sống trong các nhà tù. Bà cũng tập sử dụng máy tính dù chỉ đánh được bằng hai ngón tay.
Hàng ngày, bà vẫn giữ thói quen đọc báo trên Internet và check mail của người thân, bạn bè. Ảnh: Kim Anh.
Tháng 6/2011, do vết thương cũ tái phát, bà phải phẫu thuật tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. Vết mổ làm thủng ruột non, bà đã chết lâm sàng suốt mấy ngày đêm. Nhiều vòng hoa trắng của bạn bè đã được gửi tới. Nhưng một lần nữa bà lại vượt qua cái chết trong sự kinh ngạc của các bác sĩ. Sau đó, bà tiếp tục phải trải qua hai ca mổ nữa. Những vết mổ khiến phần da thịt vùng bụng bị lõm sâu, bà không thể mặc được quần âu thông thường.
Đầu năm 2013, bà tự mình đánh máy hơn 200 trang tự truyện Tôi nghe tôi hát như một cách để giải tỏa tâm hồn, để tri ân cuộc đời, bạn bè. "Những năm tháng sống lặng thầm bên người thân, hồi ức về thời xa xưa như vẫn còn tươi mới trong tôi. Tôi đã đứng bên lề để nhìn mọi người bon chen xuôi ngược với nhiều tâm trạng khác nhau. Đời cho tôi sống và tôi sống với đời. Tôi hiện hữu để sống chứ không phải để tồn tại. Tôi vui vì tất cả những điều đó, với ý nghĩ mình không phải là kẻ sống thừa", bà viết.
Trong căn nhà nhỏ trên đường Phạm Văn Hai (TP HCM), nơi bà đang sống cùng người mẹ đã 90 tuổi và gia đình cậu em út, những truyền thống văn hóa, những món ăn của xứ Quảng luôn được lưu giữ. Phòng riêng của bà treo đầy những bức ảnh kỷ niệm. Còn trên chiếc giường cá nhân xếp đầy đủ đồ dùng cần thiết như điện thoại, sách vở, máy tính để bà chỉ cần với tay là có thể lấy được. Lúc nào bà cũng vậy, luôn trong tư thế sẵn sàng với cuộc sống.